Theo Tổng cục Thống kê, trong bốn tháng đầu năm 2013, lượng khách Nga đến Việt Nam đạt khoảng 113.000 lượt người, tăng 51%. Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp trong nước ít hưởng lợi so đối tác nước ngoài trong việc khai thác khách du lịch Nga. Tuy nhiên, đối tượng khách Nga có những đặc thù riêng, vấn đề là tổ chức dịch vụ sao cho hiệu quả.
Khách Nga thích đến Việt Nam vì có phong cảnh biển đẹp, người dân thân thiện, thức ăn ngon, nhiều loại hình dịch vụ và giá chi tiêu khá rẻ. Các vùng biển Nam Trung bộ đặc biệt hấp dẫn đối tượng khách này.
Thống kê của sở Văn hoá – thể thao và du lịch Bình Thuận, năm 2012 lượng khách Nga đến tỉnh này đạt khoảng 130.500 lượt người, chiếm 36,7% tổng lượng khách quốc tế. Thống kê của sở Văn hoá – thể thao và du lịch Khánh Hoà, năm 2012, khách Nga đến Nha Trang khoảng 100.000 lượt người.
Lữ hành khó chen chân
Các sân bay Cam Ranh, Đà Nẵng đều có đường bay trực tiếp từ Nga. Tháng 4/2013, Vietnam Airlines cũng nhập cuộc khi khai thác đường bay thẳng Nha Trang – Moscow.
Theo các hãng lữ hành, khách Nga đa số thích du lịch hưởng thụ nên chủ yếu nghỉ dưỡng tại các khu du lịch, resort, khách sạn nên không cần thiết kế tour tuyến hay hướng dẫn viên. Khách Nga đến Việt Nam đa số bằng đường hàng không, sự thuận tiện của các chuyến bay thuê bao và đường bay thẳng đã khiến du lịch tự túc tăng cao.
Hồi tháng 2/2012, một công ty du lịch đã đưa hàng chục ngàn khách Nga đến Đà Nẵng bằng máy bay thuê bao. Đơn vị này cho biết, sắp tới sẽ đưa du khách từ tám thành phố thuộc vùng Serbia và Viễn Đông của Nga đến Đà Nẵng và mỗi ngày sẽ có một chuyến bay đưa khoảng 180 khách Nga đến Đà Nẵng.
Trước thực tế trên, các công ty lữ hành khó lòng chen chân cung cấp dịch vụ cho đối tượng khách này.
Chỉ có một số công ty lữ hành lớn khai thác theo cách riêng, từ nhiều nguồn. Chẳng hạn, công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist đã xác định đối tác ở các địa phương của Nga để thu hút khách từ chục năm nay với hai dạng khách: du lịch thuần tuý nghỉ dưỡng và Mice.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết: “Saigontourist đã có riêng thị trường khách Nga khoảng chục năm nay, nhưng thị trường này tăng mạnh trong khoảng năm năm gần đây. Khách Nga có hai dạng là du lịch thuần tuý nghỉ dưỡng và Mice”.
Cần có chiến lược khai thác
Du khách Nga đổ xô đến các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng… khiến các dịch vụ tại nơi này tập trung “o bế” họ, cửa hàng, quán xá chữ tiếng Nga ngày càng nhiều. Lượng khách đông và cách tiêu tiền phóng khoáng của tầng lớp người giàu mới của Nga trước mắt là một tín hiệu vui cho du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, có một số ý kiến e ngại rằng, bên cạnh ưu điểm chi tiêu mạnh tay thì đặc điểm ồn ào, mất trật tự của khách Nga sẽ làm ảnh hưởng đến các đối tượng khách khác. Đã có trường hợp một đoàn khách Pháp nghỉ tại Nha Trang phải chuyển khách sạn vì không chịu nổi sự ồn ào của khách Nga...
“Lượng khách Nga tăng giống như một hiện tượng, nổi lên rồi sẽ xẹp xuống. Cần vai trò định hướng quản lý của Nhà nước để giải bài toán chung, phải có tầm nhìn chiến lược, không ăn xổi ở thì”, Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt nói.
Đồng thời, việc các dịch vụ du lịch chạy theo khách Nga, đến lúc không có khách Nga thì chết. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt cho rằng, khách Nga là thị trường chuyển động, ồ ạt trong thời kỳ đầu sau đó sẽ bão hoà.
Nên cân nhắc phân khúc thị trường tập trung vào từng đối tượng khách, chẳng hạn như quy hoạch khách sạn chuyên đón khách Nga, đảm bảo du khách tuân thủ pháp luật, phong tục tập quán của Việt Nam. Cẩn trọng các công ty nước ngoài núp bóng, chấn chỉnh nạn chặt chém.
Đại diện một công ty du lịch khác cũng nhận xét: “Trên thực tế, lượng khách Nga tăng và họ tiêu tiền nhiều là một tín hiệu đáng mừng cho du lịch Việt Nam. Không nên vì nhược điểm của khách Nga mà từ bỏ họ, phải chấp nhận thực tế. Khi du lịch nghĩa là khách đã tìm hiểu và chấp nhận cả mặt xấu và mặt tốt của điểm đến...”.
Qua khảo sát tại một số đơn vị dịch vụ lữ hành tại TP.HCM, đa số nhận xét mặc dù lượng khách Nga đến Việt Nam tăng trong vài năm gần đây nhưng không phải là hiện tượng quá nổi bật. Du lịch Việt Nam vẫn có một lượng du khách lớn và ổn định đến từ các nước như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Các đơn vị dịch vụ cần phối hợp với nhau để có thể làm hài lòng tất cả khách hàng, bởi đặc điểm của ngành dịch vụ là “làm dâu trăm họ”. Đồng thời, nên khai thác điểm đến mới để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách khác nhau.
Hiện nay, một số dịch vụ du lịch địa phương đã tổ chức nhiều chiêu trò mới để có thể “làm dâu trăm họ” như tổ chức kỳ nghỉ dài ngày, du khách tham quan, thám hiểm hang động bằng xe đạp, khám phá ẩm thực địa phương…