Từ sách đến phim

HOÀNG LINH LAN| 27/12/2014 09:27

Trong bối cảnh điện ảnh Việt luôn khan hiếm những kịch bản chặt chẽ và hấp dẫn như hiện nay thì sự "bắt tay" giữa điện ảnh và tác phẩm văn học là một giải pháp rất thu hút các nhà làm phim.

Từ sách đến phim

Trong bối cảnh điện ảnh Việt luôn khan hiếm những kịch bản chặt chẽ và hấp dẫn như hiện nay thì sự "bắt tay" giữa điện ảnh và tác phẩm văn học là một giải pháp rất thu hút các nhà làm phim. Tuy nhiên, từ trang giấy lên màn ảnh là một khoảng cách có khá nhiều "chướng ngại vật" mà nhiều nhà làm phim không dễ gì vượt qua.

Đọc E-paper

Nối lại sự đứt đoạn

Ngày càng nhiều nhà làm phim trong nước chọn kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc dựa trên ý tưởng của tác phẩm văn học.

Năm 2008 có Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, biên kịch Châu Thổ chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Trần Thùy Mai), 2010 có Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, biên kịch Ngụy Ngữ - Nguyễn Hồ, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư).

Rồi đến Tâm hồn mẹ (2011, đạo diễn và kịch bản Phạm Nhuệ Giang, dựa theo ý tưởng truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp), Thiên mệnh anh hùng (2012, kịch bản và đạo diễn Victor Vũ, dựa theo Bức huyết thư của Bùi Anh Tấn).

Riêng trong năm 2014, điện ảnh Việt có 3 kịch bản phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học là Hương ga (đạo diễn Cường Ngô, kịch bản và nguyên tác Phiên bản của Nguyễn Đình Tú), Đời Như Ý (đạo diễn và kịch bản Vương Quang Hùng, truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư), Dịu dàng (kịch bản và đạo diễn Lê Văn Kiệt, truyện ngắn của Đại văn hào Dostoievski), và Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, tiểu thuyết Nguyễn Văn Thọ) đang bấm máy.

Theo đôi lời úp mở từ người trong nghề thì 2015 sẽ tiếp tục bội thu với Hoa vàng trên cỏ xanh (truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Victor Vũ), Hát (đạo diễn Cường Ngô, tiểu thuyết của Trần Nhã Thụy)...

Trong buổi trò chuyện "Ghiền sách mê phim", nhà báo và nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đưa ra một con số thống kê khá ấn tượng: hơn 1/3 tác phẩm điện ảnh từ trước đến nay được chuyển thể từ tiểu thuyết. Và nếu tính cả các bộ phim lấy cảm hứng hoặc được chuyển thể từ truyện ngắn, kịch, các chất liệu văn chương khác thì thị phần phim chuyển thể chiếm đến 65%.

Tuy nhiên, điện ảnh Việt hiện còn khá ít ỏi phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Lý giải điều này, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng tùy thuộc vào kinh phí và tài năng của các nhà làm phim.

Với các phim vừa liệt kê ở trên, nếu như Trăng nơi đáy giếng Tâm hồn mẹ hoặc được hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, hoặc từ nguồn vốn của Nhà nước, thì Cánh đồng bất tận được xem là cột mốc đánh dấu sự đầu tư nghiêm túc của các hãng phim tư nhân.

BHD, hãng sản xuất phim này, theo dự liệu ban đầu cũng xác định rất rõ đây là dòng phim nghệ thuật, khó ăn khách nhưng phải làm để giữ thương hiệu. Mãi đến 3 năm sau đó, các hãng tư nhân mới bắt đầu rục rịch và ưu ái các phim có kịch bản chuyển thể.

Đường dài và xa

Chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim là quá trình vô cùng phức tạp, đòi hỏi nhiều dụng công của biên kịch và ý tưởng của đạo diễn. Cái khó cho phim nhựa dùng kịch bản chuyển thể là thời gian phát hành trong nước chỉ gói gọn trong 90 phút, buộc các nhà làm phim phải tính toán chi li, cân nhắc kỹ càng, đảm bảo truyền tải đúng, đủ tinh thần tác phẩm.

Ông Lê Hồng Lâm cho rằng: "Một tác phẩm văn học hay chưa thể đảm bảo phim chuyển thể sẽ hút khách. Ngược lại, cũng có những tác phẩm ở mức vừa phải nhưng qua bàn tay tài hoa của đạo diễn, bộ phim sẽ thăng hoa, thậm chí ăn đứt nguyên tác".

Cái khó trong công việc chuyển thể là làm thế nào để phim vẫn giữ được cái lõi của truyện mà không hạn chế sức sáng tạo của đạo diễn, giúp họ làm nên đứa con tinh thần của riêng họ, và làm hài lòng người xem lẫn "cha đẻ” của tác phẩm. Bởi lẽ, khán giả xem phim đa phần đều đã đọc hoặc biết qua tác phẩm văn học nên việc bị so sánh giữa phim và sách là không thể tránh khỏi.

"Dẫu là một tác phẩm được chuyển thể từ sách hay chỉ là sử dụng chất liệu văn học từ một tác phẩm nào đó thì không thể không thừa nhận phim luôn có đời sống độc lập. Đạo diễn làm phim lúc ấy chẳng khác nào một đứa trẻ đang đứng trước một bàn tiệc linh đình các món ăn ngon, muốn đưa những món ngon nhất - những chi tiết đắt giá của sách lên phim. Nhưng dĩ nhiên, anh chỉ có 90 phút hoặc hơn một chút để chuyển tải tất cả những thứ anh cho là ngon nhất ấy. Vậy thì hãy truyền tải cảm hứng, sự hứng khởi mà tinh thần của cuốn sách ấy có đến người xem, chứ không phải là một bản sao chép thô vụng từ cuốn sách", đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ sách đến phim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO