Những sự ra đi trong làng nhạc số

TRÍ QUYỀN/DNSGCT| 18/01/2016 08:54

Một thống kê cho thấy 60% các nhà hàng phải đóng cửa trong ba năm đầu tiên. Các công ty hoạt động liên quan đến âm nhạc cũng không khá khẩm gì hơn.

Những sự ra đi trong làng nhạc số

Một thống kê cho thấy 60% các nhà hàng phải đóng cửa trong ba năm đầu tiên. Các công ty hoạt động liên quan đến âm nhạc cũng không khá khẩm gì hơn.

Đọc E-paper

Năm 2015, một số dịch vụ đăng ký nghe nhạc, internet radio, website, hãng đĩa được quảng cáo rùm beng khi mới khai trương đã đóng cửa hoặc chuyển nhượng. Một số là những cái tên rất nổi, một số thuộc dạng phải nghiên cứu sâu về nhạc số hoặc các công ty khởi nghiệp mới có thể nhận ra. Tất cả đều được tạo ra để mang âm nhạc đến cho người tiêu dùng theo cách mới mẻ hơn.

Hàng ngàn doanh nhân tìm cách đứng ra giải quyết giùm đủ loại các vấn đề của làng nhạc, thông qua các dịch vụ, công cụ của mình. Một số tạo ra các công cụ giúp cho nghệ sĩ và người kinh doanh nhạc có thể làm việc khéo léo và hiệu quả hơn. Nhiều người khác tìm cách giúp cho người tiêu dùng tìm kiếm và tiếp cận được âm nhạc theo cách họ muốn. Các công ty trong danh sách đóng cửa dưới đây đều chọn hướng đi thứ hai. Họ phải chen chân cạnh tranh trong một thị trường khốc liệt, ồn ào, đầy những ý tưởng kỳ lạ nhất để mang âm nhạc đến với người nghe.

Một thương vụ thành công là tìm được và giải quyết vấn đề thích hợp vào đúng thời điểm bằng một sản phẩm thích đáng và nguồn lực thích ứng. Một số sẽ thành công và trở thành công ty độc lập. Một số thành công và được mua lại. Phần còn lại sẽ chết đi, một cách huy hoàng hoặc không ai để ý đến.

Aurous (Bị kiện và tịch biên)

Có lẽ không có dịch vụ âm nhạc nào bị kiện và chấm dứt hoạt động nhanh bằng Aurous. Người sáng lập Andrew Sampson cho rằng dịch vụ của mình hợp pháp bởi vì chỉ có những đường link đến âm nhạc, từ YouTube, SoundCloud và các bên thứ ba khác chứ không trực tiếp chứa nhạc. Anh tuyên bố sẽ không quan tâm đến các yêu cầu chấm dứt hoạt động. “Chúng tôi không ăn cắp nhạc,” anh nói với tờ Billboard. Có một vấn đề lớn là Aurous hoạt động ở Mỹ chứ không phải từ những chốn xa xôi như Estonia hay Belarus. Hiệp hội ngành công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA) gửi đơn kiện chỉ ba ngày sau khi dịch vụ được tung ra. Không tới hai tháng sau đó, Aurous bị đóng cửa.

Beats Music (Đóng cửa, thương hiệu rút lui)

Apple mua lại Beats Music (khi bỏ 3 tỉ USD để mua Beats Electronics) hồi tháng 5-2014 và gia công lại vài thứ để tung ra Apple Music 13 tháng sau đó. Bỗng nhiên trở thành hàng dư thừa, Beats Music bị đóng cửa vào ngày 30-11. Dịch vụ này có một nền tảng khá hoàn hảo: Dr. Dre và Jimmy Iovine xây dựng nên, Trent Reznor của Nine Inch Nails làm giám đốc sáng tạo. Họ có một đội ngũ biên tập am hiểu âm nhạc và sử dụng công sức của con người chứ không phải thuật toán để lựa chọn nhạc. Nhưng rồi họ vẫn không bắt được tiếng nói của người tiêu dùng và nhiệm vụ tìm kiếm người đăng ký nghe nhạc đã được nhường lại cho Apple Music.

BitShuva Radio (Đóng cửa)

Như người sáng lập Judah Himango mô tả trong trang blog, BitShuva Radio được lập ra để stream nhạc mang tính tôn giáo Chúa cứu thế của người Do Thái, vốn không được phát ở bất cứ nơi nào khác. Himango xây dựng các kênh phát thanh trên app của mình, stream các loại nhạc từ soul Tây Phi cho đến hát đồng ca Cơ đốc Ai Cập. Nhưng sau hai năm loay hoay với BitShuva và kiếm không được bao nhiêu tiền, Himango quyết định đóng cửa công ty.

Bop.fm (Mua lại)

Trưởng thành từ cái nôi của startup Y Combinator năm 2013, Bop.fm muốn kết nối các dịch vụ streaming lại với nhau. Mục tiêu là thống nhất nhiều dịch vụ streaming như dịch vụ nghe nhạc có hỗ trợ quảng cáo từ SoundCloud, YouTube cũng như dịch vụ đăng ký nghe trọn gói hằng tháng như Spotify, Deezer, Rdio và Beats Music. Đây là một nền tảng cho mọi nền tảng, một dịch vụ tổng hợp có thể tìm bài hát trên mọi nền tảng và nghe trực tuyến từ app Bop.fm. Đương nhiên tìm kiếm và streaming không phải lúc nào cũng trơn tru nhưng Bop.fm đã hơi trầm trọng hóa vấn đề. Người dùng có vẻ hài lòng với dịch vụ mà họ đã chọn và tháng 10-2015, Bop.fm công bố họ được công ty dịch vụ an toàn mạng Lifelock mua lại.

BOOMiO (Đóng cửa)

Chia sẻ nhạc là một mô hình kinh doanh khó nhằn. Người dùng có vẻ hài lòng với việc chia sẻ nhạc trên dịch vụ mạng xã hội quen thuộc, qua email hoặc qua blog. BOOMiO có tham vọng trở thành một nền tảng sẻ chia, cho phép người dùng gửi một bài hát trọn vẹn, có đầy đủ bản quyền kèm theo một thông điệp cá nhân. Nhưng BOOMiO không bao giờ trở thành Instagram của âm nhạc được. Dịch vụ này đóng cửa vào tháng 11-2015, chỉ 13 tháng sau lần ra mắt ở hội nghị Re/code’s Code/Mobile. BOOMiO được hứa hẹn sẽ trở lại trong tương lai.

Grooveshark (Bị kiện và tịch biên)

Grooveshark nổi danh vì hoạt động trong “vùng xám,” ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp. Dịch vụ đặt trụ sở ở Florida này có vài hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhạc, hầu hết với các hãng đĩa độc lập và đưa đạo luật quyền sở hữu số thiên niên kỷ (Digital Millennium Copyright Act) che chắn cho mọi thứ nhạc còn lại. Cuối cùng, khuất phục trước vụ kiện vi phạm bản quyền từ Universal Music Group, đối mặt với án phạt lên đến 420 triệu USD, Grooveshark đã đóng cửa, đưa ra lời xin lỗi bắt buộc, xóa hết nhạc của các hãng đĩa trên máy chủ, từ bỏ quyền sở hữu website, ứng dụng điện thoại và sở hữu trí tuệ.

I.R.S. Nashville (Đóng cửa)

Hãng đĩa I.R.S. được hồi sinh ở Nashville khi kết hợp với Caroline Music Group vào năm 2013. Hãng phát hành những loại nhạc mà các hãng đĩa nhạc đồng quê lớn khác không đụng đến. Có đĩa nhạc từ bộ đôi Striking Matches có thêm hương vị dòng Americana khiến cho việc quảng bá trên radio nhạc đồng quê trở nên khó khăn. Có album từ Cowboy Jack Clement, một cây viết và sản xuất nhạc tiếng tăm từng cộng tác với các tên tuổi lừng danh như Johnny Cash cho tới Townes Van Zandt. Cuộc chơi không có kết quả tốt và I.R.S. Nashville đóng cửa vào tháng 12-2015, các nghệ sĩ dưới trướng chuyển sang Capitol Music Group.

Mad Genius (Đóng cửa)

Đôi khi một sản phẩm tốt trong thị trường lớn mạnh vẫn chưa đủ. Mad Genius, thành lập năm 2012 và đóng cửa tháng 8-2015 là một ứng dụng internet radio cho phép người dùng có thể tinh chỉnh kênh nghe nhạc của mình dựa trên gu nhạc riêng. Có hai khía cạnh gây ra vấn đề: Ứng dụng chỉ sử dụng được trên iPad, giới hạn việc nghe nhạc khi đi ra đường; thêm vào đó, Mad Genius chỉ áp dụng kiểu trả tiền thay vì có thêm kiểu miễn phí có giới hạn. Trong một thị trường quá đông đúc, Mad Genius nhận ra cần phải có những món tiền marketing lớn để vượt lên trên và được người dùng biết đến.

Rdio (Phá sản)

Lập ra bởi những người tạo ra Skype, Rdio là dịch vụ đăng ký nghe nhạc trọn gói thuộc dạng có tên tuổi đầu tiên bị phá sản. Được ngợi khen vì thiết kế mượt mà nhưng rồi bị che khuất bởi các đối thủ cạnh tranh, Rdio lỗ mỗi tháng 2 triệu USD và có món nợ lên đến 220 triệu USD. Đóng cửa vào ngày 23-12-2015, thương hiệu Rdio có thể không còn nhưng tinh thần thì vẫn còn đó. Pandora đã vào cuộc, mua lại một số phần tài sản và một bộ phận nhân sự cỡ 100 người để xây dựng dịch vụ cho mình, dự kiến sẽ tung ra cuối năm nay.
Sharebeast (Bị tịch biên)

Tháng 9-2015, những ai ghé thăm Sharebeast.com và Albumjams.com sẽ không thấy danh sách các đường dẫn để download nhạc nữa mà là một thông báo rằng website đã bị tịch biên. Từ tháng 6-2011, Google nhận được 37 ngàn yêu cầu xóa 275 ngàn địa chỉ Sharebeast trong kết quả tìm kiếm của mình. Thật ra con số đó không nhằm nhò gì so với 8,1 triệu địa chỉ được yêu cầu xóa ở site lưu trữ file Chomikuj trong vòng 12 tháng qua, chỉ có điều Chomikuj ở tận Ba Lan nên không hề hấn gì.

Songza (Thương hiệu rút lui)

Songza không thật sự biến mất. Được Google mua lại năm 2014, cách thức thực hiện radio, lựa chọn nhạc nhưng không tương tác với người dùng đã được tích hợp vào Google Play Music. Songza cho phép người nghe lựa chọn những playlist có sẵn cho những thời điểm trong ngày phù hợp, ví dụ thức giấc buổi sáng sẽ mở các bản nhạc acoustic nhẹ nhàng hoặc khi tập thể dục có những bản nhạc dance năng động. Tuy nhiên người dùng chỉ chọn những playlist có sẵn chứ không thêm bớt bài hát được. Sau khi được mua lại một năm rưỡi, Songza website và ứng dụng trên điện thoại ngừng cập nhật.

Soundtracking (Đóng cửa)

Thành công của Instagram khiến vô số ứng dụng tìm cách mô phỏng và áp dụng cho âm nhạc. Soundtracking là một trong số đó và sau khi bộ phận phát triển app này là Schematic Labs bị Rhapsody mua lại, ứng dụng này có hai nhiệm vụ. Nó sẽ có thêm các chức năng mới, tận dụng kho nhạc 30 triệu bài của Rhapsody và ngược lại, hỗ trợ chức năng tìm kiếm, giới thiệu nhạc mới cho Rhapsody. Sau đó 11 tháng, với tuyên bố “tập trung vào Rhapsody là nền tảng duy nhất”, Soundtracking đột ngột bị đóng cửa.

WiMP (Thương hiệu rút lui)

Tidal, dịch vụ đăng ký nghe nhạc của Jay Z khởi đầu như một phiên bản ở Mỹ của WiMP, một dịch vụ ở vùng Scandinavi với 500 ngàn người dùng, được điều hành bởi Aspiro AB. Tidal được giới thiệu ở Mỹ chỉ vài tháng trước khi Jay Z mua lại Aspiro vào tháng 1-2015. Tidal có một năm đầy thăng trầm: Buổi lễ ra mắt kỳ lạ dù có mặt những ngôi sao hàng đầu, hàng loạt lãnh đạo bị thay liên tục và tháng 12, Jeff Toig, gương mặt kỳ cựu trong làng nhạc số, từng làm việc ở Muve Music và Soundcloud, đã được mời về cầm trịch cho Tidal.

Zune (Thương hiệu rút lui)

Lần Microsoft thay đổi dịch vụ nhạc hồi tháng 7-2015 vừa qua gần như được ít người để ý đến. Dịch vụ mới từ tay khổng lồ này có tên là Groove, thay thế cho Xbox Music, dịch vụ trước đó đã thay thế cho Zune năm 2012. Người ta để ý nhiều hơn đến việc Zune đã rút lui hồi cuối năm. Được tung ra năm 2006, Zune là máy nghe nhạc kỹ thuật số, đối trọng của iPod từ Microsoft và có thể kết hợp với dịch vụ đăng ký nghe nhạc Zune Music Pass. Ý tưởng đưa một dịch vụ đăng ký nhạc vào thiết bị di động đã đi trước thời đại hơi xa và gặp nhiều khó khăn. iPhone và các điện thoại thông minh khác mang đến người dùng quyền tự do lựa chọn dịch vụ mình thích với thiết bị mình thích.

>Âm nhạc chưa hàn gắn ngoại giao

>Hồ Ngọc Hà và âm nhạc thời thượng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những sự ra đi trong làng nhạc số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO