Làn gió tươi mới đến với sinh hoạt mỹ thuật Huế

VÕ XUÂN HUY/DNSGCT| 30/11/2012 04:21

Cá gỗ – Bánh vẽ – Thịt rất tươi” là tên gọi triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Kinh Tài tại nhà triển lãm 15 Lê Lợi, TP. Huế từ 24/11 đến 4/12 sau thời gian gần một tháng anh đến sống và vẽ tại đất cố đô.

Làn gió tươi mới đến với sinh hoạt mỹ thuật Huế

“Cá gỗ – Bánh vẽ – Thịt rất tươi” là tên gọi triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Kinh Tài (Do New Space Art Foundation phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phương Nam – Làng nghề Huế tổ chức) tại nhà triển lãm 15 Lê Lợi, TP. Huế từ 24/11 đến 4/12 sau thời gian gần một tháng anh đến sống và vẽ tại đất cố đô.

Đọc E-paper

Cá gỗ 2

Từ TP. Hồ Chí Minh, Lê Kinh Tài đến Huế trong chương trình nhiệm trú sáng tác của N.S.A.F (New Space Art Foundation) ở làng cổ Lại Thế (Phú Thượng, Phú Vang). Đây là lần đầu tiên Lê Kinh Tài triển lãm tại Huế sau mười triển lãm cá nhân và rất nhiều triển lãm nhóm được tổ chức trong, ngoài nước kể từ năm 1997 đến nay.

Và lần này vẫn là cái nhìn giễu nhại, trào lộng riêng có của Lê Kinh Tài, được thể hiện bằng bút pháp Biểu hiện mảng lớn, nét thô nhưng tác giả xoáy sâu về cách nghĩ, cách sống, lối sống ngụy trang của một số tầng lớp xã hội đương đại. Người xem dễ cảm nhận một lối tạo hình nhanh, ào ạt, dứt khoát, không vờn tỉa, tô vẽ chi tiết hay chuyển sắc độ theo lối tiệm biến.

Thay máu 1

Hình tượng trong tranh thường là người – thú có tính nước đôi hoặc con vật, chiếm vị trí nổi trội trên bề mặt tranh. Tác giả cố tình cường điệu, phóng to, thu nhỏ, thay đổi cấu trúc một số chi tiết như răng, mắt, tay, chân… để tạo ấn tượng mạnh, quái lạ, có tính biểu hiện cao.

Phông nền tranh đan cài hình ảnh các đồ vật, thuật toán và vài từ tiếng Anh, tiếng Việt, vừa phụ họa cho chủ đề lại vừa tạo thêm cách đọc – xem tác phẩm. Cấu trúc bề mặt tranh trong hầu hết các tác phẩm đều hết sức phóng khoáng, đan bện nhiều lớp màu dày bởi cách tác giả tạo hình bằng dao và bút vẽ phối hợp.

Màu sắc được pha trộn trực tiếp trên bề mặt tranh, phối hợp phương pháp trừ giữa hai hay nhiều màu pha trộn với nhau hoặc phương pháp pha màu trung bình cộng của các màu nằm cạnh nhau. Hiệu quả màu sắc nhờ vậy mà tươi mới, rực rỡ.

Đặt trong không gian xứ Huế, tranh Lê Kinh Tài càng nổi trội bởi sự khác lạ và thu hút thị giác người xem mạnh mẽ. Bởi lẽ, dường như đã thành quán tính tạo hình, dòng tranh Huế dù vẫn có những ngoại lệ nhưng thường là êm đềm, mang gam màu buồn, rêu phong, cổ kính; đường nét, mảng, khối, nhân vật, cây cỏ, di tích… ẩn hiện mờ ảo trong tranh, đã trở thành quá quen thuộc với người thưởng ngoạn.

Vì thế, triển lãm “Cá gỗ – Bánh vẽ – Thịt rất tươi” của Lê Kinh Tài như làn gió tươi mới làm sinh động thực sự “thời tiết nghệ thuật” tại Huế, điều đó cũng giải thích cho sự thành công của buổi trò chuyện nghệ thuật của tác giả với người xem – đa số là các bạn trẻ – trước giờ khai mạc phòng tranh đã thu hút khá đông khách tham dự.

Lê Kinh Tài tại không gian sáng tác ở làng Lại Thế
Thường ngày tôi vẽ những bức phác thảo có tư duy ngắn, rời rạc, tủn mủn hay viết những ý nghĩ ngắn lan man như là nhật ký khi mọi thứ bên ngoài cuộc sống tự ý nhảy bổ vào tôi. Nhật ký những thứ thu vén được từ sự “nghe” và “nhìn” đôi khi thật vớ vẩn và vụn vặt, và rồi tôi biến những thứ vớ vẩn mà mình nhặt được ấy thành một quy luật tồn tại để cùng đồng hành với mình trên con đường chinh phục lý tưởng nghệ thuật. “Cá gỗ – Bánh vẽ – Thịt rất tươi” cũng được thai nghén như thế trong tôi trong vòng bảy tháng vừa qua.

Những mảnh ghép về tuổi thơ trong tôi sống dậy trong dự án này.

Mẹ tôi sinh năm 1938 và bà thường kể về những ký ức năm 1945. Nạn đói năm ấy như tràn khắp đất Việt và người ta có thể ăn bất kỳ thứ gì có thể cho vào miệng, từ các loại rau củ dại cho đến cả thân cây xương rồng…

Trong bữa ăn của nhiều gia đình những ngày tháng ấy có một con cá bằng gỗ được đặt trên đĩa. Khi ăn, người ta nhìn cá, gắp rau như một cách tự kỷ ám thị cho dễ nuốt, nhưng trên hết vẫn là để giữ sĩ diện, sợ kẻ khác nhòm ngó đến sự nghèo hèn của mình…

Đó là câu chuyện bi thảm nhất tôi từng nghe lúc tuổi thơ. Vậy mà giờ đây, khi thời cơ hàn nhất của đất nước đã qua lâu lắm rồi thì tôi vẫn thấy nhan nhản người dùng cá gỗ, có điều “con cá gỗ” thời nay khác hẳn năm xưa – đó là những chiếc ví hàng hiệu, những chiếc siêu xe, những tòa biệt thự to vật vã (nhưng có thể chủ nhân của nó đang sở hữu hàng núi nợ nần).

Người ta tiêu tốn thật nhiều thời gian và tiền bạc để tìm những chú “cá gỗ” ngon lành hơn kẻ khác. Vâng, chính xác hơn họ đang làm ra và tự ăn những chiếc “bánh vẽ” và “thịt rất tươi” trước mặt không ít người còn gặp đang muôn vàn khó khăn… - LÊ KINH TÀI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làn gió tươi mới đến với sinh hoạt mỹ thuật Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO