Bethlehem và Jerusalem thánh thiêng

ANH TUẤN| 24/12/2014 01:12

Từ Jerusalem, băng qua bức tường cổ để hướng về Bethlehem. Chỉ cần một cuốn hộ chiếu để qua biên giới với bức tường cao ngăn cách, bót lính canh và sau 10 phút đi taxi với khoảng 5 USD, bạn đã có thể chiêm ngắm nơi Chúa sinh ra.

Bethlehem và Jerusalem thánh thiêng

Từ Jerusalem, băng qua bức tường cổ để hướng về Bethlehem. Chỉ cần một cuốn hộ chiếu để qua biên giới với bức tường cao ngăn cách, bót lính canh và sau 10 phút đi taxi với khoảng 5 USD, bạn đã có thể chiêm ngắm nơi Chúa sinh ra.

Đọc E-paper

Nếu chỉ nghe đến những địa danh này, hẳn những ai muốn một lần đến thăm Israel cũng thấy đáng ngại. Trải qua hơn 1.500 năm, các tín đồ Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo vẫn không ngừng đấu tranh vì vùng Đất Thánh và vẫn còn đó sự hiện diện của hàng rào thép gai cùng với binh lính, súng ống.

Tuy nhiên, sẽ không sai lầm và chuyến tham quan Israel của bạn cũng chẳng hoài công với những cảnh quan ngoạn mục, từ các tàn tích trong Kinh thánh, pháo đài của Thập tự quân, đài tưởng niệm Thế chiến II, đến những thành phố dành cho khách thập phương.

Quảng trường và nhà thờ Máng cỏ ở Bêlem

JERUSALEM

Trước thời kỳ thám hiểm của Cristo foco Colombo, Jerusalem luôn chiếm vị trí trung tâm trên nhiều bản đồ thế giới. Jerusalem, một nơi thánh thiêng, là mục tiêu chiến đấu lâu dài bởi ba tôn giáo độc thần - đã hơn chục lần bị tàn phá và xây dựng lại. Nơi thánh thiêng đa sắc màu cùng hơn 30.000 cư dân được vây quanh bởi những bờ tường.

Khu trung tâm mang tính lịch sử của Jerusalem chính là khu Cổ thành bên trong bức tường đồ sộ dài hơn 3km, xây dựng từ thời đế quốc Ottoman và được chia thành 4 khu riêng biệt: Armenia, Kitô giáo, Do Thái, Hồi giáo.

Đến đây, bạn có thể thấy những cuộc đấu tranh lẻ tẻ không ngừng diễn ra trong khu phố cổ. Ví dụ, tiếng cầu kinh vang vọng từ các đền thờ Hồi giáo khiến một số cư dân xem đó như một lời tuyên bố, nhằm chọc tức người Do Thái, trong khi người Do Thái lại mua một ngôi nhà trong khu vực lịch sử của Hồi giáo và trang trí bằng quốc kỳ Israel!

Tuy nhiên nét quyến rũ của Jerusalem không chỉ giới hạn tại khu phố cổ bên trong tường thành, mà còn vươn sang Mea Shearim, khu sinh sống của người Do thái Chính thống cực hữu.

Những quầy bán áp phích có hình vị giáo sĩ Do thái (Rabbi) đứng đầu. Mỗi vị đều có một nhóm ủng hộ, noi theo cả cách sống và ăn mặc. Do giữ nghiêm luật ngày Shabbat (thứ Bảy), nên tất cả đều bận rộn vào thứ Sáu để chuẩn bị cho ngày thánh của họ.

Với du khách, môi trường tôn giáo ở Jerusalem thật phức tạp. Trước khi tham quan, người hướng dẫn địa phương sẽ hỏi bạn theo tôn giáo nào, do mọi Kitô hữu đều muốn viếng mộ Chúa Giêsu, nhưng hầu hết tín hữu Tin Lành đều chọn địa điểm được cho là nơi chôn cất Chúa trong Khu Vườn Mộ (Garden Tomb) bên ngoài bức tường thành, trong khi người Công giáo kính viếng mộ Chúa trong đền thờ Mộ Thánh, được xây dựng trên đỉnh đồi Golgotha, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Mọi Kitô hữu đều xem Jerusalem là nơi thánh thiêng, nhưng do không cùng sẻ chia những nhận thức khác biệt, đã khiến nơi đây trở thành vùng đất có nhiều khu vực tôn giáo phức tạp, với các nhà nguyện do những cộng đồng tôn giáo khác nhau điều hành, như Chính thống Hy lạp, dòng Phanxicô, Kitô hữu Coptic, người Armenia...

Jerusalem với Vòm đá vàng là tâm điểm

Tuy nhiên, tâm điểm của mọi tôn giáo là khu Núi Đền (Temple Mount) được nhiều người cho là nơi gần Chúa nhất trên trái đất. Người Do Thái cũng tin tổ phụ Abraham đã sát tế con trai Isaac của mình tại đây.

Ngoài ra, đền thờ Vòm Đá (Dome of the Rock) với mái vòm vàng, nơi có tảng đá tương truyền tiên tri Mohamet để lại dấu chân của ông khi được thiên sứ đưa về trời, được người Hồi giáo xem là nơi thánh thiêng thứ ba sau La Mecca và Medina.

Trong khi người Hồi giáo đến đây cầu nguyện từ giữa những năm 600, các đền thờ Do Thái đầu tiên được xây dựng ở Jerusalem từ khoảng năm 925 TCN.

Một trong những nơi linh thiêng nhất của người Do Thái là Bờ tường phía Tây (Western Wall), di tích còn sót lại của đền thờ Do thái được xây dựng cách đây 2.000 năm trên Núi Đền, bị quân La Mã phá hủy vào năm 70 và người Do Thái đã phải lưu vong.

Qua nhiều thế kỷ, cộng đồng người Do Thái lại về Jerusalem, đến bên bờ tường của ngôi đền xưa để cầu nguyện và khóc than cho cảnh hoang tàn, nên nơi đây còn được gọi là "Bức tường than khóc".

Bức tường có khu vực riêng dành cho nam và nữ. Một phần từ trong nghi lễ xa xưa, để lời nguyện cầu được chấp nhận, người Do Thái đặt mẫu giấy có in lời nguyện vào các khe nứt trên tường.

BETHLEHEM

Nơi Chúa sinh ra

Từ Jerusalem, băng qua bức tường cổ để hướng về Bethlehem. Chỉ cần một cuốn hộ chiếu để qua biên giới với bức tường cao ngăn cách, bót lính canh và sau 10 phút đi taxi với khoảng 5 USD, bạn đã có thể chiêm ngắm nơi Chúa sinh ra.

Khi đến nơi, bạn sẽ thấy Bêlem không còn là một "thị trấn nhỏ” trong các ca khúc Giáng sinh nổi tiếng, mà là một thành phố lớn của người Palestine, tuy không thật xinh đẹp do hầu hết nhà cửa và cơ sở kinh doanh đều nằm sau các bức tường và hàng rào an ninh.

Thế nhưng, Bêlem có một sức sống đặc biệt và sự rung cảm mang sắc thái vùng Ả rập, nhất là trong khoảnh khắc hoàng hôn. Những khu chợ nhiều màu sắc và đường chân trời mang nét chuyển động thay đổi giữa hình trăng khuyết và cây thập giá, như nhắc nhớ tuy thành phố hầu như hoàn toàn của người Ả rập, vẫn còn chút pha trộn của người Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

Bất ngờ khác về quảng trường chính của Bethlehem: hơn 100 năm qua, đền thờ Hồi giáo Omar và nhà thờ Giáng sinh cùng trông ra quảng trường Máng cỏ.

Một lãnh tụ Hồi giáo giải thích: "Bethlehem là nơi thánh cho cả người Hồi giáo cũng như Thiên Chúa giáo. Với người Hồi giáo, Chúa Giêsu là một đại tiên tri. Chúng tôi cũng tôn kính Mẹ Maria và có cả một chương trong kinh Coran mang tên Mẹ”.

Trên quảng trường trước nhà thờ Giáng sinh, khách hành hương chờ đợi để được chạm tay, hôn kính và cầu nguyện ngay tại nơi được tin là Chúa đã chào đời.

Năm 326, Hoàng đế La Mã Constantin đã nhờ mẹ mình là thánh Helena xây dựng 3 nhà thờ tại Đất Thánh, trong đó có nhà thờ Giáng sinh và ngày nay, chỉ còn lại nhà thờ tại Bêlem được xem là cổ nhất.

Tín hữu Do Thái giáo bên Bức tường Than khóc ở Jerusalem

Hình ảnh "nhà trọ không còn chỗ” trong Kinh thánh có vẻ như một phụ nữ đang trở dạ không được chào đón trong khu dân cư, một việc bị cho là ô uế. Mẹ Maria đã phải ra ngoài và sinh Chúa Giêsu trên một máng cỏ trong hang nhốt súc vật.

Vì vậy, một hang động bên dưới nhà thờ - Hang Giáng sinh, được tôn kính từ thế kỷ thứ II, là trung tâm điểm cho chuyến thăm của bạn. Xuống vài bước chân bên dưới bàn thờ, bạn có thể thấy một ngôi sao bạc đánh dấu nơi Chúa đã sinh ra.

Chính tại Israel này - vùng đất quý giá, linh thiêng của người Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo - chúng ta được nhắc nhớ về lời các tiên tri của mỗi tôn giáo đã dạy là phải yêu thương mọi người chung quanh.

Lời chào đầu môi Shalom của người Do Thái hay Salm của người Palestine Hồi giáo đều có chung một ý nghĩa, một ước nguyện về một nền hòa bình viên mãn.

Năm xưa, các thiên thần đã mừng hát sự kiện Chúa giáng trần: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao, bình an dưới thế cho người Chúa thương". Đúng vậy, bình an là món quà vĩ đại nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bethlehem và Jerusalem thánh thiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO