Dư địa quảng cáo thương hiệu trong ứng dụng di động
Quảng cáo trong ứng dụng ngày càng phổ biến khi ứng dụng di động sinh trưởng như nấm mọc sau mưa, đồng thời cho phép doanh nghiệp tiếp cận người dùng trực tiếp và cá nhân hóa hơn.
Mới đây, giám đốc tài chính của OpenAI (công ty chủ quản của ChatGPT) - bà Sarah Friar chia sẻ trên tờ Financial Times rằng, công ty đang cân nhắc khả năng tích hợp quảng cáo vào sản phẩm của mình. Nước đi này nhằm mở rộng nguồn thu trong bối cảnh công ty đang tái cấu trúc theo mô hình hoạt động vì lợi nhuận.
Liên tục tăng trưởng và mở rộng
Dù chưa công bố kế hoạch cụ thể, nhưng OpenAI đã chiêu mộ nhiều nhân tài ngành quảng cáo từ Google và Instagram. Công ty đối thủ của họ là Perplexity đã thử nghiệm tích hợp quảng cáo trong công cụ tìm kiếm AI. Điều này cho thấy, các công ty khó lòng dửng dưng trước xu hướng quảng cáo ngay trong ứng dụng.
Theo trang Research and Market, chi tiêu quảng cáo trên thiết bị di động của Mỹ sẽ vượt quá 200 tỷ USD trong năm nay, chiếm 51,2% tổng số tiền chi cho phương tiện truyền thông tại xứ cờ hoa, và 66% số tiền quảng cáo kỹ thuật số. Phần lớn chi tiêu cho quảng cáo trên thiết bị di động diễn ra trong các ứng dụng.
Đó chỉ là thống kê riêng ở Mỹ. Trên toàn cầu, thị trường quảng cáo trong ứng dụng đang có sự tăng trưởng đáng kể khi việc sử dụng thiết bị di động và ứng dụng tiếp tục tăng mạnh. Theo Báo cáo Xu hướng di động của người dùng của Adjust, người dùng dành khoảng một phần tư thời gian mỗi ngày trên các ứng dụng. GSMA Intelligence chuyên về thông tin chuyên sâu, dự báo và nghiên cứu trong ngành công nghiệp di động, thống kê hơn 5 tỷ người sử dụng thiết bị di động hằng ngày. Statista dự báo con số thiết bị di động hoạt động toàn cầu sẽ đạt 18,22 tỷ USD năm 2025.
Năm 2024, có hơn 4 triệu ứng dụng di động trên các app store lớn. Báo cáo mới nhất của Statista về các ứng dụng di động thống kê tổng doanh thu toàn cầu của nhóm này sẽ là 522,73 tỷ USD. Con số này thể hiện mức tăng trưởng lành mạnh theo năm là 11,9%, so với 467,08 tỷ USD kiếm được vào năm 2023.
Trong đó, quảng cáo dự kiến sẽ mang lại 344,11 tỷ USD doanh thu cho các ứng dụng, chiếm 65,8% tổng doanh thu hằng năm. Mua hàng trong ứng dụng dự kiến sẽ mang lại thêm 172,53 tỷ USD, hay 33% tổng doanh thu. Điều đáng chú ý là tỷ trọng doanh thu quảng cáo trong tổng doanh thu đã tăng đều đặn qua các năm.
Báo cáo của Statista dự báo năm 2027, tổng doanh thu hằng năm sẽ tăng lên 673,78 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 451,38 tỷ USD, nghĩa là chiếm tỷ trọng đến 67%.
Những con số thống kê khả năng là còn khiêm tốn hơn thực tế, vì giờ nhà nhà người người ra mắt ứng dụng di động, hầu như mọi lĩnh vực đời sống đều có ứng dụng di động phục vụ nhu cầu nào đó, từ nhỏ đến lớn.
Tiếp cận đúng người dùng với chi phí rẻ hơn
Trên thực tế, các thương hiệu lớn hay nhỏ đều đang ra sức thu hút người dùng từ thế hệ X, thế hệ Y đến thế hệ Z, thậm chí là thế hệ Alpha vẫn còn đang cắp sách đến trường. Họ dồn sức quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Tuy vậy, sân chơi không mở rộng thêm mà người chơi thì ngày càng đông đúc, cơ hội để được người dùng để mắt đến cũng ngày một khó hơn. Ngân sách quảng cáo ít, cạnh tranh cam go, các thương hiệu đang chuyển hướng phân bổ chi phí quảng cáo cho các kênh khác, như ứng dụng di động, là chuyện không khó đoán.
Một trong những lợi thế lớn của quảng cáo trong ứng dụng là khả năng tiếp cận khách hàng trực tiếp và hiệu quả với chi phí khá hợp lý. So về chỉ số tương tác và chuyển đổi từ người xem thành người mua hàng, thì quảng cáo trong ứng dụng di động ăn đứt các định dạng quảng cáo truyền thống.
Dữ liệu từ Adjust cho thấy, khách hàng đến từ quảng cáo trong ứng dụng di động lĩnh vực fintech mở ứng dụng trung bình 9 lần/tháng, trong khi đó khách hàng có được qua quảng cáo trên mạng xã hội chỉ mở trung bình 5,8 lần mỗi tháng.
Hiện tại, các nhà cung cấp quảng cáo trong ứng dụng tạo ra trải nghiệm với nhiều định dạng khác nhau, từ video có thưởng, quảng cáo trò chơi tương tác trực tiếp đến quảng cáo toàn màn hình, giúp quảng bá sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhất để tăng tỉ lệ chuyển đổi.
Video quảng cáo có thưởng khá phổ biến trong các ứng dụng game hay học ngoại ngữ như Duolingo. Người dùng sẽ nhận được đề nghị xem video hoặc tương tác với quảng cáo trong khoảng thời gian cố định (ví dụ xem quảng cáo khoảng 15 giây, 30 giây) để nhận về phần thưởng có thể dùng được trong ứng dụng, như thêm mạng chơi game, học bài hoặc quyền mở khóa nội dung đặc biệt nào đó. Các video này sẽ được phát trong luồng, phát đan xen hay lồng ghép trò chơi…
Người dùng hoàn toàn có quyền chọn thực hiện hay không đối với đề nghị này. Việc tự nguyện tương tác để nhận quà mang đến cho người dùng cảm giác tích cực và cảm tình hơn với thương hiệu. Nhờ đó, định dạng quảng cáo này trở thành lựa chọn tốt cho các thương hiệu vừa và nhỏ muốn lấy lòng khách hàng.
Một hình thức khác chú trọng tương tác của người dùng là playable ad (quảng cáo có thể chơi được trực tiếp). Loại này thường hiển thị kiểu câu đố, album hình ảnh, các yếu tố game kích thích sự tò mò và năng lực của người xem quảng cáo, thúc đẩy họ tải ứng dụng để thực hiện các hành động tiếp theo, hoặc kéo dài thời gian của họ với thương hiệu. Nhờ tương tác này, người dùng gia tăng sự hứng thú và có tiềm năng trở thành khách hàng thân thiết của thương hiệu hơn.
Ngoài ra còn có các loại hình như quảng cáo bằng hình ảnh biểu ngữ (thường chỉ có tiêu đề và hình ảnh đơn giản nhưng bắt mắt), quảng cáo toàn màn hình (khi được phát, đây sẽ là nội dung duy nhất hiển thị trên màn hình thiết bị của người dùng).
33.000 là số ứng dụng trên nền tảng iOS, theo thống kê của Statista tháng 9/2024. Còn nền tảng Android thì có 29.000 ứng dụng đã phát hành tương ứng trên App Store và Google Play Store.