Chuyển đổi số mang đến những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp. Ảnh: T.LINH |
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những bước chuyển đổi lớn, những hệ sinh thái, mô hình kinh doanh mới đồng loạt xuất hiện tạo ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp “nhanh chân” trong cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, cạnh đó cũng có những thách thức đang chờ đón mà nếu không chuẩn bị kỹ, doanh nghiệp Việt sẽ bị cuốn trôi.
Đón cơ hội
Theo TS. Phương Trầm, chuyển đổi số mang lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không cần triển khai bằng những kế hoạch lớn lao mà chỉ các hành động nhỏ bắt nguồn từ sáng kiến chuyển đổi số nhỏ, có thể thực hiện và hoàn thành trong 3 - 6 tháng, dựa trên đánh giá tổng thể các đơn vị, các chức năng của công ty, chứng từ đòi hỏi, yêu cầu của khách hàng và áp dụng những công nghệ nhanh nhất.
Trường hợp của DuPont - công ty toàn cầu với doanh thu 85 tỷ USD là trường hợp điển hình về việc chuyển đổi số. Bằng một cách tiếp cận khác biệt, các chương trình chuyển đổi số đã giúp DuPont tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn, giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng, thúc đẩy sự phát triển nhiều công cụ quản trị mới cho các đối tác công nghệ hàng đầu như Microsoft, SAP, AT&T. Hiệu quả của hoạt động này đã đưa tên tuổi DuPont thành một trong những công ty thành công nổi trội hàng đầu về chuyển đổi số trên thế giới.
Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia, vận hành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet). Cùng với đó, Chính phủ sẽ ra mắt cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng như thế, Hãng hàng không Jetstar của Úc áp dụng hệ thống đám mây để chuyển đổi công ty một cách toàn diện, hướng đến việc tương tác tốt hơn với mọi đối tượng khách hàng. Một nền tảng quản lý dữ liệu trên đám mây giúp cung cấp một hồ sơ toàn cảnh và trực quan hơn về khách hàng, cho phép các doanh nghiệp này trò chuyện với khách hàng với tư cách cá nhân, trong một môi trường và thời gian thích hợp.
Gần đây, đội ngũ Jetstar đã hợp nhất thành công một hoạt động trên nền tảng email và một quảng cáo hiển thị nhằm tiếp cận phân khúc khách hàng mới. Kết quả, họ nhận được mức tăng trưởng tới 70% về doanh thu.
Tại nhiều nước trong khu vực ASEAN, vấn đề số hóa rất được quan tâm và đầu tư mạnh mẽ. Hầu hết các nước ASEAN đều có chiến lược, chính sách đào tạo và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương trong việc số hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, Singapore có chương trình Go Digital và nay là Start Digital với chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Tương tự, Philippines, Indonesia có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ năng quản lý, số hóa trong khi Thái Lan xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng cải tiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương...
Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến với chính sách phù hợp mà những quốc gia này đã thành công và phát triển rất mạnh về đầu tư đưa sản phẩm của doanh nghiệp trong nước ra thị trường thế giới.
Trong nước, Bắc Kỳ Logistics là một điển hình thành công trong ứng dụng công nghệ, số hóa quy trình kinh doanh. Doanh nghiệp chuyên về logistics này đã vận dụng công nghệ tự động hóa cho toàn bộ các khâu lên lịch trình quản lý vận chuyển và giao hàng, mang lại trải nghiệm khách hàng toàn diện hơn, đồng thời nâng cao tính minh bạch và tốc độ phục vụ.
Bắc Kỳ Logistics đồng thời sử dụng các ứng dụng điện toán đám mây dựa trên dữ liệu tiên tiến để có thể trực quan hóa chuỗi cung ứng, các quy trình logistics và thông tin thương mại trong thời gian thực. Với mô hình vận hành trên, công ty đã có thể tối ưu hóa nguồn cung và giảm thiểu tối đa số lượng containers rỗng.
Trong khi đó, Ngân hàng ACB nhắm đến việc đổi mới trải nghiệm khách hàng, tích hợp vào kênh ngân hàng truyền thống những trải nghiệm số chất lượng cao. Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, ACB đã chuyển dịch các quy trình vận hành cốt lõi sang nền tảng điện toán đám mây, và trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng giải pháp ERP tiên tiến.
Với bước tiến chuyển đổi số này, ACB đã thu về những lợi tức đầu tư đáng kể, cải thiện tính minh bạch, tốc độ dịch vụ và tối ưu hóa các chi phí. Ngoài ra, chu kỳ chốt sổ kế toán và chạy báo cáo cuối tháng của ACB cũng được đẩy nhanh lên đến 50%, đồng thời giảm được 60% chi phí công nghệ thông tin.
Vượt thách thức
Bà Nguyễn Cẩm Linh - Giám đốc Mạng ứng dụng Oracle Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi công nghệ theo hướng số hóa, tuy nhiên doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức bởi nhiều yếu tố như biến động trong nền kinh tế vĩ mô, trải nghiệm khách hàng tương lai, những rủi ro về pháp lý cũng như những vấn đề về bảo mật và công nghệ mới.
Xử lý dữ liệu là một thách thức khác mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Khi các giao dịch trong ngành thương mại điện tử diễn ra trên nền tảng kỹ thuật số, một lượng dữ liệu khổng lồ sẽ có thể được thu thập để phân tích, từ đó giúp xây dựng chiến lược về giá cả, tiếp thị, sản phẩm, dịch vụ...
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang sử dụng những hệ thống tách biệt vì thế sẽ gặp phải những vấn đề về khả năng mở rộng và nguồn cung thông tin thống nhất. Điều này sẽ dẫn đến những trở ngại trong thu thập, xử lý và vận dụng dữ liệu.
Ngoài ra, với những quy định chặt chẽ mới được ban hành trong việc sử dụng dữ liệu khách hàng, các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử cũng sẽ gặp khó khăn trong việc khai thác dữ liệu người dùng.
Gartner dự đoán vào năm 2020, trải nghiệm khách hàng có kết quả chất lượng kém sẽ phá hỏng gần một phần ba số dự án kinh doanh kỹ thuật số, trong khi báo cáo của PwC cho thấy, 73% khách hàng hiện nay đánh giá trải nghiệm như một yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng của họ. Trong bối cảnh này, khả năng cung cấp trải nghiệm khách hàng cá nhân, xuyên suốt và mang tính dự báo là một yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp và cách duy nhất để đạt được điều đó là kết nối mọi bộ phận của doanh nghiệp và đảm bảo khách hàng là trung tâm của mọi quyết định.
Những năm gần đây Việt Nam cũng đã chú trọng đẩy mạnh công nghệ số, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nếu so với các nước ASEAN, tốc độ tiếp cận cũng như năng lực hấp thu và đổi mới công nghệ để phát triển còn chưa nhanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện chiếm đến 97% còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thách thức về nguồn vốn.
Hiện có 3 cuộc chuyển đổi số lớn ở Việt Nam đang được đầu tư bằng chiến lược quyết liệt và táo bạo. Đó là chuyển đổi số của Chính phủ sang Chính phủ số từ trung ương đến địa phương, chuyển đổi số của các thành phố sang thành phố thông minh và chuyển đổi số của doanh nghiệp, ngành sang doanh nghiệp số.
Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, vấn đề cần quan tâm là doanh nghiệp công nghệ thông tin phải nhanh chóng nâng cấp từ công nghệ thông tin sang kỹ thuật số gồm Big Data, AI, tự động hóa sản xuất, số hóa thế giới vật lý...
“Doanh nghiệp dù ở quy mô nào nếu không thay đổi và nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ sẽ khó tồn tại và phát triển. Và nếu doanh nghiệp không chủ động ứng phó sẽ bị thay thế bởi các doanh nghiệp hình thức mới. Điều cần làm ngay lúc này là chủ doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, phải biết đối mặt với điều gì và biết phải làm như thế nào. Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới và lan tỏa tinh thần đó đến từng thành viên trong công ty”, ông Trương Gia Bình nói.