Du lịch nội địa: Ảm đạm nhưng không bi quan

H. Thắng| 01/06/2021 05:57

Làn sóng Covid-19 mới bùng phát trở lại một lần nữa khiến ngành du lịch Việt Nam khó khăn hơn. Tuy nhiên, không bất lực trước “cơn bão” này, các doanh nghiệp du lịch đang chủ động tận dụng thời gian này để tự làm mới, sẵn sàng đón khách một khi dịch bệnh được kiểm soát.

Du lịch nội địa: Ảm đạm nhưng không bi quan

Khách sạn, resort “nín thở” trước mùa cao điểm

Sau một thời gian không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cùng với việc thử nghiệm tiêm chủng vaccine đang được triển khai rộng rãi, du lịch Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào mùa cao điểm của du khách nội địa trong những tháng Hè sắp tới. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh một lần nữa tạo ra nhiều thách thức cho quá trình khôi phục của ngành du lịch Việt Nam.  

Năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu khai thác và phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tương đương với lượt khách đạt được trong năm 2019 - vốn là thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra. So sánh với lượt khách nội địa phục vụ trong năm 2020, mục tiêu này tương đương mức tăng trưởng hơn 42%. 

Trái ngược với mong đợi, đợt bùng phát dịch bệnh gần đây lại một lần nữa ảnh hưởng đến ngành du lịch. Các công ty du lịch ghi nhận nhiều yêu cầu hủy tour khi thông tin về những ca lây nhiễm liên tục được công bố. Làn sóng Covid-19 thứ tư lại một lần nữa gây ra tác động nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú. Đa số khách sạn, resort đều nhận được yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú. Hầu hết phải tạm ngưng phục vụ một số tiện ích, thậm chí một số phải quyết định đóng cửa tạm thời cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định.

Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh sự kiện (MICE - Meeting Incentive Conference Event) của nhiều khách sạn, resort cũng bị ảnh hưởng khi các hội nghị buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương và một số doanh nghiệp cũng khuyến cáo hạn chế nhân viên tham gia các hoạt động tập trung đông người. Đây thực sự là một đòn giáng vào các khách sạn khi vốn dĩ thời gian này là mùa cao điểm cho các hoạt động hội nghị và hầu hết đều rất kỳ vọng vào mảng kinh doanh này trong bối cảnh hiện tại để phần nào bù đắp doanh thu.

“Thiên đường du lịch” vắng lặng

Được mệnh danh là những "thiên đường du lịch" nhưng giờ đây nhiều địa điểm lại trở nên vắng vẻ đến lạ thường. Mức độ tác động của làn sóng thứ tư đối với hoạt động du lịch của các địa phương cũng khác nhau. Những địa phương vốn chủ yếu tiếp cận qua đường hàng không sẽ chịu tác động tức thì khi mọi người có xu hướng hạn chế di chuyển bằng máy bay. Trong khi đó, các địa điểm có thể tiếp cận thuận lợi lại được kỳ vọng sẽ chịu tác động ít hơn. 

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 dài ngày vừa qua là một minh chứng cho thấy nguồn khách nội địa là động lực giúp ngành du lịch khôi phục. Trước khi có thông tin về làn sóng thứ tư, nhiều khách sạn, resort gần như không còn phòng trống trong dịp lễ, thậm chí giá phòng trong giai đoạn này còn cao hơn cùng thời điểm năm 2019 (thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19). 

Tuy nhiên, sự tái bùng phát dịch lần thứ tư ngay tại thời điểm khởi động mùa cao điểm du lịch Hè đã trở thành một đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp ngành du lịch vốn đã gặp nhiều khó khăn.

du-lich-4-1969-1622105416.jpg

Doanh nghiệp du lịch tự làm mới

Cũng như những lần trước, trong đợt dịch lần này, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch đã phải tạm dừng hoạt động. Không bất lực trước “cơn bão” này, các doanh nghiệp du lịch đang chủ động tự làm mới lại mình để sẵn sàng khi dịch bệnh được kiểm soát, đón khách trong tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời điểm này để tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên để chuẩn bị đón mùa du lịch mới và phục vụ khách một cách chu đáo nhất. Nhiều khách sạn, resort khôi phục lại khuôn viên cây xanh, tu bổ lại phòng ốc...

Ngoài việc thực hiện theo đúng khuyến cáo về phòng, chống Covid-19 của các cơ quan chức năng để áp dụng trong nội bộ, nhiều công ty du lịch cũng đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế để đưa vào quy định cho du khách và tại hệ thống đối tác cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó, một số công ty du lịch cũng triển khai mua bảo hiểm du lịch cho khách hàng đi tour và mở rộng điều khoản bảo hiểm liên quan Covid-19.

Mới đây, một công ty du lịch Việt Nam còn triển khai mở bán tour du lịch đi Mỹ kết hợp tiêm vaccine Covid-19. Đây là sản phẩm tour “độc lạ” nên thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là những người có nhu cầu đi Mỹ thăm thân nhân, kết hợp tiêm vaccine Covid-19. Theo đó, với khách hàng có sẵn visa đi Mỹ có thể khởi hành ngay, những khách hàng còn lại sẽ chờ xin visa để có thể khởi hành sớm nhất.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta có thể sớm khoanh vùng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để có thể khởi động lại các hoạt động kinh doanh và du lịch trong thời gian sắp tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch nội địa: Ảm đạm nhưng không bi quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO