Nhạc xưa với ca sĩ thời nay

SONG NGUYỄN| 16/08/2010 05:58

Nhiều ca sĩ chọn nhạc xưa như để đa dạng hóa con đường ca hát của mình, cũng có người hát nhạc xưa như một sự lựa chọn sang trọng. Trào lưu, hay chính xác hơn là phong trào hát nhạc xưa đang là lối thoát khỏi tình thế èo uột?

Nhạc xưa với ca sĩ thời nay

Nhạc xưa là cách gọi những ca khúc tiền chiến hoặc những sáng tác trước 1975 được phép phổ biến. Hàng tuần, thị trường băng đĩa lại có thêm vài album nhạc xưa, gần đây nhất là “Rong rêu” của Quang Minh, “Đừng nói xa nhau” của Cẩm Ly – Quốc Đại, “Anh còn nợ em” của Xuân Phú, “Hoa sứ nhà nàng” của Lương Gia Huy…

Nhiều ca sĩ chọn nhạc xưa như để đa dạng hóa con đường ca hát của mình, cũng có người hát nhạc xưa như một sự lựa chọn sang trọng. Trào lưu, hay chính xác hơn là phong trào hát nhạc xưa đang là lối thoát khỏi tình thế èo uột?

Đàm Vĩnh Hưng và Hồng Ngọc

Trên một diễn đàn âm nhạc, nhiều người đã bắt đầu than về chuyện bội thực: “Gần đây sao thấy nhiều ca sĩ hát nhạc xưa quá, hết Tuấn Hưng lại Hồng Ngọc, cả ca sĩ chuyên trị “nhạc sến” cũng muốn làm sang với nhạc xưa như Quách Tuấn Du với Tình hờ.

Thiết nghĩ, mỗi ca sĩ nên có một lối đi riêng, không nên đua theo ca sĩ khác, thấy người khác hát gì là hát theo. Quanh đi quẩn lại vẫn là những bài Khúc thụy du, Niệm khúc cuối, Rồi mai tôi đưa em, Vết thương cuối cùng

Người hát sau chưa chắc đã hay hoặc độc đáo hơn những tên tuổi đã được đóng dấu với những ca khúc này. Khổ nhất là nghe ca sĩ hát rõ lời, đúng nhịp mà không thấy hồn vía của ca khúc đâu…”.

Mặc ai nói gì, những người trong cuộc đều có vẻ rất tâm đắc với đứa con tinh thần của mình. Tuấn Hưng tâm sự: “Album Nhạc xưa đánh dấu thời điểm tôi đã đủ chín chắn và trải nghiệm để có thể hát đúng chất của những tác phẩm xưa.

Trước đây tôi cũng từng hát nhạc của những tác giả này, nhưng để làm CD thì phải rất cẩn thận và đầu tư kỹ lưỡng. Cái gì nhiều người cùng yêu thích và cùng làm thì nó sẽ trở thành trào lưu”.

Cẩm Ly

Còn Hồng Ngọc phân trần: “Album nhạc xưa gồm những ca khúc mà tôi đã từng hát khi mới vào nghề như Xóm đêm, Mắt lệ cho người, Mưa hồng, Phút cuối… Nó như một kỷ niệm cho riêng mình sau từng đấy năm bước chân vào nghề ca hát. Giọng hát của tôi bây giờ cũng hợp hơn với những ca khúc mang nhiều chất tự sự, mà có lẽ phải có một chút day dứt, chia ly gì đó mới thấm được”.

Ca sĩ Hoài Phương cũng chọn nhạc xưa khi tách khỏi nhóm Mặt trời mới. Chị cho biết: “Tôi nghĩ các ca khúc Bài tình cho giai nhân, Chiếc nhẫn cỏ, Tóc mai sợi vắn sợi dài, Anh còn nợ em… trong album mới đều là những bài hát mà ai cũng thích, dễ nghe và con đường mới cũng an toàn và bớt gian nan hơn”.

Nhưng tâm sự của Ngọc Ánh Idol khiến người ta phải ngạc nhiên: “Thật sự thì mãi tới khi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh đi hát, tôi mới biết đến những ca khúc như Buồn ơi, chào mi, Bâng khuâng chiều nội trú, Cô đơn, Dấu tình sầu, Lá đổ muôn chiều

Cho dù khán giả nhận xét chất giọng tôi khá thích hợp với dòng nhạc xưa, nhưng tôi chỉ ra album để nhắm đến đối tượng khán giả trung niên, chứ không quyết định theo hẳn dòng nhạc này”.

Dòng nhạc xưa vốn dĩ thường gắn liền với định kiến từ phía người nghe, chẳng hạn không ai hát Diễm xưa qua nổi Khánh Ly, Vũ Khanh ca Bâng khuâng chiều nội trú, Khúc thụy du là nhất, hoặc Xin còn gọi tên nhau chỉ có Lệ Thu hát là nghe thấm nhất…

Do vậy, có thể thấy nhạc xưa là thể loại kén người thể hiện. Những ca sĩ ra album nhạc xưa gần đây chạy theo phong trào như một cách chứng tỏ mình cũng có gu và biết hát nhạc xưa, nhưng không phải ai cũng được khán giả công nhận hát nhạc xưa có chất riêng như Đức Tuấn, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Quỳnh Lan...

Xuân Phú

Khán giả rất tinh ý, cho dù có hâm mộ thần tượng đến mấy nhưng thấy ca sĩ hát không hay, không “lọt lỗ tai” thì đành phải nói mấy lời lịch sự, chẳng hạn “Phải công nhận là ca sĩ đã có cố gắng! Cố gắng nhưng đừng để hoài công vì đã hát với sở đoản”.

Ra album nhạc xưa cũng là cách để các ca sĩ phòng trà tự tìm đường ra sân khấu lớn, đánh dấu sự xuất hiện trước đối tượng khán giả bên ngoài phòng trà. Lê Anh, Ngô Hiệp là những trường hợp đã được biết đến sau khi phát hành album đầu tiên, gồm những nhạc phẩm đã đi vào lòng người.

Sự trở lại với nhạc xưa một lần nữa khẳng định giá trị của những ca khúc hay luôn sống mãi với thời gian. Nhưng mặt khác, trào lưu này còn cho thấy các ca sĩ loay hoay trong môi trường âm nhạc đầy rẫy các sáng tác mới nhạt nhòa và nhốn nháo, với hằng hà ca khúc có ca từ như cãi nhau hoặc… nói nhảm!

Ca sĩ muốn kiếm được đủ bài để ra album thì phải sàng lọc hơi lâu, nếu bí quá thì đành “gom đại” những ca khúc nhạc xưa. Album khi được phát hành thì ca sĩ chỉ biết cầu mong nó sẽ được đón nhận, giúp mình khẳng định “đẳng cấp nhạc sang”!

Người người hát nhạc xưa, nhà nhà hát nhạc xưa, nên chuyện ai làm album thì khán giả cũng chẳng hay biết. Khán giả nào tò mò, muốn biết Quách Tuấn Du hát nhạc xưa hay cỡ nào thì lên mạng nghe thử, chứ mấy ai đủ can đảm bỏ tiền mua album.

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhận định: “Một ca sĩ muốn làm mới được nhạc xưa thì cần phải có một tâm hồn sâu sắc như người xưa và một sự cảm thụ của người nay đối với những giá trị bất biến. Tiếc rằng tìm những người như vậy trong giới ca sĩ hiện hơi hiếm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhạc xưa với ca sĩ thời nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO