Sản xuất phim truyền hình: Khát kịch bản

CUNG KỲ| 07/08/2009 04:56

Hàng trăm tập phim được phát sóng trên các đài truyền hình, trong đó HTV mỗi năm “ngốn” trên 1.000 tập phim, VTV cũng bằng nửa số đó...Vì thế “cơn khát” kịch bản dai dẳng từ lâu giờ lại càng trầm trọng hơn.

Sản xuất phim truyền hình: Khát kịch bản

Hàng trăm tập phim được phát sóng trên các đài truyền hình, trong đó HTV mỗi năm “ngốn” trên 1.000 tập phim, VTV cũng bằng nửa số đó. Chưa kể kênh truyền hình mới VTC9 Let’s Viet đang thực hiện phương châm “mỗi ngày một tập phim Việt”, cùng nhiều kênh truyền hình khác đều có thời lượng đáng kể dành cho phim Việt. Vì thế “cơn khát” kịch bản dai dẳng từ lâu giờ lại càng trầm trọng hơn.

Nhà biên kịch hóa...sao

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn (áo trắng) và đoàn làm phim Nước mắt phương xa

Chưa bao giờ các nhà biên kịch có tên tuổi được săn đón như bây giờ. Ngay cả những tên tuổi mới xuất hiện cũng được các hãng phim ngỏ lời mua kịch bản với giá cao. Các nhà biên kịch ung dung ngồi viết chứ không còn cảnh lo lắng chạy đôn chạy đáo để “quan hệ”. Không bán được cho hãng này thì bán cho hãng khác, trong Nam không mua thì đem ra Bắc, không bán cho nhà nước thì bán cho tư nhân. Thậm chí, có những kịch bản đã được hãng phim nhà nước ngấp nghé mua, đề cương đã được lãnh đạo hãng phim chấp thuận, nhưng nhà biên kịch sẵn sàng rút kịch bản đó để bán cho tư nhân khi có giá cao hơn.

Nhuận bút tăng lên trông thấy, kể cả với các đơn vị nhà nước. Có tác giả viết kịch bản cho Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN (VFC) nhận được thù lao 6 triệu đồng/tập. Đối với những đề tài “nóng” hay một vài cây bút có “thương hiệu”, giá bản quyền còn cao hơn. Các hãng phim tư nhân có thể trả 8 - 10 triệu đồng/tập, tùy vào chất lượng kịch bản và cả tên tuổi người viết.

Tuy nhiên, các hãng phim tư nhân đang phải đối mặt với việc thiếu kịch bản, đúng hơn là thiếu kịch bản hay. Những đơn vị mới bước chân vào làng phim muốn gây dựng tên tuổi nên càng ra sức săn lùng kịch bản có chất lượng cao. Với cơ chế đổi giờ phát sóng lấy quảng cáo của các đài truyền hình hiện nay, việc có được kịch bản “sạch sẽ” là yếu tố tiên quyết để nhà sản xuất tự tin hơn trong việc tìm đối tác quảng cáo.

Trông chờ sự kết hợp "măng và tre"

Những người viết được kịch bản dài tập có thể kể đến là Phạm Thùy Nhân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Châu Thổ (Bích Thủy), Nguyễn Thu Phương... ở phía Nam; Đoàn Trúc Quỳnh, Trịnh Thanh Nhã, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Trí Hùng, Hà Thủy Nguyên, các nhóm Lưỡng Hà Song Thủy, SGR, Sói Con... ở phía Bắc.

Có những tên tuổi mới với những bộ kịch bản khá dày dặn gắn với những bộ phim gây tiếng vang, nhưng dường như họ chỉ xuất hiện một lần rồi biến mất. Điều đó phần nào cho thấy, để viết được những kịch bản “dài hơi” thì không phải ai biết viết đều có thể viết được và viết đều đặn, nhất là những người chỉ quen viết kịch bản điện ảnh.

Cứ mỗi năm, trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TP.HCM lại “ra lò” một khóa biên kịch mới. Ngoài ra, có những biên kịch không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng yêu thích điện ảnh, cũng theo đuổi nghiệp làm phim. Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) mở thêm lớp đào tạo lý luận và biên kịch do Quỹ Ford tài trợ. Tưởng rằng số lượng biên kịch chắc hẳn phải rất đông đảo, nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn than thở “thiếu biên kịch trầm trọng”. Đội ngũ biên kịch ngày càng được bổ sung những tên tuổi mới, nhưng các hãng phim vẫn mỏi mắt đi tìm kịch bản hay.

Có một thực tế là các nhà biên kịch có tên tuổi thường sa vào lối mòn, nhất là khi viết kịch bản về đời sống hiện đại. Các tác giả trẻ có sự nhanh nhạy, tươi trẻ trong cách đặt vấn đề và xây dựng nhân vật nhưng họ còn phải học rất nhiều về kỹ thuật làm phim. Hy vọng cả hai thế hệ này sẽ bổ sung những mặt còn khuyết thiếu, cùng với sự khích lệ từ phía khán giả và sự đầu tư đúng mức của các nhà sản xuất, để viết được những kịch bản hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sản xuất phim truyền hình: Khát kịch bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO