Tín hiệu vui từ nhạc kịch phong cách Broadway

NHƯ THỦY| 16/07/2016 06:45

Sự xuất hiện của những tác phẩm nhạc kịch theo phong cách Broadway hướng đến khán giả đại chúng đang góp phần tạo ra một xu thế mới cho sân khấu Việt Nam.

Tín hiệu vui từ nhạc kịch phong cách Broadway

Sự xuất hiện của những tác phẩm nhạc kịch theo phong cách Broadway hướng đến khán giả đại chúng đang góp phần tạo ra một xu thế mới cho sân khấu Việt Nam.

Đọc E-paper

Những vở nhạc kịch lớn

Cùng với các vở nhạc kịch - opera như Lá đỏ do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt hàng, Cây sáo thần của Mozart được tái diễn tại Nhà hát TP.HCM, từ đầu năm 2016 đã xuất hiện một số vở nhạc kịch phong cách Broadway như Tấm Cám Musical của Buffalo Theatre Entertainment, Trót yêu của Sân khấu Thế Giới Trẻ... được công chúng chú ý.

Trước Tấm Cám Musical, nhóm kịch Buffalo gồm các thành viên trẻ có đam mê và tâm huyết với nhạc kịch như Nguyễn Khắc Duy, Hoàng Quân... đã dàn dựng thể nghiệm một số vở nhạc kịch nước ngoài như Chicago, Tuyết đỏ, Vũ nữ...

Dàn dựng dựa trên câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Tấm Cám Musical có 15 sáng tác mới có chất kịch, những đoạn đối thoại, chia sẻ tình cảm bằng âm nhạc và đa phần ca khúc được phối khí bởi dàn nhạc giao hưởng kết hợp với các nhạc cụ dân tộc, vũ đạo có sự kết hợp của múa dân gian, đương đại và jazz Broadway hiện đại, trang phục của nhân vật có sự kết hợp độc đáo giữa hoa văn và họa tiết thời Lý - Trần... Được đầu tư lớn và chăm chút nên Tấm Cám Musical đã "cháy vé” khi công diễn ở Nhà hát Bến Thành vào tháng 2 và tháng 3/2016.

Quy mô không hoành tráng bằng Tấm Cám Musical, lại có đề tài hiện đại, song vở Trót yêu cũng khá thành công về mặt doanh thu trong dịp Tết Bính Thân.

Ở thời điểm hiện tại, có nhiều vở nhạc kịch quy mô lớn được khởi động. Đầu tiên là Majorin, cô bé phép thuật do Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Nhạc kịch Shiki (Nhật Bản) hợp tác dàn dựng dưới sự hỗ trợ của Quỹ Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.

Nhạc kịch này đang tuyển diễn viên và dự kiến công diễn vào năm 2018, với mục đích trao đổi văn hóa, giao lưu, hỗ trợ và bồi dưỡng kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ giữa các nghệ sĩ, các chuyên gia dàn dựng và nhà tổ chức của Việt Nam và Nhật Bản.

Vở nhạc kịch đáng chú ý thứ hai là Chuyện tình nàng Giáng Hương do Công ty Hoa Mặt Trời (Sun Flower Media) thực hiện, có kịch bản dựa trên giai thoại Từ Thức gặp tiên nổi tiếng, với đạo diễn sân khấu Stefano Bruno Hovo đến từ Ý và đạo diễn âm nhạc là Phương Nam, dự kiến công diễn vào tháng 10 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).

Một vở nhạc kịch nữa được đầu tư kinh phí 10 tỷ đồng cũng đang tuyển diễn viên là Ben Hur- Trái tim rực lửa của Doan Ba Corporation. Kịch bản của vở này dựa trên tiểu thuyết A tale of Christ của tác giả William Wyler nổi tiếng thế giới, đã được dàn dựng trên sân khấu ở một số nước châu Âu. NSƯT Đoàn Bá - nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - làm tổng đạo diễn cùng với đạo diễn Đoàn Khoa và ba đạo diễn người Mỹ, nhạc sĩ Đức Trí đảm nhận phần viết nhạc và biên đạo Tấn Lộc lo phần vũ đạo. Ben Hur - Trái tim rực lửa sẽ công diễn vào đầu năm 2017.

Sân khấu IDECAF cũng đang ấp ủ đầu tư cho vở nhạc kịch Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, và một số nghệ sĩ như Quốc Bảo, Kiều Oanh, Cát Tường cũng hé lộ ý định đầu tư làm nhạc kịch.

Lựa chọn không dễ dàng

Về lý do đầu tư làm nhạc kịch, NSƯT Đoàn Bá - đạo diễn của nhiều vở cải lương nổi tiếng chia sẻ: "Hiện nay, sân khấu chính thống không phát triển, sân khấu xã hội hóa không đủ lực định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Thế nên, sự xuất hiện của sân khấu mới là tất yếu, và nhạc kịch đang là lựa chọn hợp lý”. Tuy nhiên, những vở nhạc kịch ra mắt thời gian qua chưa được đầu tư về kỹ thuật cho đúng "chất" nhạc kịch, do Việt Nam còn thiếu cơ sở vật chất, công nghệ âm thanh, hình ảnh...

"Tính toán chi phí đầu tư, quyết định lựa chọn công nghệ mới là khó nhất vì ở Việt Nam cái gì cũng thiếu và đắt. Làm người "khơi mào" trào lưu mới cũng có nghĩa là đương đầu với đủ thứ bão táp", bà Trần Nguyễn Thiên Hương - biên kịch, nhà sản xuất của vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương bộc bạch.

Nhà sản xuất của Ben Hur - Trái tim rực lửa thì "bật mí” rằng toàn bộ trang phục, đạo cụ và cả trang thiết bị, công nghệ mới đều phải mua từ nước ngoài mang về để dàn dựng một vở nhạc kịch đúng chuẩn Broadway về kỹ thuật sân khấu hiện đại, chứ không chỉ là những cố gắng về mặt âm nhạc, nhảy múa...

Chuyện tình nàng Giáng Hương chọn Nhà hát Hòa Bình, nơi có không gian sân khấu tương đối rộng, còn Ben Hur - Trái tim rực lửa sẽ được biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Phú Mỹ Hưng (Q.7) bởi nơi này được xây dựng đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được việc thực hiện nhiều kỹ thuật sân khấu hiện đại mà các nhà hát cũ ở TP.HCM không đáp ứng được.

Một khó khăn nữa của việc dàn dựng nhạc kịch là Việt Nam chưa có được đội ngũ chuyên nghiệp về thể loại này, nhất là diễn viên. Bởi bấy lâu nay các trường sân khấu và nghệ thuật chưa có lớp dạy về nhạc kịch. Các diễn viên của Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch hay Nhà hát Tuổi Trẻ chủ yếu được đào tạo về hát opera hay vũ đạo.

Không dễ tìm được những diễn viên có khả năng vừa diễn xuất, vừa ca hát và nhảy múa nên các vở nhạc kịch Cây bàng vuông của Hội Sân khấu TP.HCM và Trót yêu của Sân khấu Thế Giới Trẻ phải thu âm giọng hát để diễn viên "nhép" theo. Do vậy, có cảm giác chỉ là ghép ca hát và nhảy múa vào vở kịch chứ không đúng "chất" nhạc kịch, vì yêu cầu của thể loại này là phải diễn "live" (trực tiếp).

Dù vậy, được biểu diễn trên sân khấu nhạc kịch hoành tráng, lộng lẫy, ấn tượng với không gian, kiến trúc, âm thanh, ánh sáng... đạt chuẩn quốc tế, dưới sự hướng dẫn của những đạo diễn đẳng cấp trong và ngoài nước đang là ước mơ của không ít diễn viên trẻ.

Các cuộc tuyển diễn viên cho Chuyện tình nàng Giáng Hương, Ben Hur- Trái tim rực lửa gần đây đã thu hút rất đông ứng viên có khả năng khá tốt về thanh nhạc, nhảy múa và diễn xuất.

>Kể chuyện Tấm Cám bằng Broadway

>Tom Hanks thử sức với kịch Broadway

>Minh Tiến và những bước tiến dài trên sân khấu kịch nói

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín hiệu vui từ nhạc kịch phong cách Broadway
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO