Luật tác quyền biểu diễn còn nhiều kẽ hở

HOÀNG LINH LAN| 21/08/2014 07:08

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn vào chiều ngày 13/8, nhạc sĩ thẳng thắn bày tỏ quan điểm và trăn trở của ông.

Luật tác quyền biểu diễn còn nhiều kẽ hở

Việc nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), đến tận đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly tại Đà Nẵng, do Công ty Đồng Dao tổ chức vào tối 8/8 để đòi tiền tác quyền đã làm dấy lên hai luồng dư luận trái ngược. Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn vào chiều ngày 13/8, nhạc sĩ thẳng thắn bày tỏ quan điểm và trăn trở của ông.

Đọc E-paper

* Thưa nhạc sĩ, nhiều ngày nay dư luận xôn xao về hành động của ông trong đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly tại Đà Nẵng. Ông cảm thấy thế nào?

- Ai nói gì là tùy quan điểm, góc nhìn của cá nhân họ, nên tôi không có gì phải băn khoăn. Ở tuổi này rồi, tôi tin mình đủ bản lĩnh cũng như đã xác định tâm lý vững vàng để không bị tác động bởi những lời khen chê.

Tôi có thể khẳng định những điều mình nói, vì thứ nhất, tôi đại diện và phục vụ cho lợi ích của hơn ba ngàn tác giả trong nước và hàng ngàn tác giả trên thế giới đã tin cậy và ủy thác cho VCPMC, nên tôi phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với sự ủy thác, tin tưởng đó.

Thứ hai, rộng hơn ở phạm vi luật pháp, tôi thực thi và bảo vệ luật pháp bằng cách ngăn chặn hành vi xâm phạm tác quyền. Mà luật là ý nguyện, lợi ích của cả một cộng đồng, cho nên tôi bảo vệ luật cũng có nghĩa là bảo vệ lợi ích cho cộng đồng.

* Nhưng tại sao ông lại thể hiện sự quyết liệt bằng cách đến tận nơi biểu diễn để đòi tiền tác quyền?

- Chúng tôi đã gởi công văn yêu cầu những người tổ chức chương trình Khánh Ly ở Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều chương trình khác nữa đến VCPMC để thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền cho tác giả các ca khúc được biểu diễn. Thế nhưng, biết bao nhiêu công văn gởi đi mà họ không phản hồi, điện thoại cũng không trả lời. Ngay đêm diễn tại Hà Nội (2/8), chúng tôi đến tận nơi, phía nhà tổ chức đã ký vào biên bản, đồng ý trả tiền tác quyền vào hai ngày sau đó.

Vậy nhưng, đến ngày đó thì họ cử người đại diện đến và cho biết: "Có người trong gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu cầu họ trả tiền tác quyền cho gia đình chứ đừng trả cho VCPMC". Sau đó họ bảo sẽ vào Sài Gòn xác minh lại nguồn tin trên, nhân thể ngày 5/8 sẽ đến VCPMC làm hợp đồng sô diễn tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngày 5/8 họ lại đến cùng một luật sư và đề nghị chỉ trả 1,5 triệu đồng cho một tác phẩm chứ không chấp nhận mức giá chúng tôi đưa ra.

* Phía ban tổ chức chương trình cho rằng tiền tác quyền của đêm diễn khá cao. Ý kiến của ông?

- Không phải chúng tôi muốn thu bao nhiêu thì thu, mà theo luật định. Nghị định 61 của Chính phủ ghi rất rõ, các tổ chức, cá nhân phải trích từ 15 - 21% doanh thu của chương trình để trả cho các tác giả có bài hát được sử dụng trong chương trình đó.

Trên thực tế, chúng tôi chỉ đưa ra định mức hết sức khiêm tốn là 5% vì ngoài nhạc sĩ, người tổ chức biểu diễn còn phải trả cho người phối khí, dàn dựng, múa minh họa, thiết kế sân khấu... Cách tính như vậy là hết sức khoa học, bởi chương trình có quy mô lớn, lãi suất cao thì các tác giả phải được hưởng theo tỷ lệ thuận.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thành lập tháng 4 năm 2002. Tính đến cuối năm 2013, tổng số tiền bản quyền VCPMC thu về là hơn 175,3 tỷ đồng, tức xấp xỉ 8,4 triệu USD.
* Xảy ra sự việc lần này, phải chăng Luật Tác quyền còn quá nhiều kẽ hở, thưa ông?

- Phải nói tôi rất mừng là ở phía Nam không đến nỗi như vậy vì có được sự giám sát khá chặt chẽ của UBND và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM. UBND và Sở chỉ cấp phép biểu diễn cho một cá nhân hoặc tổ chức khi họ đã thực hiện quyền tác giả, còn trả trước hay sau thì tùy từng hợp đồng quy định.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước ở phía Bắc cấp phép biểu diễn cho các tổ chức, cá nhân mà không yêu cầu họ chứng minh đã thực hiện quyền tác giả, kẽ hở chính là ở chỗ đó. Người tổ chức biểu diễn một khi đã được cấp giấy phép rồi thì ngay lập tức tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thực hiện quyền tác giả.

* Nhân sự việc lần này, trên một số diễn đàn và các trang mạng xã hội, một lần nữa, không ít nhạc sĩ lại úp mở việc VCPMC làm việc thiếu minh bạch. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Hệ thống của VCPMC được Tổ chức Bản quyền Thế giới giám sát chặt chẽ. Nếu chúng tôi không chuyên nghiệp thì đã không được kết nạp là thành viên của tổ chức này và hằng năm đều phải qua kiểm tra ráo riết một số tiêu chuẩn chuyên nghiệp.

Khi các tác giả nhận được tiền tác quyền bao giờ cũng có kèm theo giải thích gồm những loại tiền gì, khấu hao làm sao. Tiền tác quyền thu về, đầu tiên chúng tôi phải trừ 10% thuế VAT, tiếp theo đó là phí để duy trì hoạt động của VCPMC. Phí này có thể dao động từ 5 - 25% tùy từng lĩnh vực, chẳng hạn như đĩa hát thì chúng tôi chỉ giữ 5%, còn với các hoạt động biểu diễn, chúng tôi giữ lại 25%. Định mức này cũng đã được thông báo đến các tác giả rồi. Nếu bài hát có người làm nhạc riêng, người viết lời riêng thì sau khi trừ hai khoản trên, chúng tôi phải cắt ra 30% cho người viết lời, rồi trừ thêm 5% thuế thu nhập. Vị chi còn khoảng 42% cho tác giả chỉ làm phần nhạc.

Bất kỳ thắc mắc nào của bất cứ tác giả nào cũng đều được VCPMC giải thích chi tiết, cụ thể. Nhưng vấn đề là họ không chịu hỏi, không chịu nghe giải thích, mà cứ thích nói để thỏa mãn suy nghĩ của họ. Thế nên mình đành phải kiên trì.

* Cảm ơn ông!

>VNG giải quyết “khủng hoảng” bản quyền âm nhạc
>Thu phí tác quyền âm nhạc: Cuộc chiến bắt đầu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật tác quyền biểu diễn còn nhiều kẽ hở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO