Phòng trà ca nhạc – Giai điệu của Sài Gòn về đêm

NHẬT HÀ/DNSGCT| 16/07/2013 05:33

Người Sài Gòn đi chơi đêm – chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng đã đủ phản ánh thói quen giải trí của người Sài Gòn.

Phòng trà ca nhạc – Giai điệu của Sài Gòn về đêm

Người Sài Gòn đi chơi đêm – chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng đã đủ phản ánh thói quen giải trí của người Sài Gòn. Thật vậy, không thể tìm ở bất cứ thành phố nào khác, dù lớn hay nhỏ, nhịp sống tấp nập về đêm của người Sài Gòn. Đến đêm, người Sài Gòn mới bắt đầu đổ ra đường đi chơi, đi ăn, và đến phòng trà nghe ca nhạc – “món” rất đặc trưng mà chỉ có thể tìm thấy ở Sài Gòn.

Đọc E-paper

Tìm lối đi riêng

Đúng với cái tên của mình – phòng trà ca nhạc không được xem là một sân khấu chuyên nghiệp, nhưng lại được tổ chức bài bản và sáng đèn thường xuyên hơn nhiều sân khấu ở các thành phố khác.

Cũng chính vì vậy, thói quen đi đến phòng trà đã trở nên tự nhiên với người Sài Gòn, hay các Việt kiều về thăm quê hương. Bất kỳ tối nào trong tuần, bất kỳ thể loại nhạc nào, chỉ cần bạn muốn, phòng trà Sài Gòn sẵn sàng đáp ứng.

Phòng trà ca nhạc vốn dĩ đã tồn tại trong đời sống của người Sài Gòn từ trước ngày 30/4/1975. Các tên tuổi như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu… đều đã từng có một thời gian gắn bó cùng những phòng trà nổi danh lúc bấy giờ.

Bẵng đi một thời gian, đến giữa thập niên 90, đời sống phòng trà đã sống lại trong lòng Sài Gòn. Lúc này, đối tượng khán giả của phòng trà đa phần là giới trí thức, họ đến phòng trà để tìm kiếm thể loại nhạc “tiền chiến” vang bóng một thời được thể hiện bởi những giọng ca đẳng cấp…

Sau đó, cùng với sự phát triển và nở rộ của các phòng trà, đối tượng khán giả và phạm vi hoạt động của các phòng trà cũng ngày càng mở rộng hơn: nhạc xưa có, nhạc trữ tình có, nhạc sang trọng có, đến cả nhạc thị trường cũng không thiếu.

Nhưng cũng vì sự nở rộ ồ ạt thiếu định hướng mà đời sống phòng trà ở thời điểm này cũng nhanh chóng đi đến điểm thoái trào: chương trình được biên tập sơ sài, chắp vá, ca sĩ mải miết chạy show mà không cần đầu tư cho chất lượng tiết mục.

Nhiều phòng trà phải đóng cửa, số còn trụ được đều phải tìm đường đổi mới, phải đào sâu hơn vào phong cách mà mình đã lựa chọn hoặc là đưa ra những chương trình theo chủ đề thay đổi thường xuyên để thu hút khán giả.

Phòng trà ca nhạc Sài Gòn – Bàn tiệc đủ món

Có thể dạo qua một loạt các phòng trà đang hoạt động hiện nay như Không Tên, ATB, Tiếng Xưa, We, Vân’s Unforgettable, Đồng Dao, Ân Nam… Mỗi nơi một thể loại nhạc, một điểm mạnh riêng, đối tượng khán giả hướng đến cũng khác nhau.

Vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân Khắc Triệu trong đêm khai trương Vân’s Unforgettable

Sau một thời gian chật vật tìm cách tồn tại, phòng trà ATB (Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận) của ca sĩ Ánh Tuyết dường như đã có thể hoạt động ổn định trở lại. Vẫn trung thành với dòng nhạc tiền chiến, trữ tình và sức hút của giọng ca chính – bà chủ Ánh Tuyết, ngoài ra ATB còn tập trung đào tạo một đội ngũ ca sĩ trẻ để mang thêm màu sắc và sức hút cho chương trình.

Phòng trà Tiếng Xưa (Cao Thắng, Q.3) lại chuyên về dòng nhạc trước năm 75. Khán giả đến đây phần nhiều cũng vì sức hút của những ca sĩ hải ngoại như Ý Lan, Tuấn Vũ, Elvis Phương, Nhạn Trắng Gò Công Phương Dung…

Vân’s Unforgettable (Phạm Ngọc Thạch, Q.3) là điểm dừng mới nhất của đôi vợ chồng Khắc Triệu – Cẩm Vân sau một thời gian thay đổi, kết hợp song song giữa hai loại hình hát với nhau (dưới nhà) và nhạc sống (trên lầu). Ca sĩ Cẩm Vân tỏ ra là một bà chủ khéo léo khi chị luôn niềm nở giao lưu và tạo được một bầu không khí thoải mái trong các chương trình hát với nhau.

Khán giả đến hát với nhau đa phần cũng là đối tượng khán giả trung niên yêu thích dòng nhạc trữ tình, tuy nhiên, khán giả trẻ cũng có thể tìm được không gian cho mình ở khu vực nhạc sống tầng trên. Ngoài ra, mỗi sáng Chủ nhật ở Vân’s Unforgettable đều có chương trình Jamming (chơi nhạc ngẫu hứng), thu hút được nhiều nhạc công, nghệ sĩ nghiệp dư và chuyên nghiệp, cả Việt Nam và nước ngoài đến tham gia.

Phòng trà Không Tên (Lê Thánh Tôn, Q.1) của vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên lại đánh vào đối tượng khán giả trẻ hơn. Tuy vậy, ở Không Tên cũng vẫn thường xuyên tổ chức những đêm nhạc xưa – trữ tình để Lệ Quyên có đất dụng võ.

Nhạc ở Không Tên khá gần gũi với thị trường và thị hiếu của số đông khán giả trẻ hiện nay, thường xuyên quy tụ các ca sĩ như Tuấn Hưng, Hiền Thục, Maya, Đàm Vĩnh Hưng, Nhật Tinh Anh – Khánh Ngọc…

Đồng Dao (Pasteur, Q.1) được xem là một phòng trà ba đẹp: vị trí đẹp, không gian đẹp, âm nhạc “đẹp”, và cũng đồng thời được biết đến như một phòng trà biết nắm bắt những trào lưu đang nóng sốt trong đời sống âm nhạc. Cũng hướng vào đối tượng khán giả trẻ nhưng kén chọn hơn, ca sĩ ở đây đa phần là các sao như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Hồng Nhung, Mỹ Linh…

Ngoài ra, Đồng Dao cũng rất nhanh nhạy trong việc tổ chức những đêm nhạc cho các nghệ sĩ bỗng dưng nổi như cồn sau các chương trình truyền hình thực tế như Thanh Thúy – Dương Triệu Vũ sau khi đoạt giải chương trình Cặp đôi Hoàn hảo, hay là các ca sĩ được chọn vào đội Mỹ Linh và đội Hồng Nhung ngay khi Vòng Giấu mặt chương trình tuyền hình The Voice còn chưa phát sóng xong.

Phòng trà Ân Nam (Trương Định, Q.3) của vợ chồng ca sĩ Lan Ngọc cũng được khán giả trung niên chú ý đến với dòng nhạc trữ tình và các chương trình chủ đề dành cho các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… Giọng hát dân ca nổi tiếng một thời như Hồng Vân cũng có mặt ở đây bên cạnh các ca sĩ lớn lên và có tên tuổi sau 1975 như Thùy Dương, Vinh Hiển, Khắc Dũng…

Non trẻ hơn là phòng trà We nhưng cũng đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng và vị thế của mình. Có thể nói We là một phòng trà sang trọng, mạnh dạn thể nghiệm nhiều thể loại chương trình khác nhau, từ mini live show cho đến nhạc kịch.

“Sau nhiều thay đổi và thử nghiệm, mình nhận ra không có gì làm cho mình thoải mái hơn là tiếp tục gắn bó với âm nhạc. Ngoài chương trình Hát với nhau, chương trình Nhạc sống mỗi tối và Jamming Session sáng Chủ nhật, ban ngày Vân’s Unforgettable còn là quán café và cơm trưa văn phòng. Nhiều người bảo sao phải làm nhiều để cực như thế. Nhưng giữa cái cực và được làm những gì mình yêu thích, Cẩm Vân sẵn sàng chọn cái còn lại. Rất vui là ở đây mình luôn được gặp gỡ bạn bè, bạn bè cũ cũng có, bạn bè mới quen cũng ngày càng nhiều”, Cẩm Vân chia sẻ.

Là nơi dừng chân của nhiều ca sĩ hải ngoại nhưng cũng có không ít các ca sĩ đến từ Hà Nội cũng thường biểu diễn ở đây khi họ có các show diễn lớn ở thành phố. Ngoài ra, We cũng là bến đỗ cho nhiều ca sĩ trẻ vừa bước ra từ các cuộc thi âm nhạc.

Phòng trà ca nhạc Sài Gòn đã tạm qua rồi cái thời bát nháo, đua nhau mở phòng trà, chỉ cần đến xem một nơi là khán giả đủ biết cả chuỗi xoay tua của các ca sĩ như thế nào.

Phòng trà ca nhạc Sài Gòn bây giờ đã và đang biết cách đầu tư vào phân khúc của mình một cách hiệu quả hơn, phối âm phối khí hay hơn, xây dựng chương trình hấp dẫn hơn. Đây cũng là một điểm đáng mừng cho khán giả, nhất là trong thời buổi các sân khấu chuyên nghiệp còn đang lúng túng với vấn đề thu – chi – tài trợ.

Có thể nói, muốn biết người Sài Gòn hiện nay ăn làm sao, nghe cái gì, sống như thế nào, không thể nào không dạo qua các phòng trà, nơi lưu giữ một phần cái nhịp sống đặc biệt mang tên Sài Gòn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phòng trà ca nhạc – Giai điệu của Sài Gòn về đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO