Du lịch

Du lịch bền vững: “Mục tiêu” đón 6 triệu khách

Hưng Khánh 30/03/2024 - 02:13

Năm 2024, ngành du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu khoảng 190.000 tỷ đồng, cao hơn doanh thu năm 2019. Trong đó, du lịch xanh đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu đón 6 triệu lượt khách du lịch này.

38a-du-lich.jpg

Du lịch xanh: chiến lược phát triển của thành phố

Được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Việt Nam lại có đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên. Để du lịch phát triển bền vững thì không thể “ăn xổi” mà phải theo hướng du lịch xanh.

Sản phẩm du lịch xanh là một trong những yếu tố tiên quyết thu hút khách. Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, thời gian vừa qua, Hiệp hội đã tích cực triển khai liên kết các doanh nghiệp TP.HCM với 6 tỉnh miền Đông Nam bộ nhằm tạo những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, tránh sự trùng lặp. Doanh nghiệp du lịch cũng có xu hướng dịch chuyển sản phẩm sang hướng “xanh hoá", tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tái tạo, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, với nguyên tắc phải làm cho “ra giá trị” thay vì chỉ theo xu hướng.

Ông Đinh Hoàng - người sáng lập Tổ Ong Adventure chia sẻ: “Giá trị bền vững phải được san sẻ cho cả thiên nhiên, người dân bản địa và du khách đặt chân tới điểm du lịch. Thế mới là một sản phẩm xanh mang tính bền vững".

Nguồn nhân lực được coi là “chìa khoá” để phát triển du lịch xanh nhưng hiện nay đang thiếu trầm trọng. Thêm vào đó, việc chuẩn hóa lực lượng lao động trong mảng du lịch xanh chưa được như mong đợi. Chuyển đổi xanh đòi hỏi doanh nghiệp du lịch phải tuân theo những quy trình bắt buộc, từ đó làm tăng chi phí đầu tư và vận hành. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu nhân lực địa phương vì nhu cầu cung cấp nhân lực vượt quá khả năng đào tạo và phát triển.

Du lịch xanh và bền vững là xu hướng phát triển được xác định trong Chiến lược Phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, trong đó huyện Cần Giờ là một trong các khu vực trọng điểm gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, biển và khu dự trữ sinh quyển. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tài nguyên du lịch có được tất cả những đặc tính cần thiết để phát triển thành sản phẩm du lịch xanh đặc thù của Cần Giờ và TP.HCM chưa được khai thác đúng mức.

38b-du-lich.jpg

Theo ông Vũ Lực - Giám đốc Khu du lịch Eco Beach Cần Giờ, du khách đến trải nghiệm du lịch xanh ở Cần Giờ thường ở lại duy nhất một đêm. Để họ “giữ chân” du khách, doanh nghiệp du lịch Cần Giờ cần liên kết chặt chẽ, đa dạng trải nghiệm cho khách hàng. Nếu không hiểu đúng, du lịch Cần Giờ sẽ bị “biến dạng” bởi những ý tưởng thiếu căn cứ khoa học. Tour du lịch chỉ có câu cá sấu, ngồi thuyền chạy trên đường sông ngắm cảnh rừng đước chưa hoàn toàn đúng với bản chất của loại hình du lịch này. Chỉ khi hiểu đúng bản chất của du lịch xanh, các bên liên quan mới thực hiện đúng và hiệu quả.

Cần sự chung tay

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, thiết nghĩ có ba yếu tố cơ bản đến từ quản lý, phát triển sản phẩm và dịch vụ, tiêu dùng sản phẩm.

Về quản lý, cần có kế hoạch phát triển du lịch xanh dài hạn và bền vững. Đẩy mạnh truyền thông quốc gia về phát triển du lịch xanh nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng của du khách.

38c-du-lich.jpg

Theo ông Trần Nguyên Nam - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trải nghiệm xanh Cần Giờ, doanh nghiệp cần nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó phải có quy hoạch “vùng xanh” cụ thể, ưu đãi về thuế, hạn mức và thủ tục vay vốn đầu tư xanh; gỡ bỏ các thủ tục rườm rà để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư du lịch xanh.

Bên cạnh đó cần rà soát lại các tiêu chí phát triển du lịch xanh của Việt Nam và ban hành bộ tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới. Ông Đinh Hoàng đề xuất đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chí “chứng nhận du lịch xanh" cho các bên liên quan kinh doanh sản phẩm này. Nếu doanh nghiệp đối đãi với thiên nhiên không tốt, không tạo ra sinh kế cho địa phương từ du lịch xanh sẽ khó tạo ra những giá trị bền vững, an toàn cho cộng đồng.

Ngoài việc xây dựng và phát triển sản phẩm, doanh nghiệp cần tăng cường truyền thông về điểm đến cho du khách, không chỉ khách quốc tế mà cả khách du lịch Việt Nam, vì xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững không chỉ phổ biến trong cộng đồng khách quốc tế mà đang dần trở thành thói quen của du khách Việt Nam. Theo khảo sát của nền tảng Booking.com, có tới 88% số du khách nội địa cho hay, sau dịch Covid-19, họ muốn du lịch theo cách xanh và bền vững.

Về phía du khách, khi hiểu đúng bản chất của loại hình du lịch này, họ sẽ có ý thức lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ xanh, lựa chọn điểm đến xanh, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và môi trường khi du lịch.

Du lịch xanh: Mô hình và cách làm của Bến Tre

Bến Tre có nhiều mô hình du lịch xanh nổi bật, tiêu biểu là mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ (khám phá sân chim, sông Ba Lai, tham quan nghề truyền thống đan đát, tráng bánh, một ngày làm nông dân, trồng cây xanh…), mô hình Bến Tre Riverside Resort (tham quan vườn rau, trồng cây xanh, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường…).
Hiện nay, áp dụng mô hình này, Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T đã tổ chức các chương trình cho khách tham quan du lịch kết hợp với các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường hết sức thiết thực và ý nghĩ như trồng cây, vớt rác thải trên sông…
Để phát triển du lịch xanh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre đã chủ động lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch của ngành. Sở cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan về công tác bảo vệ môi trường; bộ quy tắc ứng xửa văn minh du lịch... đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, du khách và cộng đồng người dân biết để phối hợp triển khai thực hiện.
Đồng thời, thường xuyên vận động khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, du khách và cộng đồng dân cư thực hiện và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia trồng cây xanh, dọn dẹp chỉnh trang cảnh quan môi trường xung quanh sạch đẹp, ứng xử văn minh, thân thiện …
Năm 2023, Sở đã lắp đặt 20 áp-phích tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn tại một số điểm tham qun du lịch trên địa bàn thành phố Bến Tre và huyện Thạnh Phú; vận động trồng cây xanh tại Khu Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển với sự tham gia của lãnh đạo các cấp và Hoa hậu môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà cùng với hoạt động thu gom rác thải bãi biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú của lực lượng đoàn viên, thanh niên, người dân và khách du lịch.
Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động sôi nổi như tổ chức các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hưởng ứng Giải Bepharco Bến Tre Marathon 2023; ra quân dọn dẹp các điểm đen về môi trường, bóc xóa biển quảng cáo sai quy định, trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường. Sở cũng vận động các đơn vị kinh doanh du lịch sử dụng các trang thiết bị thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện như trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời, đèn compact, trồng cây xanh.
Để nâng cao ý thức cho khách du lịch, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường và hạn chế tối đa tiến tới không sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Thường xuyên tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải trên sông với sự tham gia của khách du lịch. Ngoài ra, Sở đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phát triển sản phẩm du lịch xanh với các mô hình “Du lịch ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Du lịch tái tạo” để khách du lịch có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân nhất là vùng ven biển, nơi chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, để hiểu và nhìn thấy để cùng người dân địa phương tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, trồng cây ven biển, hạn chế xả rác ra môi trường.

Nguyễn Thị Ngọc Dung -
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre
Tâm An (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch bền vững: “Mục tiêu” đón 6 triệu khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO