Lăng Nguyễn Hữu Hào: Di tích "say ngủ" giữa rừng thông

Lê Hoàng Phi Yến| 31/07/2022 06:00

Tôi đến thăm lăng ông Nguyễn Hữu Hào - thân phụ hoàng hậu Nam Phương, hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam - vợ của vua Bảo Đại, qua lời giới thiệu của người bạn. Lăng nằm ẩn trong rừng thông và không khai thác du lịch, vì vậy vẫn còn giữ nguyên dáng vẻ trầm mặc.

Lăng Nguyễn Hữu Hào: Di tích

Giữa thủ phủ của thành phố Đà Lạt đông đúc, rẽ hướng Tây Nam ít người đi là một ngọn đồi hẻo lánh. Nơi đó sừng sững biểu trụ đánh dấu trong rừng thông tọa lạc một kiến trúc bề thế của quý tộc xưa bị lãng quên.

-7016-1658823901.jpg

Tác giả tham quan lăng Nguyễn Hữu Hào

Ông Nguyễn Hữu Hào là một đại điền chủ giàu có quê gốc ở Gò Công (Tiền Giang). Ông kết hôn với bà Lê Thị Bình, ái nữ của ông Huyện Sỹ giàu nhứt xứ Nam kỳ thời bấy giờ. Hai vợ chồng hạ sinh hai con gái, một người sau này kết hôn với Nam tước người Pháp, người còn lại chính là Nam Phương hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan.

Sinh thời, ông Nguyễn Hữu Hào rất yêu mảnh đất Đà Lạt và sở hữu hàng loạt dinh thự có vị trí đẹp ở vùng đất này, tiêu biểu có thể kể đến Cung Nam Phương hoàng hậu vô cùng tráng lệ, nguy nga mà ông tặng cho con gái làm của hồi môn. 

Những ngày cuối đời, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào chỉ sống ở Đà Lạt. Khi bắt đầu lâm bệnh nặng và biết khó qua khỏi, ông có nguyện vọng sau khi qua đời sẽ được chôn cất tại Đà Lạt. Mùa Thu năm 1939 khi ông mất, Nam Phương hoàng hậu cho xây lăng mộ ông trên đỉnh một quả đồi cao phía Tây Nam, đối diện thác Cam Ly, nay thuộc phường 5, thành phố Đà Lạt. Công trình xây dựng liên tục trong vòng 4 năm thì hoàn thành.

Quần thể lăng là một công trình uy nghi, bề thế trên ngọn đồi rộng 4ha bao phủ bởi rừng thông nguyên sinh, dáng tựa đóa sen đang nở. Cổng lăng hướng về trung tâm thành phố Đà Lạt, gồm bốn trụ thẳng đứng trang trí hoa sen và hai cặp câu đối do chính Nam Phương hoàng hậu đề tự.

Để đến chính lăng, sau khi qua cổng, người viếng thăm phải đi bộ trên một con đường gọi là Nhất chính đạo gồm 158 bậc thang đầy cỏ dại rêu phong, có những đoạn cỏ cao lút cổ chân người, cứ cách chừng mười bậc sẽ gặp một chiếu nghỉ, sau đó lại đi qua một sân tế, leo 13 bậc thang dẫn lên sân chầu, rồi lên tiếp 20 bậc nữa mới vào chính lăng.

Công trình hoàn toàn được xây bằng gạch tô đá rửa, không sử dụng gỗ. Mái đúc bằng bê tông cốt thép, vát cong với tán xòe rộng và lợp ngói lưu ly. Giữa đỉnh mái đặt cây thánh giá vì ông Nguyễn Hữu Hào là tín đồ đạo Công giáo. 

Vào chính lăng, du khách sẽ nhìn thấy hai ngôi mộ của Quận công và Nhị phẩm phu nhân đặt song song tạc bằng đá xanh nguyên khối, chạm khắc hoa văn tinh xảo thể hiện sự quyền uy, giàu có lúc sinh thời của chủ lăng.

Chính giữa hai ngôi mộ là một bàn cúng xi măng, nghe nói trước đây cũng được làm bằng đá xanh nhưng đã bị những kẻ trộm mộ cạy mất. Trên bàn bày sẵn ít hoa và trái cây, khói nhang vương vất. Trong lăng hai con gái ông còn dựng văn bia tạc trên đá tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành.

Nơi này chỉ có một người đàn ông trung niên tự nhận là người giữ lăng. Ông chỉ tôi vài chỗ đang xuống cấp, cho biết thành phố hiện đã có kế hoạch trùng tu lăng để đưa vào khai thác du lịch. Hiện lăng rất ít người viếng thăm, đa phần là các bạn trẻ thích khám phá đến check-in hoặc các nhóm Việt phục ưa nét kiến trúc cổ xưa. Người Đà Lạt đồn nơi này rất linh thiêng, cũng có nhiều câu chuyện kỳ bí xung quanh khu lăng mộ được truyền tai nhau khiến trong mắt tôi khung cảnh tăng thêm phần huyền ảo.

Tôi chắp tay xin phép được chụp lại cảnh quanh lăng, rồi mới dạo một vòng. 

Tôi ở trong lăng hơn hai tiếng, thực ra cảnh chỉ có bấy nhiêu nhưng sự thinh lặng xa xưa khiến mình muốn nán lại lâu hơn. Đứng giữa lăng, nghe mùi nhang trầm váng vất, cứ như được ngược thời gian về quá khứ ngót trăm năm... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lăng Nguyễn Hữu Hào: Di tích "say ngủ" giữa rừng thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO