Theo báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2022 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vào năm 2023, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm nay và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự báo được đưa ra vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong trung hạn (đến năm 2027) thêm 2 triệu thùng/ngày. Đồng thời dự báo, đến năm 2030, nhu cầu dầu mỏ trung bình của thế giới là 108,3 triệu thùng/ngày, và đến năm 2045 là 109,8 triệu thùng/ngày. Hai con số này đều cao hơn so với dự báo được đưa ra vào năm 2021.
Theo OPEC, thế giới cần đầu tư 12.100 tỷ USD vào lĩnh vực dầu mỏ từ nay đến năm 2045. Tuy nhiên, việc thiếu hụt đầu tư vào ngành dầu mỏ toàn cầu trong những năm gần đây đang trở thành mối quan ngại lớn.
Tổ chức này cũng lo ngại về tình trạng hạn chế nguồn cung sẽ kéo dài trong trung hạn. Theo đó, sản lượng của OPEC trong năm 2027 sẽ thấp hơn mức của năm 2022, trong khi nguồn cung của các nước không thuộc OPEC sẽ tăng lên.
Tuy vậy, OPEC cho rằng trong dài hạn, dầu mỏ vẫn là nhiên liệu hàng đầu trong số những nguồn năng lượng cơ bản trên toàn cầu. Do đó, nhu cầu dầu mỏ tiếp tục tăng trưởng thêm 1 thập kỷ nữa sẽ là động lực phát triển đối với OPEC, bao gồm 13 nước thành viên đang phụ thuộc nguồn thu vào dầu mỏ.
Trong khi đó, những nhà dự báo khác lại cho rằng do xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo và xe điện, nhu cầu dầu mỏ sẽ bước vào trạng thái ổn định trước năm 2030.
Theo thông tin từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu tất cả nhiên liệu hóa thạch của thế giới sẽ lên tới đỉnh điểm hoặc gần như không đổi, trong đó nhu cầu dầu thô sẽ giảm từ giữa thập kỷ tới.