Du lịch các nước loay hoay phục hồi

Lan Chi| 05/09/2020 06:00

Thuật ngữ “hành lang du lịch” hay “bong bóng du lịch” được giới chuyên môn và các nhà chức trách nhắc đến từ cuối tháng 4 đầu tháng 5, khi dịch Covid-19 lần thứ nhất tại châu Âu được dự đoán vượt đỉnh và cuộc sống có thể dần dần bình ổn trở lại.

Danube-1-2474-1599192868.jpg

Rục rịch khởi động

Các nước, đặc biệt là những nước có ngành du lịch đóng góp phần lớn cho tăng trưởng kinh tế như Ý, Pháp, Tây Ban Nha ở châu Âu hay Thái Lan, Singapore ở Đông Nam Á, đều bắt đầu lên danh sách các đối tác để có thể triển khai mô hình mới khi điều kiện kiểm soát bệnh dịch của các nước cho phép. 

Hiểu một cách đơn giản, các nước sẽ làm việc với các đối tác nhất định, phần lớn là đối tác có nguồn khách du lịch lớn, chi tiêu nhiều và có phương thức, hệ thống, chuẩn mực kiểm soát bệnh dịch tương đồng. Hai phía sẽ thỏa thuận mở cửa du lịch cho người dân được qua lại, tuân thủ một số quy định chung về y tế, để đảm bảo việc phòng, chống dịch trong tầm kiểm soát của các nước. Các chuyến bay thương mại quốc tế cũng dần dần được cấp phép trở lại, ngoài phục vụ nhu cầu đi lại cần thiết và kinh doanh, đầu tư, thì dịch vụ du lịch cũng sẽ được khởi động.  

Ngày 22/6/2020, chuyến tàu du lịch đầu tiên được khởi động trên sông Danube sau khi châu Âu đồng ý mở cửa biên giới trở lại chủ yếu trong khối Schengen. Lịch trình của tàu du lịch đi từ Đức sang Hungary thời gian từ 6-8 ngày, với công suất 70%, đã mang lại hy vọng cho một sự hồi phục của ngành du lịch. Tàu du lịch được cho là một phép thử quan trọng, vì không gian này là một trong những môi trường lý tưởng cho virus Corona lây nhiễm trong đợt bùng phát lần thứ nhất mà tàu Diamond Princess là nạn nhân.   

Ngay từ trung tuần tháng 6, sau gần nửa năm đóng cửa, Liên hiệp châu Âu tuyên bố mở cửa biên giới nội khối, cho phép quyền tự do đi lại giữa các thành viên, hy vọng đón làn sóng du lịch mùa Hè, vốn là một trong những mùa cao điểm nghỉ ngơi giải trí của người dân. Trong vòng ba tháng qua, các điểm đến du lịch của châu Âu, bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch quảng bá, các nhà cung cấp dịch vụ cũng đưa ra các gói ưu đãi nhằm thu hút khách. Các gói kích cầu như bao toàn bộ chi phí ăn ở, chữa trị cho khách nếu kiểm tra dương tính với virus, giảm giá vé máy bay, giảm tiền khách sạn cho khách nước ngoài, miễn phí toàn bộ vé tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, vé vào cửa các điểm du lịch. Người dân trong khối đã bắt đầu đi du lịch nghỉ ngơi sau vài tháng bị hạn chế ra ngoài, đến những nơi công cộng, đông người. 

Tại châu Á, các nước cũng đẩy mạnh các hoạt động thương thuyết để mở ra hành lang du lịch cho người dân nhằm khôi phục cả ngành du lịch lẫn ngành hàng không, đầu tiên là đẩy mạnh du lịch nội địa và bắt đầu lựa chọn những thị trường khách nguồn quốc tế. 

Thái Lan là một điển hình, khi du lịch đóng góp khoảng 20% cho tăng trưởng kinh tế hằng năm. Du lịch của nước này cũng phụ thuộc rất lớn vào khách nước ngoài, trung bình đón gần 40 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm và thu về hơn 61 tỷ USD.  

Hôm 16/6/2020, chính phủ Thái Lan đồng ý gói tín dụng trị giá 720 triệu USD cho ngành du lịch, bao gồm cả hỗ trợ chi phí đi lại và khách sạn cho khách. Thái Lan đã lên danh sách thực hiện chính sách hành lang du lịch với 14 thị trường nhằm đẩy mạnh một số gói du lịch ưu đãi như du lịch chữa bệnh, một trong những nguồn thu quan trọng của ngành.  

Danube-2-7781-1599192868.jpg

Chính sách kích cầu mới

Tuy nhiên, hy vọng của ngành du lịch mới đây lại bị mờ dần khi làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát, khiến nhiều nước phải áp dụng biện pháp phong tỏa trở lại ở nhiều thành phố, khu vực. 

Bên cạnh đó, các chính sách về kích cầu du lịch trong mùa dịch cũng còn nhiều khác biệt giữa các nước, khiến ngay chính các nhà làm du lịch cũng lóng ngóng và nhiều nơi phải dừng các kế hoạch tổ chức tour vì không thể dự đoán tình trạng tiếp theo của bệnh dịch. 

Châu Âu, một trong những khu vực có chuẩn mực rất cao và nghiêm túc về triển khai chính sách cũng gặp nhiều trở ngại do mỗi nước nội khối lại thực hiện theo ý riêng, và có những mối quan hệ với các nước ngoại khối khác nhau. Thí dụ, biên giới với bên ngoài ban đầu dành mở lại cho 15 nước, khoảng 1 tháng sau đó, danh sách rút xuống còn 13 nước. Dịch bệnh có xu hướng bùng phát trở lại khi số người được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus Corona khiến chính phủ một số nước như Bỉ, Tây Ban Nha đã cho phong tỏa nhiều nơi trở lại hồi cuối tháng 7, trong khi nhiều nước khác đưa ra biện pháp mạnh hơn trong việc trừng phạt người dân không tuân thủ quy định đeo khẩu trang và giãn cách nơi công cộng. Đặc biệt, giới trẻ, nhóm thường chủ quan nhất về sức khỏe, sau thời gian bị giãn cách xã hội đang tụ tập trở lại và xem thường các biện pháp phòng bệnh, đang trở thành cách vật chủ mang mầm virus lây cho những người có sức đề kháng yếu hơn đang khiến các nhà chức trách đau đầu chưa tìm ra cách xử lý triệt để.  

Nhiều nhà chức trách Thái Lan đầu tháng 8 cũng cảnh báo việc cho phép đón nhận khách đến theo hành lang du lịch gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng vì có thể không kiểm soát hết được nếu số lượng khách tăng cao. Thêm vào đó, Thái Lan khó kiểm soát hay can thiệp được vào chính sách hành lang du lịch mà nước đối tác triển khai với đối tác khác của họ, trong khi làn sóng dịch bệnh đang tái bùng phát ở nhiều nước, đặc biệt là các nước có đông khách đến Thái Lan như Úc hay Hàn Quốc. Chưa kể đến, hiện nay Thái Lan phải đối đầu với tình trạng bất ổn chính trị trong nước khi sinh viên xuống đường biểu tình đòi chính phủ từ chức và giảm can thiệp của hoàng gia vào chính trường. 

Ngày 10/8/2020, Singapore và Malaysia là hai nước đầu tiên trong khối ASEAN chính thức tuyên bố thông biên giới theo chính sách “làn xanh” một kiểu của hành lang du lịch, cho phép người dân hai nước qua lại, trong đó dự tính cho phép cả khách du lịch. Tuy nhiên, trước mắt thời gian mỗi bên qua và ở lại mỗi nước trong 90 ngày, và khách tự chi trả dịch vụ kiểm tra virus, cũng như phải tự cách ly trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh. 

Bà Bích Ngọc - Giám đốc một công ty tổ chức tour du lịch tại Việt Nam cho biết, bà thường xuyên cập nhật các chính sách và phương pháp phục hồi du lịch cả trong nước và quốc tế. Nhưng điều quan trọng nhất là niềm tin và sự an tâm của khách đối với nơi muốn đến thì chưa được đáp ứng. 

Bất cứ chính sách nào về kích cầu hay khôi phục ngành hàng không và du lịch cũng phải đưa ra được điều kiện đầu tiên là tạo được sự an tâm cho người dùng dịch vụ. Khảo sát khách hàng của công ty cho thấy, các tour du lịch lễ hội, nghỉ Hè và nghỉ ngơi cuối tuần hiện nay đều cho ra kết quả du khách chưa yên tâm với tình hình an toàn của điểm đến và họ không muốn mạo hiểm để bị mắc kẹt, bị cách ly hay trở thành nạn nhân chờ giải cứu khi đang đi du lịch, cả trong và ngoài nước. Ngành du lịch chấp nhận đóng băng nguyên năm 2020, bà Ngọc chia sẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch các nước loay hoay phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO