Tranh sơn mài đang trở lại

BÍCH HỒNG| 28/05/2014 09:21

Tranh sơn mài là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc biệt của Việt Nam đã trở thành một dòng tranh sang trọng, phát triển song song với tranh làm từ các chất liệu đến từ phương Tây.

Tranh sơn mài đang trở lại

Tranh sơn mài là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc biệt của Việt Nam, được các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sáng tạo và phát triển từ chất liệu sơn ta vào thập niên 1930, trở thành một dòng tranh sang trọng, phát triển song song với tranh làm từ các chất liệu đến từ phương Tây.

Đọc E-paper

Tấp nập triển lãm tranh sơn mài

Không chỉ các salon nghệ thuật nổi tiếng của Cà phê Trung Nguyên tại Hà Nội mới treo tranh sơn mài. Các trang môi giới nghệ thuật trực tuyến đang nhộn nhịp giới thiệu tranh sơn mài cho thấy một nhu cầu mới về sưu tập mỹ thuật đang nổi lên trong vòng hai năm qua đối với một dòng tranh truyền thống nhưng cách tân về phương pháp thể hiện.

Tranh sơn mài đang được ưa thích. Có thể thấy điều đó nếu quan sát lượng người đến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đông bất thường hồi cuối tháng 3 năm nay để xem triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nhật Bản Ohba Shuji.

Với 30 bức sơn mài về các chủ đề tĩnh vật, phong cảnh, thiếu nữ, họa sĩ Nhật Bản này đã làm người xem kinh ngạc về sự am hiểu khi sử dụng kỹ thuật sơn mài Việt Nam kết hợp với phong cách sáng tác sơn dầu vốn là sở trường của ông.

Trước đó, cuối năm 2013, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), một triển lãm của nhóm "Sơn ta Việt Nam" thu hút sự chú ý trong dư luận về sự phát triển của sơn mài trong giới họa sĩ trẻ. Nhóm quy tụ những họa sĩ vẽ tranh sơn mài tâm huyết, tự nguyện liên kết thành nhóm, sinh hoạt nghề nghiệp, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên.

Triển lãm lần đầu của nhóm có 38 tác phẩm của 38 tác giả, những tác phẩm được làm từ sơn ta thuần khiết. Tuy phong cách và quan điểm nghệ thuật khác nhau, nhưng tất cả đều yêu chất liệu đầy mê hoặc này và họ cố gắng truyền đến người xem sự huyền diệu của sơn mài trong đời sống hiện đại.

Những thành công đặc sắc của danh họa Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kỹ thuật sơn mài lên đỉnh cao qua những tác phẩm nổi bật như Vườn xuân Bắc Trung Nam, Thiếu nữ trong vườn, bức bình phong mang tên Phong cảnh, là bệ đỡ giúp các họa sĩ Việt Nam phát triển và sáng tạo tranh sơn mài.

Hầu hết những tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam đều thử sức với chất liệu sơn mài, thử nghiệm những đề tài mới chứ không để cho đề tài truyền thống bó buộc. Và hiện nay hầu hết những người trình làng tác phẩm sơn mài đều ở độ tuổi khá trẻ, trên 30 tuổi, là một tín hiệu mới. Sự xuất hiện của các họa sĩ trẻ này cũng góp phần tạo ra một lượng người sưu tập mới quay về với sơn mài.

Trào lưu sưu tập mới đã xuất hiện

Tranh sơn mài giá thường khá cao một phần do sự công phu trong các kỹ thuật sử dụng chất liệu, sự biến động bất thường về hiệu quả nghệ thuật. Trong một thời gian dài, chỉ những người rất mê tranh sơn mài mới dám bỏ tiền đầu tư và sưu tập.

Hiện nay, do chất liệu sơn ta dễ gây dị ứng trên da người, nên các họa sĩ đã sử dụng sơn Nhật, giá thành cũng đã rẻ hơn. Sự sang trọng của chất liệu đã đưa tranh sơn mài trở lại vị trí hàng đầu trong trang trí nội thất, được những người lớn tuổi ưa thích.

Tuy chưa xuất hiện hiện tượng đầu tư vào một vài tên tuổi, như hiện tượng từng xảy ra với danh họa Nguyễn Gia Trí thập niên 1960, nhưng tranh sơn mài đã có thị trường ngay trong nước. Nhiều người khi xây dựng biệt thự đã chọn mua tranh sơn mài trang trí tạo phong cách sang trọng cho phòng khách.

Một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam cũng trang trí bằng tranh sơn mài. Người sưu tập thường nghiêng về lựa chọn đề tài hơn là có sự am hiểu về tác giả. Sự gặp nhau giữa khao khát sáng tạo của nhóm "Sơn ta Việt Nam" và lượng người xem triển lãm khá đông đã dấy lên niềm hy vọng cho các tác giả trẻ quyết đeo đuổi chất liệu truyền thống này.

Sự bảo thủ của người sưu tập thiên về phong cảnh cũng là một hạn chế cho giới sáng tác, buộc họa sĩ phải chấp nhận lấy ngắn nuôi dài, dần dần đưa người xem làm quen với các hướng đi mới về biểu hiện. Dù sao, với một vài tên tuổi trẻ, có tranh sơn mài bán được cũng đã là một niềm hy vọng mới cho những người ưa thích chất liệu truyền thống có thể phát triển rất khác biệt với sơn mài Nhật Bản và Trung Quốc vốn chỉ dừng lại ở đồ mỹ nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh sơn mài đang trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO