![]() |
Sau thời gian "chỉnh trang" điểm diễn quen thuộc tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, kịch Hồng Vân tái xuất với hai vở kịch có phong cách hoàn toàn trái ngược nhau: Quả tim máu 2 và Đàn bà... mấy tay. Không quá ngạc nhiên khi vở chính kịch của sân khấu này nườm nượp khán giả đến xem bởi nó rất khéo mượn xưa nói nay.
Đọc E-paper
Nếu như Quả tim máu 2 khai thác sở trường của kịch Hồng Vân - kịch kinh dị - điều mà hiếm sân khấu kịch ở Sài Gòn có thể vượt qua, thì Đàn bà... mấy tay lại là một điểm mạnh khác - chính kịch khai thác từ những tác phẩm văn học trong nhà trường, cụ thể là tác phẩm Giông tố của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Ngoại trừ hai vở Chị Dậu, Chí Phèo, dường như bà bầu Hồng Vân rất mê tác phẩm của cụ Vũ. Rất nhiều vở diễn ra đời được duy trì hàng trăm suất diễn bằng phong cách đặc trưng: đậm chất trào phúng, đả kích và cười cợt vào những thối nát của xã hội. Có thể kể đến Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm... và bây giờ là Đàn bà... mấy tay.
Qua sự chấp bút của nhà biên kịch Chu Thơm, ấn tượng đầu tiên Đàn bà... mấy tay mang lại cho khán giả là một vở kịch Bắc cực chuẩn, từ phục trang, không khí vở diễn cho đến cách phát âm, nhả chữ Bắc rặt của dàn diễn viên đa phần là nghệ sĩ miền Nam.
Vốn dĩ, vở diễn này đã trình làng cách đây 2 năm, nhưng Chu Thơm đã dành thời gian sửa sang kịch bản cho phù hợp với lực lượng của sân khấu kịch. Hai vai nữ chính được giao cho hai cái tên nổi bật nhất tại sân khấu kịch Hồng Vân: NSƯT Trịnh Kim Chi và Ốc Thanh Vân. Điều trùng hợp là cả hai nữ nghệ sĩ này đều đang bận rộn với con nhỏ nhưng vẫn dành thời gian tham gia rất nhiệt tình. Họ đã không làm khán giả thất vọng.
Nếu như bà Cả của Trịnh Kim Chi tươm tướp, đanh đá và nhiều mưu mô thâm hiểm, thì Mịch của Ốc Thanh Vân từ một cô gái hiền lành trở thành người đàn bà đáo để, bất cần, toan tính khi biết bị người yêu ruồng rẫy. Vở kịch vì thế không thiếu tiếng cười, song cũng đầy nỗi chua chát, đắng cay.
Giữa muôn vàn toan tính của các nhân vật (cả Tú Anh, khóa Hiền, thằng Vạn, bà Cả...), nghệ sĩ Hồng Vân đã khéo léo thể hiện tính cách và quan điểm của người phụ nữ trong việc xoay chuyển cuộc sống, cách thức thể hiện tình yêu (đoạn thoại giữa Mịch và Long trong vườn mía, ở nhà ông Nghị trên Hà Nội), cái tôi giữa một xã hội phức tạp, trong một gia đình mà cái ác, cái xấu như ung nhọt lớn dần.
Nó làm người ta nhớ đến câu cách ngôn đại ý phụ nữ khi yêu thì rất đắm say, nồng nàn, song khi hận thì cách trả thù của họ thật không thể lường! Chính cách dàn dựng gần gũi quan điểm đời sống hiện đại này khiến vở diễn mang không khí những năm thuộc thế kỷ XX mà vẫn rất hấp dẫn khán giả. Rất nhiều câu thoại khiến người xem phải giật mình thon thót, sao mà đáo để và khéo léo đến thế!
Điểm trừ duy nhất của vở là thoại của nhân vật bà Cả quá nhiều (do tính cách đanh đá của nhân vật) khiến nhiều khán giả chưa quen với kịch Bắc cảm thấy "mệt".
>Biên kịch lãnh…bi kịch
>Bài học thành bại từ nhà biên kịch phim Mad men
>Khi chính khách Mỹ lên sân khấu