Sau hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang tìm cách phục hồi bằng việc mở cửa lại đón khách quốc tế. Thế nhưng, cách làm hiện nay khiến cánh cửa đón khách nước ngoài mới chỉ... he hé!
Ngày 15/3/2022 tới đây, Việt Nam sẽ đón khách quốc tế trở lại sau hơn hai năm dài "đóng cửa". Thế nhưng, chính các cơ quan quản lý vẫn còn đang loay hoay với phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Trong khi ngành du lịch muốn nới các điều kiện thì ngành y tế bảo phải thắt chặt. Các yêu cầu mà Bộ Y tế đưa ra là trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, trong vòng 72 giờ hành khách không được rời khỏi nơi lưu trú, theo dõi sức khỏe cho đến đủ 10 ngày...
Bộ Công an yêu cầu bổ sung nhiệm vụ cho doanh nghiệp (DN) lữ hành (xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn... gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt) thì cơ quan quản lý du lịch kiến nghị không yêu cầu thêm thủ tục hành chính cho DN lữ hành khi mở cửa lại hoạt động du lịch.
Theo lý giải của ngành du lịch, khi mở cửa lại hoạt động du lịch, DN lữ hành đã tuân thủ Luật Du lịch và các quy định liên quan. Các phương án đảm bảo an toàn đã được các bộ, ngành, địa phương quy định và giám sát các đơn vị cung ứng dịch vụ liên quan thực hiện. Thêm các yêu cầu này là không cần thiết và thêm khó cho DN vốn đã khó khăn thời gian qua.
Vì những khác biệt giữa các bộ, ngành mà thời gian mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch đã sắp tới nhưng hiện tại vẫn đang chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong một khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), 90% du khách cho biết sẽ không đi du lịch nếu bị cách ly. Nếu cách ly khách quốc tế 3 ngày và xét nghiệm liên tục, khách sẽ không muốn đến Việt Nam du lịch. Theo các DN ngành du lịch, các yêu cầu, quy định của Bộ Y tế không khác nào hàng rào kỹ thuật ngăn trở khách quốc tế đến Việt Nam. Bởi ai đi du lịch cũng cần sự thoải mái, được chào đón chứ bắt xét nghiệm nhiều lần, thủ tục khó khăn thì họ sẽ ngại.
TS. Lương Hoài Nam - thành viên TAB cho rằng, với những đề xuất mới đây của Bộ Y tế, khi mở cửa lại hoạt động du lịch chắn chắn sẽ không có khách. Với các quy định quá khó như vậy sẽ chẳng có khách nào đến Việt Nam. Hơn ba tháng thí điểm, cả nước chỉ đón được hơn 9.000 khách, quá ít so với công sức của cả ngành du lịch và DN bỏ ra. Theo ông Hoài Nam, đã mở phải rõ ràng, thông thoáng chứ mở như hiện nay là quá khó.
Đã vậy, có rất nhiều quy định khác làm khó DN. Chẳng hạn, với visa nhập cảnh, trước đây DN chỉ mất từ 3-5 ngày, có những trường hợp gấp chỉ mất 48 giờ đã có visa cho khách. Nhưng với quy trình hiện nay, phải mất đến 15 ngày DN mới xin được visa cho khách nhập cảnh. Đã vậy, du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa đón khách quốc tế trở lại nhưng chính sách miễn visa vẫn chưa được áp dụng, trong khi đây là giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo các DN, cấp thiết phải khôi phục toàn bộ chính sách visa có trước dịch Covid-19, trong đó cần thực hiện nhanh việc miễn thị thực đơn phương và song phương để kích cầu du khách đến Việt Nam. Thậm chí, phải nhanh chóng mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa vì chính sách visa phải thông thoáng, thuận tiện mới có thể cạnh tranh, thu hút khách.
Nhìn sang các nước trong khu vực châu Á mới thấy mức độ cởi mở visa của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với các nước hoặc các điểm đến cạnh tranh về du lịch. Trong khi Thái Lan đã miễn visa cho 64 nước, Singapore miễn cho khoảng 120-130 nước, Indonesia và Malaysia miễn cho hơn 150 nước thì Việt Nam (trước dịch Covid-19) chỉ mới miễn visa cho 24 quốc gia.
Chính sách visa thông thoáng là một trong những tác động giúp du lịch những nước này phát triển trong thời gian qua. Đơn cử, du khách du lịch Malaysia không quá 30 ngày thì không cần visa. Nhờ quy định này cùng chính sách kích cầu du lịch mạnh mẽ mà năm 2019, Malaysia đón 26,1 triệu lượt du khách quốc tế, mang lại nguồn doanh thu trên 86 tỷ ringgit.
Việc mở cửa du lịch quốc tế là cơ hội để "cứu sống" các DN, "cứu sống" 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác. Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế với với tổng thu khoảng 400 nghìn tỷ đồng. Riêng TP.HCM đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 67% so với cùng kỳ. Thế nhưng, cánh cửa đón khách quốc tế vẫn cứ... he hé như vậy rất khó để ngành du lịch phục hồi.