Ông Trần Phước Tường - Phó Cục trưởng cục Thống kê TP.HCM tại buổi họp báo chiều 1/6 |
Chiều 1/6, UBND TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Chủ trì họp báo là ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.
Tại buổi họp báo, ông Trần Phước Tường - Phó Cục trưởng cục Thống kê TP.HCM cho biết, tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý II/2023 ước đạt 5,87% (trong khi quý I trước đó chỉ tăng 0,7%). Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 0,2% vào mức tăng GRDP. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,77% so với cùng kỳ 2022, cao hơn 0,44 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022 và đóng góp tương ứng 18,3 vào tốc độ tăng GRDP. Riêng khu vực dịch vụ tăng 7,16% so với cùng kỳ 2022, cao hơn 0,06 điểm phân trăm so với cùng kỳ 2022 (sơ bộ quý II/2022 tăng 7,1%) và đóng góp 77% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP tăng 7,09%, đóng góp 70%.
Xét theo cơ cấu GRDP quý II/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,3%; khu vực dịch vụ chiếm 64,8%, riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59%.
Tính chung, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,55% cao hơn 1,47 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Quang cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin chiều 1/6 |
Theo phân tích của Cục Thống kê TP.HCM, thì một trong những nguyên nhân chính giúp GRDP TP.HCM tăng trưởng là sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so cùng kỳ. Đây là một trong những yếu tố thấy tăng trưởng phục hồi trở lại. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, IIP tăng 1,62% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, sức mua của thị trường trong nước vẫn được duy trì. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng tăng 9,4% so cùng kỳ. Sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của nền kinh tế khi hoạt động xuất khẩu suy giảm.
Ngoài ra, cũng theo lời ông Tường, giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc, và đây là xem động lực phát triển cho nền kinh tế; trong khi đó tình hình xuất khẩu của TP.HCM tiếp tục khó khăn khi các thị trường chủ lực chưa phục hồi. Thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ. Ước tính 5 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước TPHCM đạt 43% dự toán (giảm 4,5% so cùng kỳ).