Quản lý dịch vụ truyền hình trên Internet

Đinh Hương| 12/03/2023 06:00

Dịch vụ truyền hình trên mạng Internet (OTT TV VOD) đang phát triển mạnh ở Việt Nam, trong đó có nhiều dịch vụ đến từ nước ngoài, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ để ngăn chặn nội dung xấu, độc, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các dịch vụ tương tự.

Quản lý dịch vụ truyền hình trên Internet

Tổng quan về thị trường

Trong hai năm dịch Covid-19, thị trường giải trí trên Internet tại Việt Nam có nhiều khởi sắc. Hiện Việt Nam đang có 38 dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền nội địa (tính đến ngày 31/12/2022) với 5 loại hình dịch vụ truyền hình bao gồm truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet (OTT TV). Trong đó có 24 dịch vụ truyền hình OTT phủ sóng toàn quốc như VieOn, DANET, K+, MyTV, NEThub, VTVGo, TV360... của nhiều tập đoàn, đài truyền hình là Viettel, MobiFone, FPT, VNPT, VTV, SCTV, HTV, Đất Việt... Ngoài ra còn nhiều nền tảng video theo yêu cầu (VOD - video on demand) trực tuyến như Film+, Galaxy Play... cùng một số nền tảng OTT nước ngoài đang có lượng người dùng khá lớn tại Việt Nam, như Netflix, WeTV, IQIYI, iFlix...

Trên thị trường có nhiều loại TV thông minh (smart TV) được cài đặt sẵn một số ứng dụng xem truyền hình trên giao diện trang chủ như Netflix, FPT Play, TV360, AmazonTV, Fim+, YouTube... giúp tăng trải nghiệm, tối ưu hóa nhu cầu thưởng thức và người xem dễ dàng tiếp cận các nội dung theo yêu cầu. 

Theo thống kê của Công ty Decision Lab Việt Nam, có 6 dịch vụ xem OTT TV  phổ biến nhất của Việt Nam gồm FPT Play, K+, MyTV, VTVGo, Viettel TV; Netflix là đại diện nước ngoài và cũng là ứng dụng có sự tăng trưởng mạnh nhất. Trong khi K+, VTVGo, Galaxy Play và VieOn hấp dẫn người dùng bằng nhiều series truyền hình, phim điện ảnh Việt, thì phim châu Á và Âu, Mỹ là lợi thế của FPT và Netflix. Gần đây, Galaxy Play, VieOn, K+ đang tự sản xuất các series phim “độc quyền”. 

Hiện nay, OTT TV chiếm 20% thị phần, đạt xấp xỉ 3,6 triệu thuê bao, với doanh thu gần 190 tỷ đồng và đang tăng trưởng mạnh. OTT TV ngoài các kênh chương trình, còn cung cấp tới 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó phim các loại chiếm 60% thời lượng. Theo thống kê của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, tổng nguồn thu lĩnh vực phát thanh, truyền hình tính đến tháng 12/2022 đạt 15.159 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ phát thanh, truyền hình đạt xấp xỉ 10.200 tỷ đồng. Tới đây, con số còn có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các dịch vụ xuyên biên giới. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của những dịch vụ này cùng với việc nhiều ứng dụng giải trí cài đặt sẵn trên smart TV nhưng chưa được cấp phép đã gây ra nhiều mối lo cho ngành phát thanh, truyền hình trong nước, khi Việt Nam thiếu cơ chế, chưa có hành lang pháp lý để quản lý các nền tảng giải trí đa quốc gia và ngăn chặn những nội dung xấu, độc hại, không phù hợp văn hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả thanh thiếu niên. 

Tăng cường quản lý 

Ngày 31/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Văn bản số 6272 gửi các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất smart TV yêu cầu rà soát tính pháp lý của các ứng dụng xem truyền hình cài đặt sẵn, hoặc đã tích hợp thành phím bấm trên remote để đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. 

Từ ngày 1/1/2023, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet với nội dung là chương trình phát thanh, truyền hình, chương trình tin tức, thời sự, thể thao, giải trí và phim buộc phải có giấy phép cung cấp dịch vụ trả tiền.

Link bài viết

Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam trên cùng một mặt bằng pháp lý như các doanh nghiệp trong nước. Việc này nhằm tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Trong nghị định này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn những dịch vụ bất hợp pháp, tức các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. 

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo thông tư hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình. Như vậy, doanh nghiệp được chủ động biên tập, phân loại nội dung VOD là phim, chương trình thể thao, giải trí khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Theo dự thảo này, các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ nhân sự có nhận thức pháp luật đầy đủ, có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình để biên tập nội dung VOD đáp ứng yêu cầu của pháp luật. 

Sự ra đời của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là một bước tiến, khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp truyền hình trả tiền, sản xuất nội dung trong nước có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính, nhân sự được chủ động thực hiện biên tập nội dung VOD, chủ động sản xuất các chương trình theo thị hiếu, yêu cầu của khán giả Việt để có thể cạnh tranh với các dịch vụ nước ngoài. Trong đó, khắc phục được sự yếu thế về nội dung là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Qua khảo sát, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết nhu cầu nghe, xem của người dùng Việt Nam trên các nền tảng truyền hình trả tiền của Việt Nam chủ yếu là nội dung Việt. Để tạo ra hành lang pháp lý quản lý đủ mạnh thì rất cần đến sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Theo đó, cộng đồng nên ủng hộ những sản phẩm có bản quyền, tẩy chay những dịch vụ không lành mạnh, cùng phát hiện và ngăn chặn kịp thời để những nội dung xấu, độc không được phổ biến đến người xem.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý dịch vụ truyền hình trên Internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO