Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga

ĐÔNG HÀ/DNSGCT| 24/08/2015 09:36

Những người trông coi các tác phẩm hầu hết là phụ nữ cao tuổi, nhiều người là viên chức nhà nước đã nghỉ hưu, và đều rất yêu công việc hiện nay của mình.

Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga

Khi đi tìm vẻ đẹp của những tác phẩm mỹ thuật bất tử tại các bảo tàng mỹ thuật lớn ở nước Nga, phóng viên ảnh báo chí người Mỹ Andy Freeberg bất ngờ khám phá một vẻ đẹp khác từ những phụ nữ cao niên đang làm nhiệm vụ bảo vệ các tác phẩm ấy.

Đọc E-paper

Chào đời ở New York, Andy Freeberg tốt nghiệp Đại học Michigan và trở thành một phóng viên ảnh báo chí chuyên nghiệp, được các tạp chí có uy tín như Rolling Stone, Time, The Village Voice, Fortune và Sports Illustrated mời cộng tác, nhờ vậy anh đã có cơ hội đi khắp thế giới để săn ảnh.

Ảnh của Freeberg còn được triển lãm tại các gallery, tham dự các liên hoan ảnh quốc tế, nhận được sự ca ngợi của các phương tiện truyền thông đại chúng.

Năm 2008, Freeberg đến nước Nga với ý định ghi nhận những đổi thay tại đây kể từ sau chuyến đi đến xứ này của anh vào thập niên 1980.

Thế nhưng, khi tham quan hai bảo tàng mỹ thuật quốc gia của Nga là Bảo tàng Hermitage ở thành phố St Petersburg và Bảo tàng Tretyakov ở thủ đô Moskva – nơi lưu giữ những kho báu mỹ thuật của nước Nga từ thời Nga hoàng cho đến hôm nay, thì ống kính của Freeberg lại hướng vào những người bảo vệ, trông coi các tác phẩm quý giá đang được trưng bày cho khách bốn phương thưởng ngoạn.

Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga doanhnhansaigon
Tắm cho ngựa đỏ của họa sĩ Nga Kuzma Petrov-Vodkin (BT Tretyakov)
Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga doanhnhansaigon
Tự họa của họa sĩ Nga Kazimir Malevich (BT Tretyakov)

Nếu như trong các bảo tàng mỹ thuật ở Mỹ và châu Âu, đội ngũ bảo vệ phần lớn là người trẻ và số đông là nam giới, to khỏe, mặc đồng phục với phù hiệu tề chỉnh thì ở Hermitage và Tretyakov, những người trông coi, canh giữ tác phẩm hầu hết là phụ nữ cao tuổi, nhiều người là viên chức nhà nước đã nghỉ hưu, khi làm việc họ không mặc đồng phục mà ăn vận giản dị, bình thường.

Freeberg được biết mặc dù được trả thù lao ít ỏi, phải ngồi một chỗ nhiều giờ trong ngày nhưng những bà bảo vệ ấy đều rất yêu công việc hiện nay của họ.

Họ tự hào về nền văn hóa lâu đời và phong phú của nước Nga được thể hiện qua các cổ vật, qua các tác phẩm mỹ thuật cổ điển cũng như hiện đại, đồng thời cảm thấy vinh dự khi được trông coi, canh giữ những tài sản trong kho báu nghệ thuật của nước Nga.

Và anh còn kinh ngạc khi thấy những bà bảo vệ ở Hermitage và Tretyakov lại có sự tương đồng và bổ sung cho các tác phẩm mà họ đang canh giữ.

Chẳng hạn, người phụ nữ ngồi gần kề bức tranh Tĩnh vật với khăn trải bàn xanh của Henri Matisse (vẽ năm 1909, Bảo tàng Hermitage) đã mặc một áo len với hoa văn và màu sắc hệt như bảng màu của nhà danh họa đã dùng khi vẽ tác phẩm ấy.

Hay gương mặt và trang phục với màu đen chủ đạo của bà bảo vệ thật hài hòa với nhân vật trong bức Chân dung nữ bá tước von Hildenbandt của Ilya Repin (vẽ năm 1889, Bảo tàng Tretyakov).

Hoặc nét mặt của bà bảo vệ trông rất gần gũi với chân dung Kazimir Malevich trong bức Tự họa của ông (vẽ năm 1908-1911, Bảo tàng Tretyakov)…

Cũng vậy với người bảo vệở bức Chân dung Irene Degas của họa sĩ Nga Nathan Altman (vẽ năm 1927, Bảo tàng Tretyakov). Có thể nói, những bà bảo vệ ấy đã trở thành một phần không thể tách rời của khung cảnh nghệ thuật tại các bảo tàng quốc gia Nga.

Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga doanhnhansaigon
Chân dung Irene Degas của họa sĩ Nga Nathan Altman (BT Tretyakov)
Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga doanhnhansaigon
Chân dung nữ bá tước von Hildenbandt của họa sĩ Nga Ilya Repin (BT Tretyakov)

Nhà nhiếp ảnh cho biết: “Khi quan sát những bà bảo vệ ấy, tôi tìm thấy ở họ sự hấp dẫn cũng tương tự như những tác phẩm mà họ đang canh giữ. Trong khi trò chuyện, họ nói với tôi rằng họ hết sức thích thú khi được sống giữa các tác phẩm mỹ thuật vĩ đại của nước Nga.

Một bà ở Bảo tàng quốc gia Tretyakov bảo vẫn thường đến đây vào ngày không trực, ngồi cạnh một bức tranh để nhớ lại những ngày thơ ấu ở quê nhà.

Một bà khác thì đến đây làm việc ba giờ mỗi ngày, bởi ở nhà thì bà chỉ có mỗi việc ra ngồi ngoài hiên than thở về bệnh tật “như người già vẫn làm thế”.

Bà ấy thích đến bảo tàng để hưởng niềm vui khi thấy người ta xem tác phẩm mỹ thuật và chung quanh là lịch sử của đất nước mình”.

Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga doanhnhansaigon
Tĩnh vật với khăn trải bàn xanh của họa sĩ Pháp Henri Matisse (BT Hermitage)

Khi triển lãm ảnh chụp các bà bảo vệ ở Hermitage và Tretyakov(*), Andy Freeberg đã phóng to ảnh để nhân vật trong ảnh gần bằng người thật, nhằm đem lại cho người xem cảm giác như đang ở tại các bảo tàng. Ngoài bộ ảnh nói trên, anh còn thực hiện nhiều bộ ảnh cũng về chủ đề con người và bảo tàng mỹ thuật.

Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga doanhnhansaigon
Cái chết của Ignes de Castro của họa sĩ Nga Karl Briullov (BT Hermitage)

Bảo tàng Hermitage là một trong những thiết chế mỹ thuật lớn nhất và lâu đời nhất thế giới, được Nữ hoàng Catherine thành lập năm 1764 nhưng đến năm 1852 mới mở cửa cho công chúng vào xem.

Bộ sưu tập của bảo tàng có tới hơn 3 triệu hiện vật – trong đó có rất nhiều bức tranh quý giá – mà chỉ một phần nhỏ trong số đó được trưng bày thường xuyên.

Bảo tàng Tretyakov được thương gia Pavel Mikhailovich Tretyakov xây dựng vào năm 1856 khi ông sở hữu rất nhiều tranh của các họa sĩ Nga.

Năm 1892, Tretyakov tặng cho nước Nga bộ sưu tập hội họa nổi tiếng của ông với khoảng 2.000 tác phẩm.

Theo một thống kê gần đây, hiện bảo tàng lưu giữ hơn 130.000 hiện vật mỹ thuật các loại.

(*) Bộ ảnh đã được in thành sách, được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng mỹ thuật Boston (Massachusetts), Bảo tàng mỹ thuật Houston (Texas), Bảo tàng mỹ thuật Portland (Oregon)

>Tranh Rembrandt giã biệt Bảo tàng Louvre

>Hấp dẫn bảo tàng Dubai

>Bảo tàng kỳ lạ tại Ý

>Bảo tàng Henry Ford: Không chỉ có xe hơi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO