Ngọng tiếng mẹ, nghịu tiếng Tây

MINH KHUÊ| 01/10/2009 07:33

Ca sĩ, nhạc sĩ đang ồ ạt tung ra những ca khúc Tây, ta lẫn lộn. Điểm nhấn nghệ thuật hay sự dễ dãi ca từ?

Ngọng tiếng mẹ, nghịu tiếng Tây

Ca sĩ, nhạc sĩ đang ồ ạt tung ra những ca khúc Tây, ta lẫn lộn. Điểm nhấn nghệ thuật hay sự dễ dãi ca từ?

Tiếng độn, tiếng bồi

Điểm qua các ca khúc dẫn đầu kết quả xếp hạng tuần thứ 3 của tháng 9, công bố ngày 20/9 của Làn sóng xanh (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM) - chương trình bình chọn ca khúc được yêu thích nhất của giới trẻ - khiến khán giả xôn xao hiện nay là hai ca khúc Xin hãy thứ tha (Hồ Ngọc Hà) và Mong quên được em (Nguyễn Hoàng Duy). Điều đáng nói là cả hai ca khúc này đều không thống nhất được ngôn ngữ lời nhạc. Cụ thể như: “Cần thêm bao thời gian để quên được em/ Để tim anh từng đêm thôi không nhớ thêm/ I need somebody/ I need somebody/ I need love” (Mong quên được em).

Những ca khúc lai căng được yêu thích như vậy, nên với ca sĩ trẻ, đây là chọn lựa để họ đến gần hơn khán giả cùng trang lứa. Họ quan niệm, hát đệm tiếng Anh là chuyện bình thường trong thời buổi hội nhập.

Không chỉ ca sĩ trẻ, những tên tuổi ngôi sao hiện nay của làng giải trí Việt cũng đang ra rả hát những bài nhạc nửa nạc, nửa mỡ. Vừa nghe Hồ Quỳnh Hương: "Nhớ anh lắm honey, em nhớ thương anh vô cùng" (Honey - do chính cô ca sĩ này sáng tác), thì Hồ Ngọc Hà tiếp: “... Bao lời yêu thương vội quên đi/ I wish you could take it back/ Bao niềm đau em đã trao/ I wish you could take it back/ Khi tình yêu không còn đắm say/ I wish you could take it back/ Chỉ ước muốn rằng em đừng như lúc xưa...” (Xin hãy thứ tha). Đoạn điệp khúc đã vậy, suốt bài hát nhan nhản những từ tiếng Anh như sorry, oh please.

Có người hát ắt có đội ngũ sáng tác đi theo xu hướng này, những cái tên như N/A, Nguyễn Hoàng Duy... hiện đang giữ kỷ lục cung cấp cho thị trường âm nhạc những ca khúc Tây, ta lẫn lộn này. Điều đáng lo là khi ngôn ngữ không thống nhất, ngữ nghĩa của bài hát cũng thiếu tính lành mạnh. Thử nghe qua bài hát Bikini về câu chuyện của một anh chàng gặp một cô nàng xinh đẹp, mặc áo tắm ở hồ bơi: “Hey bikini, cho anh làm quen em đi... Hey bikini, anh muốn hôn em tức thì... Anh chỉ có chiếc spacy”.

Không chỉ lổn nhổn ở phần ngôn ngữ, những ca khúc dạng này còn làm chỏi tai người nghe bởi cách phát âm trong ngôn ngữ nước ngoài không phải lúc nào cũng phù hợp với giai điệu Việt, nên khi “gắn kết”, chúng tạo nên những từ ngữ... chưa từng xuất hiện trong từ điển. Khán giả có thể đoán: “Phò gẹt mi nót” (Forget me not) hay “àm sò ri, sồ so ri” (I’m sorry, so sorry) nghĩa là gì, nhưng không khỏi thắc mắc, tại sao người sáng tác lại “nhét” những từ có âm không thích hợp với nhạc vào tác phẩm của mình như vậy.

Dân trí tăng, kiểm duyệt giảm?

Nhạc sĩ Lương Bằng Quang, người có ca khúc có dùng từ tiếng Anh đang được yêu thích hiện nay PS anh yêu em thừa nhận, cách anh dùng ngoại ngữ trong sáng tác của mình là tạo điểm nhấn nhỏ, nhằm gây chú ý cho khán giả khi nghe ca khúc. “Những từ tôi dùng luôn là những từ thông dụng, đã quá quen thuộc nên người nghe rất dễ hiểu” - anh khẳng định. Tuy nhiên, nhạc sĩ trẻ này cũng thừa nhận, việc dùng cả cụm từ hay những từ không hợp với tiết tấu của giai điệu sẽ dễ khiến người nghe khó chịu.

Cách đây vài năm, trong một chương trình ca nhạc của đài truyền hình, ca sĩ Đan Trường đã phải đổi bài hát Ly trà xuân bằng một bài hát khác bởi điệp khúc tiếng Anh “Happy, happy new year” của mình có trong bài hát Việt. Đó là cách đài truyền hình hạn chế các tình khúc Tây, ta lẫn lộn truyền bá trong quần chúng. Tuy nhiên, khi truyền hình cáp phát triển, nhiều chương trình giải trí giao khoán cho công ty tư nhân thực hiện, sự xuất hiện các ca khúc lai căng hiện nay trên sóng truyền hình ngày càng dày đặc. Cộng với các chương trình phát thanh, mức độ phổ biến của những bài hát ấy còn đến tận cả những vùng sâu, vùng xa nhất. Dân trí tăng, mọi người đều hiểu tiếng Anh hay sự khắt khe của khán giả lẫn những người đảm nhận công tác kiểm duyệt đã giảm?

Nhận xét về nghịch lý này, nhạc sĩ Nguyễn Cường tỏ ra khá cởi mở: “Đó là cách người trẻ tìm đường riêng cho mình, là cuộc vui của họ”. Tuy nhiên, nhạc sĩ của đất trời Tây Nguyên vẫn cảnh báo, nếu cứ tiếp tục sáng tác theo khuynh hướng này, khi những cái “mới”, cái “vui” ấy qua đi, tinh thần tôn trọng ngôn ngữ bản địa đủ mạnh để đào thải những sáng tác này. Khi đó, những người sáng tác dễ dãi sẽ phải tự xếp xó mớ rác nghệ thuật của chính mình.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngọng tiếng mẹ, nghịu tiếng Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO