Kỳ 1: Người trẻ “kháng thuốc” văn hóa

20/07/2011 03:36

Trong đề thi môn văn đại học năm nay có câu: “Hãy nhận định về vấn đề trước khi làm người nổi tiếng hãy làm người có ích”. một luận đề như vậy đối với các tân sinh viên có phải là đã quá muộn khi họ ở vào lứa tuổi trưởng thành?

Kỳ 1: Người trẻ “kháng thuốc” văn hóa

Trong đề thi môn văn đại học năm nay có câu: “Hãy nhận định về vấn đề trước khi làm người nổi tiếng hãy làm người có ích”. một luận đề như vậy đối với các tân sinh viên có phải là đã quá muộn khi họ ở vào lứa tuổi trưởng thành?

“Thảm họa” đến từ người đẹp

Khoảng hai năm nay, trên báo mạng, lượng tin lá cải ngày một tăng. Mỗi ngày có khoảng chục tin “lộ hàng”, dăm tin ngôi sao đi cùng “trai lạ, gái lạ”, vài ba tin ca sĩ là người thứ ba bày tỏ nỗi uất ức vì không phá được gia can hai ngôi sao khác.

Những nhân vật đã lùi vào quá khứ rất lâu rồi, không thể làm cách nào nổi lên được nữa thì dùng blog để nói xấu những người đang nổi tiếng nhằm... gây chú ý.

Phi Thanh Vân và Lê Kiều Như - những thảm họa Vpop năm 2010

Nếu như trước đây một ca sĩ thuộc hàng diva có dự án âm nhạc, công ty tài trợ phải tổ chức nhiều cuộc họp báo, bỏ nhiều tiền ra quảng cáo dự án đó trên các phương tiện truyền thông, thì hôm nay ca sĩ hàng trung bình, hoặc dưới trung bình chỉ cần lỡ... “lộ hàng”, đánh nhau, hoặc cần thì phát ngôn gây sốc là được xuất hiện dài dài không chỉ trên báo mạng.

Sự suy đồi trong văn hóa đã lộ diện hoàn toàn. Khán giả phim truyền hình được thưởng thức những bộ phim... nhạt như nước ốc, toàn thấy hoa hậu và người đẹp đi lại nhố nhăng, người mẫu cởi hết quần áo nhân danh bảo vệ môi trường.

Vì khỏa thân thì không ai ủng hộ, nên nhiều nghệ sĩ chọn “tai nạn” tụt váy áo, hoặc tham gia cuộc đua y phục biểu diễn “mỏng hơn, ngắn hơn và trong suốt” xem ai luôn được khán giả nhớ đến.

Gần đây còn có thêm chân dài hát tạo nên thảm họa V-pop. Thảm họa văn hóa đã đến với ngổn ngang là rác, bất ngờ vì ở đâu cũng có rác. Trong chương trình “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên” vừa qua, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ đã “phơi” nguyên vòng một.

Trong một đêm ca nhạc kỷ niệm sự nghiệp 60 năm sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại Hội An hồi cuối tháng 6, sau khi lão nghệ sĩ tâm sự phản ứng đối với thảm họa âm nhạc thị trường thì một cô ca sĩ không còn trẻ ra biểu diễn các ca khúc cách mạng của ông với một cái váy... trong suốt và ngắn cũn cỡn!

Thảm họa y phục biểu diễn trên sân khấu thường bất ngờ như thế nên chẳng ai xử lý kịp, đến lúc được phỏng vấn, các người đẹp còn lớn tiếng khoe của: “Tại vòng một của em lớn nên mới... lộ! Sao lúc duyệt chẳng thấy ai có trách nhiệm nói gì?”.

Ngộ độc vì danh và tiền

Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, mới đây lên án quyết liệt chuyện nhà nhà quay lưng với văn hóa thông qua hiện tượng rất ít thí sinh thi đại học chọn khối xã hội. Từ câu chuyện gia đình lựa chọn con đường phát triển đã thấy một xã hội tự rời bỏ nền tảng văn hóa để theo đuổi danh lợi.

Sự ngộ độc đã đưa ra những ca khá điển hình trong hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện nay. Nhà quản lý sẵn sàng cho phát sóng phim chất lượng kém để thu quảng cáo.

Báo mạng tăng lượng tin lá cải về các “ngôi sao” để câu người đọc, chê bai các thảm họa âm nhạc nhưng lại cung cấp đường dẫn để vào xem clip nhạc thảm họa khiến số người truy cập những trang này tăng vọt.

Các sân khấu bám vào chuyện hở hang và các người đẹp có xì-căng-đan để bán vé. Nhà xuất bản bán giấy phép in dâm thư. Cả một guồng máy tự cấp phép cho cái danh lợi bất chính phát triển lấn át thay vì tạo đất cho bầu không khí văn hóa lành mạnh.

Mặc dù kỹ thuật số đã tiếp tay cho cái xấu truyền đi nhanh chóng, nhưng nếu guồng máy chính thống không “xen vào” theo cách “vừa được ăn vừa được nói” thì thảm họa ấy cũng không thể hiện diện thoải mái trong đời sống xã hội.

Chúng ta đã thấy chuyện tung ảnh nóng, “lộ hàng” không còn độc quyền của nghệ sĩ, mà các chàng trai, cô gái hiện đại, thậm chí cả sinh viên, học sinh cấp ba cũng tung ảnh hở hang lên mạng để tạo “tiếng tăm” với nhiều mục đích khác nhau.

Đáng lo ngại là những phát ngôn không chuẩn mực, đảo lộn các giá trị sống tràn lan ở người nổi tiếng đã đầu độc bầu không khí văn hóa của giới trẻ.

Nhiều hành vi, lối sống không tốt nhưng cứ lan tràn dần trở nên quen thuộc, thành thói quen và chúng ta chắc chắn không khỏi rùng mình khi nghĩ đến tương lai những thảm hại văn hóa hôm nay sẽ trở thành bình thường. Một thế hệ trẻ không được xã hội chăm sóc ngay từ đầu về văn hóa, sẽ không thể đủ nghị lực để vượt qua những cám dỗ.

Có một sinh viên kể rằng, mỗi ngày mở máy tính, em đã cân nhắc vài giây trước khi nhấp chuột vào một tít báo, cố gắng tự “chiến đấu” với bản thân để không vào xem các tít giật gân về các ngôi sao và người nổi tiếng.

Nữ sinh viên này sớm nhận thức mình nhiễm bệnh mê xem tin lá cải và cố tự chữa bệnh. Nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm những người trẻ tuổi sống nhiều với thế giới mạng tự có ý thức như thế?

Kỳ 2: Những giá trị nghệ thuật mới đứng giữa hai làn đạn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ 1: Người trẻ “kháng thuốc” văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO