Dự báo kinh tế TP.HCM sẽ khởi sắc trong năm 2024
Mặc dù đã trải qua một thời gian đầy khó khăn với nhiều thách thức về kinh tế trong năm 2023 nhưng theo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật, trong năm 2024, TP.HCM được dự báo sẽ khởi sắc hơn so với năm ngoái.
Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật, kinh tế TP.HCM sẽ còn khó khăn ít nhất trong nửa đầu năm nay nhưng thời gian sau sẽ dần phục hồi. Theo nhóm nghiên cứu, việc điều chỉnh lãi suất VND tác động trực tiếp đến khu vực kinh tế nội địa. Trong khi đó, dao động giá VND với USD và nhân dân tệ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất - nhập khẩu, nhất là khu vực FDI. Do đó, kinh tế TP.HCM có thể diễn ra những cuộc sàng lọc tự nhiên chưa từng có, khi các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi đến hạn. Do vậy, nhóm nghiên cứu khuyến nghị chính quyền thành phố cần đưa ra dự báo, phản ứng kịp thời trước các đợt điều chỉnh lãi suất, tỷ giá.
Ngoài ra, về trung hạn, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị TP.HCM nên hợp tác vùng Bình Dương, Tây Ninh để tạo thành mô hình vùng kinh tế hợp nhất giữa ba địa phương, nhằm tận dụng các chính sách đặc thù mà đầu tàu kinh tế được hưởng từ Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù của Quốc hội. Theo đó, TP.HCM có thể tập trung vào hai nhân tố định hình năng lực mới là công nghệ chiến lược và khởi nghiệp sáng tạo. Riêng Tây Ninh giữ vai trò chủ chốt trong cung cấp các nguồn lực về điện, nước, nông sản, và tín chỉ carbon. Còn Bình Dương nổi bật với tốc độ mở rộng công nghiệp gắn liền với xuất khẩu, có thể phát triển trong liên kết chặt chẽ với Tây Ninh và TP HCM.
Cũng theo số liệu từ Cục thống kê TP.HCM, mặc dù trong năm 2023, kinh tế TP.HCM đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kế hoạch kinh tế của năm 2023. Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP của thành phố tăng 5,8%, thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là từ 7,5 - 8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM năm 2023 tăng 11% so với năm 2022. Tổng doanh thu du lịch trên 160 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 5 triệu lượt (tăng 44%).
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,3% so với năm 2022. Khu vực công nghiệp tăng trưởng ở mức cao hơn mặt bằng chung cả nước, nhưng đang giảm tốc so với chính TP.HCM năm trước.
Thương mại dịch vụ của TP cũng tăng mạnh nhất trong năm qua, đạt gần 6,8%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Nông lâm thủy sản và công nghiệp - xây dựng tăng lần lượt 1,53% và 4,42%.
Về doanh thu du lịch đạt trên 160.000 tỷ đồng, cao hơn 25% so với 2019. Riêng lữ hành xác lập doanh thu mới, vượt mức đỉnh năm 2022 khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực lại ghi nhận sự giảm sút như xuất khẩu giảm 1,2%; nhập khẩu giảm 13%.... Tính đến ngày 29/12/2023, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM là 446.545 tỷ đồng, đạt 95,07% dự toán và bằng 94,69% so cùng kỳ (471.562 tỷ đồng).
Do đó, trong năm ngoái, để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại, TP.HCM đã thực hiện hàng loạt giải pháp như tăng cường đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện chính sách kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch, thúc đẩy sự phát triển trong liên kết Vùng, quyết liệt trong cải cách hành chính…
Sự chuyển động của cả bộ máy chính quyền cùng sự chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp đã giúp TP.HCM làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, giúp các chỉ số kinh tế bật dậy trong những tháng tiếp theo của năm 2023.
Bước sang năm 2024, nhiều chuyên gia dự báo không chỉ riêng với TP.HCM mà cả nền kinh tế chung của cả nước sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn. Song với những kết quả đã làm được trong quản trị, điều hành, nỗ lực trong cải cách hành chính, nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và sự góp sức, chung tay của doanh nghiệp và nhân dân, TP.HCM sẽ lại có những bước tiến vững vàng trong thời gian tới.