"Sao" ngoại sáng trời ta

VŨ LONG| 06/02/2010 00:12

Danh sách 18 ca sĩ, nhóm nhạc và diễn viên đến Việt Nam trong năm 2009 khiến nhiều người... giật mình, bởi đây là con số nhiều nhất trong những năm qua.

Danh sách 18 ca sĩ, nhóm nhạc và diễn viên đến Việt Nam trong năm 2009 khiến nhiều người... giật mình, bởi đây là con số nhiều nhất trong những năm qua. Có thể kể đến diễn viên Châu Tấn, thủ lĩnh nhóm Boyzone Ronan Keating, ngôi sao võ thuật Hồng Kông Thành Long, nhóm nhạc SNSD (Girls Generation, Hàn Quốc), nam ca sĩ Son Ho Young (Hàn Quốc), nữ danh ca Australia Lenka...

Chạm vào “sao”

Nhiều nhất vẫn là các nghệ sĩ xứ Hàn hoạt động ở lĩnh vực ca hát và phim ảnh, từ những gương mặt nổi tiếng khắp châu Á đến diễn viên được yêu mến qua những bộ phim quen thuộc. Mục đích đến Việt Nam của các “sao” thì nhiều, từ chụp ảnh, ca hát, quảng bá phim, hay tham gia các chương trình từ thiện/cộng đồng... Hầu hết những chuyến đi đều theo lời mời và tài trợ của các thương hiệu. Cũng có “sao” đến Việt Nam vì việc riêng như nhận con nuôi hay du lịch, nhưng số này ít và họ thường đi âm thầm.

Ronan Keating trong vòng vây người hâm mộ Việt Nam

Ca sĩ thường được tiếp đón xôm tụ hơn cả, vì họ có không ít người hâm mộ ở Việt Nam và các chuyến đi là để biểu diễn hay kết hợp biểu diễn nên dễ gây được thanh thế. Không ít chương trình được đầu tư kỹ lưỡng về sân khấu và chú trọng nội dung cùng chất lượng âm thanh. Với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, các ca sĩ còn khéo léo trong cách giao lưu với “fan” nhằm khuấy động chương trình...

Người hâm mộ có thể xin chữ ký, chụp ảnh, thậm chí được trò chuyện cùng "sao". Đây là điều mà nhiều người nằm mơ cũng không thấy, kể cả có cơ hội sang nước ngoài cũng chưa chắc được gặp “thần tượng” như vậy. Vì vậy, khán giả trong nước có cơ hội hòa cùng dòng chảy âm nhạc thế giới.

Chính nhờ những lần “mắt thấy, tai nghe” ấy mà khán giả Việt Nam không còn ác cảm về “bệnh sao” của những ngôi sao quốc tế bị một số tờ báo lá cải nước ngoài thổi vống lên. “Sao” vừa đáp máy bay đến, dù sắc mặt có mệt mỏi thì vẫn tươi cười, tạo dáng để phóng viên chụp hình, ngồi trên xe còn vẫy tay và cười... Chẳng hiểu họ có biết phần lớn “fan” đón họ ở sân bay với ngập tràn hoa hay tung băng rôn vẫy vẫy là do nhà tổ chức bố trí, nhưng cứ nói về người hâm mộ Việt Nam là họ bày tỏ lòng cảm kích, sự xúc động và ấn tượng khó phai... Nói chung là những lời có cánh khiến người mình nghe mát lòng, mát dạ. Đấy cũng là những điều mà “sao” Việt có thể học tập.

Học theo “sao”

“Sao” gây được thiện cảm nhất chính là trong các chuyến đi từ thiện hay làm công tác xã hội. Không chỉ phát biểu những thông điệp mang nhiều ý nghĩa, họ thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Dĩ nhiên là có kịch bản hay chương trình sắp sẵn, nhưng không thể phủ nhận sự tận tâm, tận tình của họ. Hai lần đến Việt Nam để tham gia các hoạt động từ thiện của tổ chức nhân đạo Operation Smile (Phẫu thuật Nụ cười), diễn viên điện ảnh Thành Long trong chuyến đi năm ngoái đã đến bệnh viện Việt Nam - Cuba thăm hỏi các bệnh nhi và làm nhân viên phụ mổ trong một ca phẫu thuật. Anh chơi đùa cùng trẻ em với ánh mắt trìu mến đầy tình thương và nhanh chóng làm thân với các em dù anh không hiểu tiếng Việt. Chỉ bằng một vài động tác hài hước, anh có thể khiến bệnh nhi đang khóc bật cười.

Trong chuyến đi làm từ thiện của Thành Long có Hoa hậu Mai Phương Thúy, ca sĩ Mỹ Tâm, diễn viên Lý Nhã Kỳ, Minh Tiệp... Ít ra, họ cũng học hỏi được đôi điều bổ ích trong giao tiếp với công chúng, gây dựng hình ảnh và trách nhiệm của nghệ sĩ trong công tác xã hội. Nếu các sao nhà mình, ai nấy đều hiểu đúng mức tầm ảnh hưởng của họ với khán giả thì chắc chắn họ sẽ sống và hoạt động nghề nghiệp có trách nhiệm hơn, đồng thời có những hành động thiết thực hơn...

Sáng cùng "sao"...

Tuy nhiên, một số chương trình biểu diễn bị duyệt cắt bỏ những phần cho là kích động, gợi dục, hở hang... Nhiều người gọi đó là “vòng kim cô” có tên “thuần phong mỹ tục”. Trong khi, với phong cách và tiết mục biểu diễn ấy, nếu dùng trang phục khác hay bỏ qua đoạn diễn đó thì ngôi sao hay chương trình ấy giảm đi khá nhiều ý nghĩa...

Thành Long phụ mổ trong một ca phẫu thuật tại bệnh viện Việt Nam - Cu Ba

Nên chăng, với những chương trình dành cho đối tượng khán giả cụ thể và với mục đích giao lưu nghệ thuật quốc tế, không nên có cái nhìn quá khắt khe. Những nghệ sĩ nước bạn có còn hứng thú và tự nhiên biểu diễn khi chương trình bị cắt bỏ như vậy? Họ nghĩ gì khi trở về nước họ hoặc đến nước khác với ám ảnh về sự xét duyệt quá nghiêm khắc của chúng ta? Và còn ấn tượng về Việt Nam trong mắt họ... Những buổi biểu diễn hầu như không đúng như mong đợi cũng gây cho “fan” Việt không ít thất vọng.

Chưa kể, có chương trình bị hủy bỏ, ca sĩ phải ngậm ngùi về nước, dù mọi việc chuẩn bị đã đâu vào đấy. Đó là live show của ca sĩ nổi tiếng trong bộ phim "Ước mơ vướn tới một ngôi sao". Sau cả năm xin phép và chuẩn bị, khi mọi việc đã sẵn sàng thì ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc này không được phép biểu diễn tại sân vận động vì sợ khán giả đạp hư cỏ. Câu chuyện này còn được nhắc đến như một nỗi buồn khi nói về ca sĩ ngoại đến Việt Nam...

Việc mời “sao” ngoại không còn khó khăn với các nhà tổ chức show, vì có không ít các nhãn hàng lớn sẵn sàng bỏ tiền “tỷ” để mời “sao” sang Việt Nam kết hợp với quảng bá thương hiệu. Một vài ca sĩ, diễn viên châu lục và thế giới cùng “bầu” của họ đã nhắm tới thị trường tiềm năng hơn 80 triệu dân nên còn nhiều những chuyến “thăm” tương tự. Được rất nhiều từ những lần đến ấy, nhưng chỉ cần một vài “chuyện nhỏ” (mà không nhỏ) như đã nói ở trên cũng có thể đánh mất đi ít nhiều hình ảnh Việt Nam trong mắt “sao” ngoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Sao" ngoại sáng trời ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO