Đầu xuân du ngoạn vương quốc cổ Tân La

THIÊN AN| 08/02/2018 01:00

Tân La (Silla) là một trong ba vương quốc cổ xưa ở Hàn Quốc, hình thành từ năm 57 trước Công nguyên, kéo dài đến năm 935, được mệnh danh là xứ sở của vàng ròng và những điều kỳ diệu. Đây thực sự là điểm đến du xuân hấp dẫn cho hành trình khám phá các dấu ấn đậm nét về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cổ xưa ở Hàn Quốc.

Vẻ đẹp ngàn năm tuổi của chùa cổ Phật Quốc Tự ở Gyeongju

Vẻ đẹp ngàn năm tuổi của chùa cổ Phật Quốc Tự ở Gyeongju

Trong danh sách điểm đến nổi bật ở Hàn Quốc, thành phố Gyeongju - cái nôi của vương quốc cổ Tân La khi xưa đang là địa danh tạo được sức hấp dẫn mạnh mẽ với lữ khách. Với người Việt, Gyeongju hẳn không xa lạ bởi cuối năm 2017, thành phố này và TP.HCM đã cùng nhau tổ chức lễ hội văn hóa quốc tế tại TP.HCM kéo dài trong gần 1 tháng để giới thiệu những nét văn hóa Hàn Quốc nói chung và Gyeongju nói riêng.

Để đến được Gyeongju, nếu khởi hành từ thủ đô Seoul, lữ khách chỉ mất khoảng 4 giờ di chuyển bằng phương tiện phổ thông là xe buýt. Hành trình đến Gyeongju không chỉ là chuyến du ngoạn thông thường, mà như được trở về thời hưng vượng của vương triều Tân La, với nhiều công trình, di tích, hiện vật, điểm đến... để lữ khách thỏa sức khám phá và trải nghiệm.

Cửa ngõ ra thế giới

Vào thời đại Tam Quốc ở Triều Tiên, tồn tại ba vương quốc cổ: Goguryeo, Baekje và Silla. Trong đó, tiểu quốc Silla là đầu mối trọng yếu của con đường tơ lụa trên bộ và trên biển, nắm giữ vị trí huyết mạch trong tuyến giao thương Á - Âu. Câu chuyện về con đường tơ lụa danh tiếng khi xưa được tái hiện rõ nét và đầy đủ thông qua những di chỉ khảo cổ học, chuỗi mộ táng và hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Gyeongju.

Tân La được mệnh danh là vương quốc của vàng. Vàng ở thời kỳ Tân La mang vẻ đẹp đặc biệt, đằng sau vẻ đẹp ấy là bản trường ca về lịch sử. Trong tất cả các nền văn minh trên thế giới có sử dụng vàng làm biểu dương hoặc trang sức, dùng vàng tùy táng, thì Tân La chiếm giữ ngôi vị dẫn đầu.

Vương miện khai quật từ mộ cổ Geumgwanchong ở Bảo tàng Quốc gia Gyeongju

Vương miện khai quật từ mộ cổ Geumgwanchong ở Bảo tàng Quốc gia Gyeongju

Vàng hiện diện trong mọi phương diện cuộc sống, với các hiện vật từ vương miện, thắt lưng, khuyên tai đến chén, đĩa..., vàng cũng theo cả những người đã khuất về thế giới bên kia. Nhưng phải đợi mãi đến tháng 9/1921, khi ngôi mộ cổ Geumgwanchong ở Gyeongju được phát hiện, cả thế giới khảo cổ đã ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy vẻ đẹp từ hiện vật vàng ròng của thời kỳ Tân La.

Những mộ cổ tiếp theo lần lượt được khai quật như Geumnyeongchong (1924), Seobongchong (1926), Gyo-dong (1972), Cheonmachong (1973), Hwangnam Daechong (1974)... Chỉ riêng khai quật từ mộ cổ Geumgwanchong, người ta đã tính ra con số hơn 40.000 hiện vật mà nay hầu hết trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia.

Trong số những hiện vật quý giá làm từ vàng hiện đang trưng bày, có thể thấy nhiều hiện vật được chế tác từ thủy tinh, thạch anh, mã não, gốm... có nguồn gốc từ các nước vùng Trung Á. Đặc biệt là thanh kiếm ngắn có lối khảm đá trên mặt vàng.

Chuyên gia Kim Yeon Ho công tác tại Bảo tàng Quốc gia Gyeongju cho biết: "Dựa trên kỹ thuật trang trí của thanh kiếm tìm được trong mộ táng, giới khảo cổ đã xác định ở khu vực Biển Đen, vùng Trung Á có rất nhiều hiện vật cùng kiểu thức chế tác tương tự, cho thấy thời kỳ Tân La hẳn có mối giao thương mạnh mẽ với thế giới bên ngoài".

Dấu ấn Tân La

Bên cạnh những tuyệt tác làm từ vàng ròng, vương triều Tân La xưa cũng để lại nhiều công trình mang kiến trúc đặc biệt thu hút khách tham quan. Tiêu biểu là Chiêm tinh đài Cheomseongdae do nữ hoàng Seon Deok xây dựng năm 634. Đây được mệnh danh là đài thiên văn cổ nhất của châu Á còn tồn tại nguyên vẹn, với 31 tầng đá gồm 360 phiến mang kích cỡ khác biệt xếp chồng lên nhau tạo thành tháp cao 9,17m. Di tích này được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1962.

Đôi hài được chế tác toàn bằng vàng ròng của vương triều Tân La

Đôi hài được chế tác toàn bằng vàng ròng của vương triều Tân La

Tân La cũng được mệnh danh là miền đất Phật ở xứ Hàn. Từ khi Phật giáo du nhập vào tiểu quốc này ở triều vua Beopheung năm 527, triều đình đã đưa tôn giáo này trở thành quốc đạo, hình thức hỏa táng được áp dụng theo quan niệm Phật giáo khiến loại hình mộ táng không còn.

Việc chế tác đồ vàng nâng lên đỉnh cao mới là làm tượng thờ Phật giáo. Một trong những hiện vật đỉnh cao chế tác từ vàng của thời kỳ Tân La là bức tượng Phật mang niên đại thế kỷ VII, hiện trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Seoul, với hình ảnh của Phật Thích Ca dưới diện mạo thanh niên trẻ đang suy ngẫm về cuộc đời. Tác phẩm này được giới khảo cổ ví von là "Mona Lisa" của nghệ thuật Hàn Quốc.

Một điểm nhấn nổi bật khác là ngôi chùa cổ Phật Quốc Tự (Bulguksa), kiến trúc tiêu biểu, toàn vẹn nhất của vương quốc Tân La xưa mà nay còn tồn tại. Kiến trúc chùa bắt đầu xây dựng từ 751 - năm trị vì thứ 10 của vua Gyeongdeok và đến năm 744 thì hoàn thiện. Ngôi chùa nằm trong vạt rừng xanh ở núi Toham, cách trung tâm thành phố Gyeongju chưa đầy nửa giờ xe chạy.

Điểm nổi bật khi đứng trước lối vào chính của Bulguksa là kiến trúc đá xếp độc đáo, tạo thành những cây cầu tuyệt đẹp với tên gọi Liên Hoa kiều - Thất Bửu kiều (Yeonhwagyo - Chilbogyo) và Thanh Vân kiều - Bạch Vân kiều (Cheongungyo - Baegungyo). Hai kiến trúc tháp đá nổi bật khác ở Bulguksa là tháp Thích Ca (Seokgatap) và tháp Đa Bửu (Dabotap), cũng là những kiến trúc hiếm hoi đã qua hơn ngàn năm tồn tại, minh chứng cho thời kỳ hưng thịnh của tiểu quốc Tân La.

Có thể nói, đến Gyeongju, diện kiến nét vàng son một thuở của vương triều Tân La xưa hẳn là hành trình hấp dẫn trong những ngày du ngoạn đầu xuân đáng nhớ nơi xứ Hàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu xuân du ngoạn vương quốc cổ Tân La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO