Du lịch Sài Gòn có gì mới?

Nguyễn Văn Mỹ (*)| 25/06/2023 03:00

Dạo này du lịch Sài Gòn có gì mới? Câu trả lời tùy vào người hỏi. Mới, là mới đây, vừa “ra lò”. Mới, còn có nghĩa là chưa biết. Với người chưa du lịch Sài Gòn ngày nào dù nhiều lần lên thăm người thân, hội họp, thậm chí sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, thì đủ thứ mới.

Du lịch Sài Gòn có gì mới?

Sài Gòn - TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, báo chí của cả nước. Du lịch Sài Gòn luôn dẫn đầu về lượng khách, tổng doanh thu, doanh thu đầu khách, công ty lữ hành… Biết tôi làm du lịch lâu năm, vào dịp Hè, bạn bè, người thân làm đủ nghề, kể cả ngành du lịch các địa phương khác, vẫn thường hỏi: “Dạo này du lịch Sài Gỏn có gì mới?”.

Câu trả lời tùy vào người hỏi. Mới, là mới đây, vừa “ra lò”. Mới, còn có nghĩa là chưa biết. Với người chưa du lịch Sài Gòn ngày nào, dù nhiều lần lên thăm người thân, hội họp, thậm chí sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, thì đủ thứ mới. Với người từng du lịch Sài Gòn nhiều lần, vẫn có nhiều cái mới. Dân du lịch chuyên nghiệp, vẫn có cái mới. Bản chất cuộc sống không ngừng vận động. Du lịch càng phải thay đổi.

Sản phẩm “mới cảo”

Đó là tour thử nghiệm, tham quan Sài Gòn bằng đường sắt trên cao của tuyến Metro số 1. Điểm đầu tuyến tại chợ Bến Thành, đi ngầm 2,6km qua ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son (khu đô thị Vinhomes Golden River), đi trên cao 17,1km theo rạch Văn Thánh, ngang sông Sài Gòn, chạy dọc xa lộ Hà Nội, kết thúc tại ga Bến xe Miền Đông mới. Tổng chiều dài 19,7km với ba ga ngầm và 11 ga nổi.

Tuyến Metro số 1 phê duyệt năm 2007, khởi công tháng 8/2012, vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Tốc độ tàu ở đường ngầm 80km/giờ, đường trên cao 110km/giờ, đi qua nhiều điểm nhấn ở Thủ Đức, như Khu công nghệ cao, Khu du lịch Suối Tiên, nhà thờ cổ Thủ Thiêm, pháp viện Minh Đăng Quang, các trường đại học…

Hiện nay chỉ tổ chức tour khi được Ban Quản lý tuyến Metro số 1 đồng ý. Cuối năm 2023, tàu vận hành thương mại, Metro số 1 là tuyến du lịch trải nghiệm thú vị. Mua vé suốt tuyến và xuống từng ga, vào những thời điểm khác nhau, đặc biệt là đón bình minh và ngắm hoàng hôn trên những ga tàu. Qua ô cửa kính, một phần của TP.HCM, bao gồm quận 1, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức với nhịp điệu sống đặc trưng Sài Gòn và Nam bộ với bao hoài niệm.

Dịp lễ 30/4 và 1/5/2023, có tour tham quan một phần trụ sở UBND TP.HCM, từ 8-12 giờ và 14-17 giờ với thời lượng 60 phút, gồm 15 phút trước trụ sở, 35 phút bên trong và 10 phút chụp ảnh. Tòa nhà xây dựng từ năm 1898-1909, kiến trúc đặc trưng châu Âu, bố cục thời Phục Hưng, trang trí Baroque và Rococo, cửa sắt Art Nouveau… Thời Pháp thuộc, mang tên “Hôtel de Ville”, người Việt gọi là Dinh Xã Tây. Thời Việt Nam Cộng hòa là Tòa Đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975 là nơi làm việc của UBND và HĐND TP.HCM. Tour mới thí điểm, đang chờ chủ trương tổ chức vào thứ bảy và Chủ nhật cuối tháng với lượng khách quy định.

Tour thứ ba là tham quan Thiềng Liềng. Đi về trong ngày hoặc qua đêm với các trải nghiệm quy trình nuôi yến, thu hoạch, chế biến và thưởng thức chè yến tại nhà yến Tam Thôn Hiệp rộng hơn 5.000m2 (nhà yến rộng nhất Việt Nam). Năm 2022, yến Cần Giờ đạt 12,8 tấn sản phẩm, doanh thu gần 250 tỷ đồng. Từ Tam Thôn Hiệp, xuôi tàu trên dòng sông Lòng Tàu với những huyền thoại của đặc công rừng Sác.

Thiềng Liềng chằng chịt kênh rạch, bạt ngàn rừng ngập mặn, diện tích gần 100km2, dân số chưa tới 1.000 người, sống chủ yếu bằng làm muối và nuôi hàu. Đến Thiềng Liềng để “rửa mắt”, “rửa phổi”, tập làm diêm dân, làm nhà cho hàu, câu cua, bắt cá, trekking hoặc đi xe đạp quanh ấp (khoảng 4km), khám phá rừng ngập mặn, leo lên núi Giồng Chùa (cao 10,5m), tham gia chế biến và thưởng ngoạn các món ngon Thiềng Liềng…

-6037-1687673620.jpg

Các tour cũ mà mới

Gọi là cũ vì các điểm đến này có từ vài ba năm trở lên, chưa đưa vào khai thác hoặc có nhưng chưa phổ biến. Cũ của một số nhưng mới của đa số. Ngoài các điểm đến phổ biến như địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Thảo Cầm Viên, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chùa Bà Thiên Hậu, tòa nhà Landmark 81, Cần Giờ, du thuyền sông Sài Gòn, buffet Bình Quới… du lịch TP.HCM còn rất nhiều điểm kỳ thú, đi cả tuần chưa xuể. 

Đó là du thuyền kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thủy trình 4,5km (1/2 chiều dài dòng kênh), qua quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và 9 chiếc cầu đầy ắp sự kiện, như tóm tắt lịch sử thành phố với cảnh quan đôi bờ Hoàng Sa, Trường Sa thuần Việt.

Từ dòng kênh ô nhiễm bậc nhất Sài Gòn, được đặt cống ngầm đường kính 3m, dài 8,5km và 60km cống nhỏ thu gom nước thải hàng triệu cư dân ven bờ, giải tỏa và an cư 11.324 hộ gia đình. Là kênh rạch duy nhất Việt Nam hiện nay đạt chuẩn quốc tế tối thiểu về môi trường. Các chuyên gia du lịch đề nghị lập hồ sơ công nhận dòng kênh là “di sản môi trường” Sài Gòn. Mấy năm nay, Nhiêu Lộc - Thị Nghè lột xác với các tour hấp dẫn như “Lãng mạn hoàng hôn”, “Vọng nguyệt”, “Sử xanh”, “Xuôi dòng an lạc”.

Quận 5 có nhà thờ Chợ Quán - nhà thờ xưa nhất Sài Gòn, nhà mồ nhà bác học Trương Vĩnh K. - một người Việt thông thạo đến 26 ngoại ngữ. Chùa Vạn Phật với trên 10.000 tượng Phật. Hội quán Lệ Châu thờ tổ vàng bạc. Phố Đông y, phố vàng bạc, khu ẩm thực người Hoa.

Phú Nhuận có lăng mộ danh tướng Tây Sơn Võ Tánh (1768-1801) và khu ẩm thực Phan Xích Long.

Quận 3 có nhà của giám mục Pierre Pigneaux (Bá Đa Lộc, 1741-1799), xây dựng năm 1789, hiện nằm trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục Sài Gòn. Dinh Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa, từng là cơ sở hoạt động công khai của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nay là Nhà Thiếu nhi Thành phố. Cụm di tích Tòa Đại sứ Cao Miên (Campuchia trước năm 1975), nay là Nhà Thiếu nhi quận 3 và chợ Bàn Cờ từng sôi sục phong trào đấu tranh đô thị - nguồn cảm hứng để Trần Long Ẩn có nhạc phẩm để đời Người mẹ Bàn Cờ. Đối diện là công viên Thích Quảng Đức (1897-1963). Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ vốn là tư dinh của tướng Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa…

Sẽ thiếu sót và thiệt thòi cho người Sài Gòn nếu chưa biết những điểm đến kể trên và chỉ là dân Sài Gòn một nửa, dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Dân Sài Gòn chưa yêu quê mình đủ, làm sao rủ khách tới?

Bình Thạnh có Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832) - Tổng trấn thành Gia Định. Chùa Tập Phước (Sắc Tứ Tập Phước tự), được vua Gia Long sắc phong từ năm 1802, xây dựng giữa thế kỷ XVII. Trên đường bôn tẩu quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh từng vào chùa này ẩn náu. Trong chùa có hai bức hoành phi “Sắc tiên chế” và “Tứ hoàng phong” do vua Gia Long ban vì nhớ ơn che chở, có đại hồng chung và cặp câu đối cổ trước chánh điện cùng nhiều pho tượng qu..

Khu du lịch Một thoáng Việt Nam (Củ Chi) được làm mới với kỳ hoa dị thảo và những hoạt động “không đụng hàng”. Tour Biệt động Sài Gòn (quận 3, quận 1), Bảo tàng Áo Dài (Thủ Đức), Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam Fito (quận 10), địa đạo Phú Thọ Hòa (Tân Phú), khu đô thị kiểu mẫu và ẩm thực quốc tế Phú Mỹ Hưng (quận 7), di tích Dân công Hỏa tuyến Vĩnh Lộc (Bình Chánh), chèo thuyền sup, buýt đường sông Sài Gòn, buýt 2 tầng Hop On Hop Off và City Sightseeing Saigon cũng rất đáng trải nghiệm

Muốn yêu, phải hiểu. Muốn hiểu phải tham quan, trải nghiệm. Sẽ thiếu sót và thiệt thòi cho người Sài Gòn nếu chưa biết những điểm đến kể trên và chỉ là dân Sài Gòn một nửa, dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Dân Sài Gòn chưa yêu quê mình đủ, làm sao rủ khách tới?

(*) Chủ tịch Lửa Việt Tours 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch Sài Gòn có gì mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO