Khối ngoại vẫn giao dịch dè dặt nhưng nhiều dự báo khối này sẽ sớm quay trở lại thị trường.
Thanh khoản trong tuần cuối tháng 10 vừa qua khiến nhà đầu tư (NĐT) liên tưởng đến thời điểm này của năm trước khi tâm lý giao dịch vẫn khá thận trọng, khối ngoại dè dặt và thanh khoản ở mức thấp so với mặt bằng các tháng trước.
Tổng kết một số chỉ tiêu cơ bản thì thị trường tháng 10/2014 không mấy khả quan: VN-Index giảm 1,38%, khối lượng khớp lệnh giảm đến 16% và NĐT nước ngoài bán ròng hơn 1.115 tỷ đồng.
Vào thời điểm này năm trước, tháng 10 là tháng tích lũy để hình thành nên một xu hướng tăng điểm liên tục 5 tháng sau đó. Tuy nhiên, cả thanh khoản và giao dịch của khối ngoại có vẻ đang không được như cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, hai quỹ ETF trong tuần này tiếp tục có nhiều biến động. Theo quan sát của các chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong tuần trước, hai quỹ này bị rút vốn khá mạnh, trong đó FTSE là 400.000 chứng chỉ quỹ - CCQ (tương đương 245 tỷ đồng), VNM là 500.000 CCQ (tương đương 224 tỷ đồng) nhưng tác động rút vốn này của hai quỹ không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch của khối ngoại.
Điều này chứng tỏ vẫn có lực mua khác đối trọng với ETF. Dựa theo số liệu của chuyên viên thị trường Công ty Chứng khoán VDSC, FTSE đang giao dịch với mức trung bình khoảng 1,01% nên khả năng bị rút vốn của quỹ này khá thấp.
Tương tự, VNM bị rút 100.000 CCQ (khoảng 43,8 tỷ đồng), trong khi đó, quỹ này đang giảm dần mức chiết khấu (từ 0,45% - 0,35%), vì lẽ đó giới phân tích cho rằng nhiều khả năng không bị rút vốn nữa.
Lý do, trong một cuộc điều tra của Bloomberg, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng FED sẽ tuyên bố chấm dứt chương trình mua tài sản trị giá 15 tỷ USD và vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức từ 0% đến 0,25%.
Trong khi đó, dòng vốn ngoại của thị trường Việt Nam đang có xu hướng chững lại nên điều này theo đánh giá của giới phân tích sẽ không tác động tức thì đến thị trường Việt Nam. Tuy vậy, động thái của FED về khả năng tăng lãi suất điều hành vẫn sẽ luôn là mối quan ngại đối với xu hướng dòng vốn nước ngoài tại các thị trường cận biên, mới nổi như Việt Nam.
Đồng thời, theo Maybank KimEng, nếu nhìn vào động thái của NĐT nước ngoài lý giải việc bán ròng là hoàn toàn hợp lý bởi họ đã mua ròng cực mạnh trong quý II với giá trị đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị bán ròng của khối ngoại ở cả quý III và những ngày đầu tiên của tháng 10 chưa tới 2.000 tỷ đồng.
Dù vậy, nếu tính từ đầu năm đến nay, cần nhấn mạnh trạng thái chính của khối ngoại vẫn là mua ròng với con số khoảng 4.732 tỷ đồng trên sàn HOSE. Theo đó, trong ngắn hạn, khối ngoại đang bán ròng và có thể duy trì đà bán ròng thêm một thời gian nữa.
Rõ ràng, xét về trung dài và hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam so với các quốc gia khác vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn ngoại khi định giá vẫn ở mức trung bình (P/E khoảng 13,5x) đi kèm với tiềm năng tăng trưởng EPS vào loại cao trong khu vực. Đặc biệt là sự ổn định rất cao về chính trị, xã hội.
Không chỉ vậy, tình hình sản xuất, kinh doanh của các công ty niêm yết đang tiếp tục có sự cải thiện và kỳ vọng kết quả kinh doanh cả năm 2014 sẽ khả quan. Với các lý do ấy, các chuyên gia của Maybank KimEng cho rằng, nhiều khả năng sau thời gian bán ròng khá mạnh, NĐT nước ngoài dần giảm bớt áp lực bán và sẽ mua ròng trở lại trong những phiên tới.
Tương tự, từ diễn biến thực tế, Công ty Chứng khoán Rồng Việt vẫn kỳ vọng sẽ có một kịch bản tích lũy trong tháng 11 nếu:
(1) NĐT nước ngoài ngừng bán ròng sau 3 tháng liên tiếp. Lập luận này được ủng hộ thông qua việc khối ngoại đã quay lại mua ròng trong 6 phiên gần nhất.
(2) Nền kinh tế ổn định tạo nền tảng để các doanh nghiệp tự tin đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2015. (3) Sự kiện liên quan đến ông Hà Văn Thắm được làm rõ và tâm lý NĐT ổn định trở lại.
Hơn nữa, NĐT cũng ghi nhận phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, các chỉ số đã tăng mạnh và VN-Index một lần nữa đã đạt ngưỡng 600 điểm. Thanh khoản tăng mạnh và khối ngoại mua ròng đang là yếu tố ủng hộ những giả định nêu trên.
Về cơ bản, bán ròng của khối ngoại thời gian này mang tính cục bộ trong ngắn hạn nhiều hơn là mang tính hệ thống và kéo dài. Còn đối với dòng vốn từ các quỹ ETF, việc họ bị rút vốn hoặc được bổ sung thêm vốn là việc thường diễn ra và có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, sẽ không bất ngờ nếu khối ngoại trở lại mua ròng mạnh khi thị trường có sự điều chỉnh giá đủ lớn để hấp dẫn dòng tiền trong thời gian tới.