Nếu không có kỹ xảo, điện ảnh sẽ ra sao đây?

DƯƠNG THANH VÂN/DNSGCT| 08/04/2013 09:41

Vào ngày Lý An lên nhận giải Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim Cuộc đời của Pi (Life of Pi), thì cũng ngay gần Nhà hát Dolby – nơi diễn ra lễ trao giải Oscar, có khoảng 450 nhân viên kỹ xảo đang tổ chức một cuộc biểu tình lớn.

Nếu không có kỹ xảo, điện ảnh sẽ ra sao đây?

Vào ngày Lý An lên nhận giải Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim Cuộc đời của Pi (Life of Pi), thì cũng ngay gần Nhà hát Dolby – nơi diễn ra lễ trao giải Oscar, có khoảng 450 nhân viên kỹ xảo đang tổ chức một cuộc biểu tình lớn.

Đọc E-paper

>>Khi những công ty kỹ xảo sụp đổ

Phần đông thành viên tham gia cuộc biểu tình này là những nhân viên của Công ty kỹ xảo Rhythm & Hues (gọi tắt là R&H). Những con người này đã góp công lao to lớn cho sự thành công của bộ phim Cuộc đời của Pi, nhưng do nguy cơ về mặt tài chính nên công ty đã quyết định sa thải họ.

Đằng sau những ánh hào quang rực rỡ, là lực lượng nhân viên đoàn phim đã âm thầm đóng góp biết bao công sức, nhưng không mấy ai biết đến họ cũng như cuộc sống của họ như thế nào, nhất là những nhân viên phụ trách kỹ xảo. R&H không phải là công ty kỹ xảo đầu tiên gặp phải nguy cơ như vậy tại Hollywood.

Bộ phim Cuộc đời của Pi tạo nên một huyền thoại về kỹ xảo và nó cũng rất xứng đáng khi đoạt giải Oscar Kỹ xảo xuất sắc nhất, nhưng những nhân viên tạo nên huyền thoại ấy lại đang đối diện với nguy cơ đói rách vì thất nghiệp…

Có thể nói, điện ảnh thương mại đương đại không thể rời khỏi việc sử dụng kỹ xảo. Chỉ đơn giản nhìn vào những tác phẩm tạo nên kỷ lục doanh thu trong thời gian qua như Avatar, Biệt đội siêu anh hùng (The Avengers), Ma trận (Matrix)… đều là những tác phẩm sử dụng một lượng lớn kỹ xảo.

Trong khi điện ảnh Hollywood đang phụ thuộc rất nhiều vào kỹ xảo, thì những công ty kỹ xảo ở Hollywood lại không ăn nên làm ra, chỉ thấy từng công ty một lần lượt bị sụp đổ. Vậy nếu như không còn kỹ xảo nữa, điện ảnh sẽ ra sao đây?

Kỹ xảo có thể làm nên điều gì?

Phần tập trung cần thể hiện nhất trong công việc chế tác kỹ xảo là quay với phông xanh. Diễn viên tiến hành việc diễn xuất, nói lời thoại, sử dụng động tác trong bối cảnh phông màu xanh, và sau khi hoàn thành việc quay phông xanh, thì máy tính rất dễ dàng ghép bối cảnh yêu cầu tương ứng vào.

Những bối cảnh lộng lẫy đẹp ngất ngây sẽ được trình làng với khán giả, mà cả đoàn phim không phải cất công đi tìm bối cảnh thực ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó.

Những bộ phim yêu cầu phải sử dụng thể loại kỹ xảo CG (computer graphic: đồ họa vi tính) là những nhân vật không phải là người trái đất hoặc là những sinh vật hiện hữu.

Những nhân vật CG thời kỳ đầu có thể kể đến người máy T-1000 trong Terminator 2, những chú khủng long trong Jurassic Park; rồi đến ngày nay là Gollum của Lord of the RingsThe Hobbit, người máy trong Đại chiến Robot (Transformers), người ngoài hành tinh có nước da xanh cao gần 3m trong Avatar

Nhưng cũng có những nhân vật là sinh vật tại trái đất nhưng khó lòng có thể hướng dẫn chúng thực hiện động tác theo mong muốn, cho nên kỹ xảo lại cho thấy được tính quan trọng của nó, điển hình như nhân vật chú khỉ Ceasar trong Sự nổi dậy của loài khỉ (Rise of the Planet of the Apes), hay chú hổ Richard Parker trong Cuộc đời của Pi.

Ngoại trừ hai khả năng nói trên, kỹ xảo còn có thể dùng để xử lý hình ảnh theo đa phong cách hóa, với hiệu ứng đặc biệt như tác phẩm 300 hay Sin City với phong cách khá giống truyện tranh.

Còn các nhà làm phim nghệ thuật của châu Âu thì lại đeo đuổi theo những phong cách khác lạ của riêng mình, nhưng để biến hóa được như mong ước thì chắc chắn cũng không thể thoát khỏi kỹ xảo, như bộ phim Cây đời (The Tree of Life) hay Melancholia.

Những thể loại phim khó lòng tách rời với kỹ xảo

Đó là dòng phim khoa học viễn tưởng. Dòng phim này chắc chắn xếp ngôi đầu bảng, những người ngoài hành tinh, sinh vật lạ, người máy… bất kỳ những thứ liên quan đều không thể thoát khỏi sự giúp đỡ của kỹ xảo.

Với dòng phim kỳ ảo (fantasy), về mặt thị giác mà nói, thì nhu cầu đối với kỹ xảo của dòng phim khoa học viễn tưởng và dòng phim kỳ ảo là như nhau, đem đến cho khán giả những thứ gần như không thật sự tồn tại trên thế gian này.

Với dòng phim thiên tai thì những tình huống như cháy nổ, sóng thần, thám hiểm, hiểm họa… trong đời thực đều có thể xảy ra, cũng có không ít tác phẩm tài liệu vĩ đại, nhưng quay một bộ phim điện ảnh thì là một câu chuyện khác.

Bất luận từ độ nguy hiểm của việc quay cảnh thật hay suy xét đến số vốn sản xuất, thì cho dù là cảnh quay thiên tai đơn giản nhất, thì kỹ xảo vẫn là phương pháp an toàn nhất, dễ khống chế nhất và cũng là phương thức ít tốn tiền nhất.

Dòng phim siêu anh hùng chủ yếu được cải biên từ truyện tranh, mà bản thân truyện tranh vốn dĩ dựa vào những hình ảnh khác lạ và câu chuyện đặc biệt để gây thu hút, cho nên điện ảnh cũng phải thực hiện tốt những điều giống như truyện tranh miêu tả, hơn nữa hình ảnh phải chân thật.

Nhờ vào sự tiến bộ vượt bậc của kỹ xảo cũng đã làm nên sự thành công của dòng phim siêu anh hùng trong những năm gần đây.

Nếu như điện ảnh không còn kỹ xảo nữa, chúng ta có thể phải chia tay với ít nhất bốn dòng phim kể trên, hay thậm chí ngay cả cảnh quay bom nổ chiếu chậm vào đầu tác phẩm Oscar The Hurt Locker cũng khó lòng có thể thưởng thức được.

Cũng có người hoài niệm và mong muốn điện ảnh trở về với nét chân thật của nó như tác phẩm phim câm Oscar Nghệ sĩ (The Artist). Nhưng nếu không có sự phát triển của kỹ xảo, thì tính giải trí mà điện ảnh đem lại sẽ gần như không còn bao nhiêu.

Nếu không còn kỹ xảo, thì những bộ phim hái ra tiền sẽ hoàn toàn biến mất. Chỉ đơn giản, nếu như đã xem qua Iron Man, thì còn mấy ai hứng thú với Ultraman?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nếu không có kỹ xảo, điện ảnh sẽ ra sao đây?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO