Trong khi pháo binh Nga có thể nã đạn liên tục, dồn dập nhiều giờ, lực lượng Ukraine không thể bắt kịp cả về sức mạnh lẫn số lượng vũ khí và phải chắt chiu từng viên đạn, bất chấp một lượng lớn vũ khí nhận từ phương Tây.
Mykhailo Strebizh - chỉ huy một tiền đồn ở miền Đông Ukraine, nói nếu binh sĩ của ông phải đối đầu với hỏa lực pháo binh Nga, họ chỉ có thể bắn trả trong tối đa 4 giờ. Theo giới chức Ukraine, hỗ trợ của phương Tây vẫn chưa đủ và không đến chiến trường kịp, trong bối cảnh giao tranh tại vùng Donbass đang ngày một khốc liệt hơn.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo M777 ở vùng Donetsk, miền đông đất nước, hôm 6/6. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/6/2022 đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 1 tỷ USD, trong đó có tên lửa chống hạm và pháo phản lực, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ gồm 18 lựu pháo M777 và 36.000 viên đạn cỡ 155 mm, 2 hệ thống phòng thủ bờ sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon, cùng một số đạn tầm bắn 80 km cho tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS. Mỹ cũng sẽ chuyển cho Ukraine hàng nghìn bộ đàm, kính nhìn đêm và camera ảnh nhiệt.
Song, giới chuyên gia cho rằng việc cung cấp viện trợ như vậy không theo kịp nhu cầu của Ukraine, một phần do ngành công nghiệp quốc phòng không sản xuất vũ khí đủ nhanh.
"Chúng ta đang chuyển từ thời bình sang thời chiến. Thời bình đồng nghĩa với tốc độ sản xuất thấp và nếu muốn tăng công suất, trước hết phải xây dựng các cơ sở công nghiệp. Đây là một thách thức rất lớn", Francois Heisbourg - Cố vấn cấp cao của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược, trụ sở tại Paris, Pháp, nói.
Theo báo cáo từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, Mỹ đã thực hiện khoảng 50% cam kết trong việc hỗ trợ quân sự; tỷ lệ này ở Đức là khoảng 33%. Ba Lan và Anh cũng đã thực hiện phần lớn những gì đã hứa cho Ukraine. Dù vậy, nhiều binh sĩ Ukraine nói họ thậm chí chưa thể đối đầu ngang sức với lực lượng Nga.
Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe tải chở một lô tên lửa Javelin do Mỹ chuyển giao. Ảnh: AFP. |
Trên thực tế, đại sứ Ukraine tại Madrid Serhii Phoreltsev đầu tháng này đã gửi lời cảm ơn đến Tây Ban Nha vì lô hàng viện trợ quân sự 200 tấn trước đó, song cho biết số đạn kèm theo chỉ đủ cho khoảng 2 giờ chiến đấu. Hơn nữa, vì lực lượng Ukraine đã quen với vũ khí từ thời Liên Xô, nên nếu muốn sử dụng khí tài phương Tây, họ cần được huấn luyện.
Bên cạnh đó, nếu so với yêu cầu của Ukraine, số vũ khí viện trợ không khác gì 'muối bỏ bể'. Ukraine muốn 1.000 lựu pháo 155 mm, 300 bệ tên lửa phóng loạt, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái. Và, yêu cầu này vượt xa những gì phương Tây có thể hỗ trợ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đầu tháng 4 qua thừa nhận Đức không còn khả năng viện trợ khí tài trực tiếp từ kho vũ khí quân đội cho Ukraine. "Với những lô hàng đến trực tiếp từ kho vũ khí quân đội, tôi phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng tôi đã đạt tới giới hạn", bà Lambrecht cho biết.
Trong khi đó, Josep Borrell - quan chức phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), nói: "Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là hồi chuông cảnh tỉnh với an ninh và quốc phòng EU. Tình trạng thiếu đầu tư khiến năng lực phòng thủ không đáp ứng những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt. Cơ quan Phòng thủ châu Âu từng cảnh báo về điều này".
"Kho dự trữ khí tài cạn kiệt sau nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine là ví dụ rõ nhất về những khuyết điểm của chúng ta. Đây là một phần hậu quả từ những đợt cắt giảm ngân sách và thiếu đầu tư trong quá khứ", quan chức EU nói thêm.
Quân nhân Ukraine chuẩn bị đạn cho lựu pháo M777 ở vùng Donetsk hôm 6/6. Ảnh: Reuters. |
Ben Barry - chuyên gia về tác chiến trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (London), nhận xét: "Thứ Ukraine cần làm là tiến hành một chiến dịch phản công để đáp trả hỏa lực pháo binh Nga. Để làm được điều này, bạn cần có vũ khí chính xác với tốc độ bắn cao và tầm bắn xa, cho phép chúng tránh đối phương phản pháo. Người Ukraine phàn nàn rằng họ không có đủ pháo phản lực tầm xa để áp chế pháo binh Nga. Tôi nghĩ họ có thể đúng".
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Denys Sharapov chuyên phụ trách mua sắm, cho biết các hệ thống vũ khí họ đã nhận chỉ đáp ứng 10% đến 15% nhu cầu của đất nước. Ông lưu ý rằng quân đội Ukraine đang phải chiến đấu trên một chiến tuyến dài 1.000 km. Trả lời tờ National Defence vào tuần trước, Sharapov nhấn mạnh không một bên riêng lẻ nào có thể đáp ứng nhu cầu vũ khí của Ukraine.
"Thật không may, chúng tôi đã trở thành nước tiêu thụ vũ khí và đạn dược lớn nhất thế giới", ông nói.