Một phần hồn của không gian đô thị

KHÁNH VÂN| 28/01/2008 00:48

Công trình kiến trúc chắc chắn sẽ đẹp hơn và không gian đô thị cũng mềm mại hơn khi có các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật...

Một phần hồn của không gian đô thị

Công trình kiến trúc chắc chắn sẽ đẹp hơn và không gian đô thị cũng mềm mại hơn khi có các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Suy nghĩ của các điêu khắc gia và các kiến trúc sư đã “gặp” nhau khi họ nhìn thấy một TP.HCM đang bị tận dụng từng thước đất cho các cao ốc mà thiếu những điểm nhấn tạo dấu ấn riêng.

Nghệ thuật công cộng thổi hồn cho đô thị

Theo ông Lawrie Wilson, người đã tham gia vào việc xét chọn giải thưởng cuộc thi “Ý tưởng thiết kế trung tâm hiện hữu mở rộng TP.HCM”, với tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, các công trình xây dựng ngày càng nhiều, TP.HCM cần nghĩ đến “nghệ thuật công cộng” (NTCC), tạo sự hòa hợp giữa mỹ thuật và kiến trúc trong qui hoạch, thiết kế đô thị để nâng cấp không gian đô thị. NTCC bao gồm tác phẩm điêu khắc, tranh tường, tranh kính hoặc không gian nước, được đặt trong không gian công cộng mà mọi người có thể tiếp cận hoặc trông thấy.

Ông đưa ra vài vị trí: góc đường Lê Lợi - Đồng Khởi có các tòa nhà cao và đẹp, không gian tốt cho NTCC nếu như các tòa nhà đó có khoảng lùi phù hợp; công viên 23/9 đáng có các tác phẩm điêu khắc; công viên Bạch Đằng cũng là nơi cho giới điêu khắc thể hiện NTCC. Trong qui hoạch mở rộng TP.HCM, điêu khắc cũng nên được tham gia từ đầu, phải làm cho các nhà đầu tư coi NTCC là một khoản nên đóng góp cho cộng đồng vì so với công trình lớn thì mảng NTCC có chi phí rất nhỏ.

Tác phẩm “Đồng bào” của Hoàng Tường Minh

Ông Lawrie Wilson cho rằng một thành phố chỉ có những tòa nhà cao tầng thì chưa đủ hướng tới đẳng cấp khu vực hay quốc tế, mà phải nghĩ đến thiết kế đô thị mang đặc trưng nổi bật. Khái niệm thiết kế đô thị dường như chưa quen thuộc ở Việt Nam nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến.

Một khi định hình không gian đô thị hài hòa giữa kiến trúc và NTCC thì đẳng cấp của thành phố sẽ thay đổi trong cái nhìn của người nước ngoài. Nhà đầu tư khi xây dựng các công trình ở một thành phố đẳng cấp khu vực thì họ cũng tự thấy phải làm cho công trình của mình đẹp và hài hòa bằng những tác phẩm NTCC.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận bây giờ mới bàn về thiết kế đô thị cũng có thể coi là muộn khi thế giới đã đi trước quá xa. Hà Nội tự hào sắp tròn 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô, còn TP.HCM được xem là chốn đô hội hơn 300 năm qua, nhưng chưa phải là những đô thị đúng nghĩa. Các công trình xây dựng có giá trị về kiến trúc, về mỹ thuật hầu như đều từ thời Pháp thuộc do người Pháp qui hoạch.

Qua một thời chiến tranh, rồi lo cái ăn, cái mặc, lo phát triển kinh tế nên hầu như chưa ai nghĩ đến thiết kế đô thị. Điều này ở miền Bắc rõ hơn với tư duy làng xã rất nặng. Độ chênh ấy có nguồn gốc lịch sử và nếu không vượt qua nó được thì điêu khắc hay bất kỳ loại hình NTCC nào cũng không đi vào cuộc sống.

Tượng đài từ trước đến nay chủ yếu đáp ứng nhu cầu tâm linh hơn là nghệ thuật. Trong tâm thức người Việt Nam, những gì là biểu tượng đều mang tính tâm linh, yếu tố thẩm mỹ rất ít được quan tâm. Vì vậy khi nhìn một tượng đài nơi công cộng, người ta hay hỏi tượng đó có ý nghĩa gì.

Nếu như ở các nước, tượng đài là một phần của đô thị, nó thể hiện cái đẹp, thì ở Việt Nam, tượng đài biến thành nơi thờ cúng. Vì vậy khi có những tượng cũ, yếu kém về tạo hình, thẩm mỹ, không còn phù hợp với đô thị phát triển, các nhà quản lý đô thị muốn thay đổi cũng e ngại đụng đến tâm linh của con người.

Ông Dương Trung Quốc rất tiếc khi những năm qua, các hội mỹ thuật, hội kiến trúc ở nhiều địa phương và TP.HCM đã có nhiều trại sáng tác điêu khắc, đưa đến cho công chúng thưởng lãm nhiều tác phẩm độc đáo, đạt được cả yêu cầu nhân văn lẫn thẩm mỹ nhưng sau đó những bức tượng lại bị cất đi hoặc chen chúc trong một không gian chật hẹp.

Chính điều đó không chỉ làm giảm giá trị những tác phẩm đã có mà nó còn gây phản cảm cho người xem. Tạo cái nhìn thẩm mỹ cho người dân không gì bằng tác phẩm điêu khắc nói riêng và NTCC nói chung phải được đặt đúng chỗ. Có thực hiện được hay không phụ thuộc rất nhiều vào các nhà quản lý đô thị. Đáng buồn là ngoài thiếu am hiểu, các nhà quản lý còn e ngại trách nhiệm, thậm chí có lý do tác phẩm điêu khắc nghệ thuật là một “dự án” không lớn, tiền đầu tư nhỏ, “lợi ích” không nhiều!

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cho rằng, các điêu khắc gia đã có sự đánh tiếng thì Hội Kiến trúc sư TP.HCM phải là người bạn đồng hành. Ông khẳng định kiến trúc cũng là một lĩnh vực điêu khắc, vì ngoài nghệ thuật hình khối, kiến trúc mang thêm trọng trách nữa là phải có giá trị từ trong ruột nhìn ra, đó là tính công năng bên trong.

Tác phẩm “Cất cánh 2” của Vĩnh Đô

“Trước đây tôi được sự động viên của Hội Kiến trúc sư thực hiện đề tài nghiên cứu về hệ thống vườn tượng cho TP.HCM để có thể chọn những chỗ đúng cho điêu khắc xuất hiện. Kiến trúc cần điêu khắc để tăng thêm giá trị “phần hồn” cho công trình. Nói đến NTCC là nói đến cộng đồng, nói đến cộng đồng là nói đến sự xuất hiện trước công chúng, nói đến sự xuất hiện trước công chúng là nói đến quản lý. Rất tiếc chưa có nhà quản lý tham dự. Họ bận nhiều việc nên có thể họ coi việc này không quan trọng. Vì vậy, các kiến trúc sư ủng hộ các điêu khắc gia bằng cách làm cho những tác phẩm điêu khắc được trưng ra với cộng đồng và thật sự có giá trị đóng góp cho vẻ đẹp của thành phố”, ông Tất nói.

Điêu khắc gia và kiến trúc sư: chờ tiếng nói của chính quyền

Cuộc triển lãm “Nghệ thuật điêu khắc ngoài trời” của giới điêu khắc gia TP.HCM vào cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 đã kết thúc bằng một phiên đấu giá các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thành công, thu được 34.100 USD để giúp đồng bào miền Trung và trẻ mồ côi khuyết tật tại TP.HCM.

Niềm vui lớn thứ hai của họ là được giới kiến trúc sư, các công ty thiết kế, xây dựng, ủng hộ, khuyến khích tạo nên những tác phẩm tham gia vào các công trình kiến trúc cũng như những không gian công cộng của thành phố. Những cá nhân, những đơn vị sở hữu các tác phẩm điêu khắc từ cuộc đấu giá bày tỏ rằng tác phẩm mà họ mua bao nhiêu tiền không quan trọng bằng chúng được đặt vào những vị trí có nhiều người chiêm ngưỡng.

Đó không chỉ là niềm vui của giới điêu khắc mà là niềm vui chung của những người hiểu về nghệ thuật cộng đồng. Các điêu khắc gia từ trước nay không có điều kiện tự bộc lộ, nếu có cơ hội thì sức lực của họ không thiếu. Cái thiếu quan trọng nhất là tính pháp lý để những tác phẩm điêu khắc, dù là của cá nhân hay do nhà nước thực hiện, được phép xuất hiện trước công chúng.

Tác phẩm “Tình yêu vĩnh cửu” của Lương Văn Thạnh

Ông Lê Văn Năm, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM đề nghị các kiến trúc sư và điêu khắc gia nên dốc sức góp ý kiến cho đề cương “Định hướng hệ thống tượng và tượng đài ở TP.HCM” do kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu làm chủ nhiệm nghiên cứu theo “đặt hàng” của UBND TP.HCM, bởi đây sẽ là cơ sở để hình thành khung pháp lý đưa NTCC vào thiết kế đô thị TP.HCM, nhất là khu trung tâm.

Mặt khác, nếu có khung pháp lý rồi thì chi phí xây dựng sẽ như thế nào, các điêu khắc gia và kiến trúc sư phải chủ động tính vì không thể trông chờ vào chính quyền, có thể làm tốt một dự án để chứng minh tính khả thi và đủ sức thuyết phục cộng đồng. Kiến trúc sư Tất chỉ ra một nguồn lực khả thi nữa là từ doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, nhưng phải làm cho người ta hãnh diện khi tham gia vào những chương trình hữu ích, mà điều này cũng lại liên quan đến sự cho phép hay không của các nhà quản lý đô thị.

Điêu khắc gia và kiến trúc sư đã bắt tay nhau, họ đang chờ tiếng nói của chính quyền TP.HCM về sự kết nối giữa qui hoạch và thiết kế đô thị, trong đó sự hiện diện của nghệ thuật điêu khắc là một phần không thể thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một phần hồn của không gian đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO