Trang Thế Hy: 90 năm vẫn sáng

QUÝ YÊN| 21/11/2014 07:17

Trong dòng chảy của đời sống văn học miền Nam, cái tên thân mật chú Tư Sâm dường như đã lùi vào dĩ vãng từ lâu, bởi Trang Thế Hy, như chữ ông dùng là "đi chỗ khác chơi", đã chọn cho mình cái kết yên ổn tuổi già ở quê nhà. Thế nhưng, trong suốt hơn 10 năm không có sáng tác mới của ông, độc giả vẫn chưa bao giờ thôi tìm kiếm.

Trang Thế Hy: 90 năm vẫn sáng

Trong dòng chảy của đời sống văn học miền Nam, cái tên thân mật chú Tư Sâm dường như đã lùi vào dĩ vãng từ lâu, bởi Trang Thế Hy, như chữ ông dùng là "đi chỗ khác chơi", đã chọn cho mình cái kết yên ổn tuổi già ở quê nhà. Thế nhưng, trong suốt hơn 10 năm không có sáng tác mới của ông, độc giả vẫn chưa bao giờ thôi tìm kiếm.

Đọc E-paper

Sáng 12/11, khán phòng NXB Trẻ nhộn nhịp với sự có mặt của rất nhiều thành phần, từ đạo diễn, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đến cả những bạn đọc lớn lẫn trẻ tuổi. Tất cả tề tựu với cùng một đam mê: những trang viết của nhà văn Trang Thế Hy.

Mừng tuổi 90 của nhà văn, NXB Trẻ đã cho in lại 4 tập sách của ông, gồm: Tập thơ Đắng và ngọt cùng 3 tập truyện Mưa ấm, Nợ nước mắt, Tiếng khóc và tiếng hát. Buổi tọa đàm sau khi giới thiệu sách chính là không gian để những hậu bối của làng văn có thể bày tỏ tình cảm với chú Tư Sâm.

Một nghệ sĩ buồn thích đùa

Theo nhà văn Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, những ai quan tâm và hiểu biết về tình hình báo chí, văn học ở Sài Gòn những năm sau khi Hiệp định Genève được ký kết đã thấy tên tuổi Trang Thế Hy hay Văn Phụng Mỹ nổi bật trong dư luận và được công chúng mến mộ.

Tên tuổi của ông sánh ngang cùng Viễn Phương, Sơn Nam hay Lê Vĩnh Hòa... với những trang viết nhẹ nhàng, kín đáo nhưng có khả năng phản ánh hiện thực sâu sắc. Ông chuyên viết truyện ngắn, ký và thành công của ông cũng ở thể loại này. "Văn của ông có duyên, trong trẻo, giàu hình ảnh. Trang Thế Hy được xem là bậc thầy của việc sử dụng phương ngữ Nam bộ, hóm hỉnh và chuẩn mực về liều lượng", nhà văn Lê Quang Trang chia sẻ.

Chính những thế mạnh ấy đã giúp những trang viết của Trang Thế Hy chinh phục được bạn đọc, nhưng không chỉ đơn giản là thỏa mãn nhu cầu đọc. Độc giả Đường Thị Ái Hoa, người đã có nhiều năm theo dõi các sáng tác của Trang Thế Hy kể, cha bà là thầy giáo, nhà nhiều sách nên bà được đọc sớm và sớm tiếp cận các tác phẩm của nhà văn.

Độc giả này cho biết: "Sau 1975, tôi không được đọc Trang Thế Hy nữa nhưng những câu chữ của ông tôi vẫn nhớ hoài. Như câu "Cái gì cũng có thể bán được, trừ niềm tin tưởng trong lòng mình". Những câu văn ấy đã cho tôi sức mạnh theo suốt cả cuộc đời để dù có đối diện với hoàn cảnh nào tôi cũng mạnh mẽ vượt qua...".

Không chỉ ấn tượng với bạn đọc, với những người cùng làng văn chương, Trang Thế Hy còn là người dẫn đường tận tụy.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn thú nhận: "Trang Thế Hy là người thầy lớn nhất của tôi". Hơn 10 năm nay ông không viết thêm nhưng cái tình độc giả dành cho ông vẫn luôn đầy tràn. Có lẽ, trong làng văn, Trang Thế Hy là người viết về nghề văn, nghệ sĩ nhiều nhất. Ông viết như ông sống nên giọng văn tự nhiên, gần gũi và hàm chứa thái độ ứng xử với văn chương đậm nét nhất.

"Có thể gọi Trang Thế Hy là "một nghệ sĩ buồn thích đùa" bởi hàm lượng nỗi buồn đậm đặc trong tác phẩm nhưng điều đặc biệt là đọc nỗi buồn ấy không làm độc giả chán nản mà trái lại, là bài học ứng xử với nỗi buồn. Ông đối mặt với nỗi buồn ở thế thượng phong. Đến lứa tuổi nào đó, người ta sẽ yêu Trang Thế Hy hơn", nhà thơ nhận định.

Tìm lại tác phẩm

Những đóng góp cũng như giá trị văn chương của Trang Thế Hy là đáng ghi nhận nhưng với những người trong nghề, ấn tượng hơn cả chính là lối sống trong trẻo như văn chương của ông. Theo đạo diễn Lê Văn Duy, người đầu tiên và có lẽ duy nhất đã được vinh dự làm bộ phim tài liệu về nhà văn, Trang Thế Hy dù được trân trọng nhưng ông vẫn quyết "đi chỗ khác chơi", chọn lối sống khép kín lúc về chiều, không muốn khoa trương. Ngay cả việc làm phim tài liệu về ông, ông cũng từ chối.

Đạo diễn Lê Văn Duy tiết lộ: "Tôi phải "quyết liệt" mới có được những thước phim như ý. Sau này, ông xin tôi chép lại cho bộ phim ấy để xem vì có lưu lại hình ảnh người vợ quá cố”.

Đồng quan điểm, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc ví Trang Thế Hy như một chàng trai yêu quá khứ Sài Gòn, có chịu ảnh hưởng chút văn hóa Pháp nên thường bận áo sơ mi trắng và đội mũ phớt, chạy xe đạp ra đón khách. Đáng trân trọng là ông không thấy mình "lớn", luôn tự trọng. Tính cách của ông Nam bộ hơn văn chương.

Tuy ở xa Sài Gòn và hiện nay sức khỏe yếu, không tự đi lại được nhưng ông vẫn theo dõi văn đàn từ một nơi xa. "Ở Trang Thế Hy có thể tìm thấy sự thống nhất giữa văn và người. Nhiều người, quan điểm khác nhau nhưng vẫn yêu thích ông, đó là uy tín của một nhà văn", giáo sư Huỳnh Như Phương nhận xét.

Theo giáo sư, sở dĩ văn Trang Thế Hy sang trọng vì ông chăm chú đến chất văn trong trang viết. Ông giải quyết được bài toán chất lượng và số lượng bởi mỗi ngày trung bình chỉ viết được vài dòng. "Nếu Nguyễn Hiến Lê 1 năm ra 2 quyển sách, mỗi ngày viết 3 trang, thì Trang Thế Hy cả đời viết chỉ xuất bản chưa đến 10 quyển", giáo sư chia sẻ.

Ông viết ít nhưng câu chữ trong mỗi trang viết đều rất chỉn chu. "Có đọc bản thảo do chính tác giả cho xem trước mới thấy so với những bản in, lỗi biên tập đã hạn chế văn Trang Thế Hy nhiều. Cách dùng chữ của ông cực kỳ cân nhắc, chính xác, không sai một dấu phẩy. Viết câu dài nhưng luôn sáng tỏ và "đặc sản" trong đó là phương ngữ Nam bộ”, nhà thơ Cao Xuân Sơn thừa nhận.

Vì điều này mà việc sưu tập tác phẩm của tài năng hiếm hoi này được xem là món nợ mà nhà xuất bản phải trả. "Có thể xem Trang Thế Hy là đại thụ của văn học đương đại. Ông có cả thảy khoảng 65 truyện ngắn, 3 tiểu thuyết nhưng hiện nay chỉ mới tìm lại được và in lại 37 truyện ngắn, số còn lại, làng sách sẽ tiếp tục sưu tầm và gửi đến bạn đọc", ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trang Thế Hy: 90 năm vẫn sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO