Kinh đô Gốm

BÍCH HỒNG| 29/05/2010 09:05

Cố đô Huế có một “con đường” nghệ thuật đặc biệt, nơi chỉ có một ngôn ngữ duy nhất: gốm, tự cổ chí kim. Nơi đây có sự hiện diện gốm cổ vài nghìn năm của người Sa Huỳnh, gốm ngót nghét bảy tám trăm năm của người Chăm, gốm men trắng vẽ lam của Trung Hoa...

Kinh đô Gốm

Cố đô Huế có một “con đường” nghệ thuật đặc biệt, nơi chỉ có một ngôn ngữ duy nhất: gốm, tự cổ chí kim. Nơi đây có sự hiện diện gốm cổ vài nghìn năm của người Sa Huỳnh, gốm ngót nghét bảy tám trăm năm của người Chăm, gốm men trắng vẽ lam của Trung Hoa...

Đây cũng là nơi có thể tìm thấy đỉnh cao của gốm thuần Việt, gốm sứ Chu Đậu. Ở đây, gốm tung hoành trong các khu vườn, trong những biệt phủ Huế thời hiện đại. Nhiều du khách đã dành trọn vẹn chuyến đến Huế chỉ để chiêm ngưỡng đồ gốm...

Một trong những bộ sưu tập lớn nhất về gốm có thể tái tạo luôn cả lịch sử của cố đô Huế là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, nằm trong khu vực Đại Nội, với bộ sưu tập cung đình 3.700 món đồ gốm sứ, mà tiền thân là Musée Khải Định (thành lập năm 1923). Ở đây có 700 hiện vật gốm men ngọc Lý - Trần, Mạc, Lê - Trịnh.

Những đồ gốm quý này, các chuyên gia đang hồ nghi là lưu lạc về Huế qua cuộc trường chinh của nhà Tây Sơn ra đất Bắc. Gốm sứ men trắng vẽ lam thời Minh - Thanh với tên gọi Thanh Hoa Từ, gốm sứ Pháp. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế là nơi lưu trữ những hiện vật đầy đủ và đẹp nhất về gốm triều Nguyễn, trong đó có khá nhiều hiện vật khổ lớn ghi rõ xuất xứ và niên hiệu sản xuất.

Đại nội và các lăng tẩm vua nhà Nguyễn có nhiều tác phẩm nghệ thuật gốm trong kiến trúc và trang trí. Những bức phù điêu với các đề tài dân dã trang trí các đầu đao, cổ diềm, lá mái, mà điện Ngưng Hy trong lăng Đồng Khánh là một điển hình.

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế tạo cho du khách một niềm cảm hứng mạnh mẽ khi hiểu thêm về những cuộc giao thương của cha ông, hoặc tìm về những trang sử khuất lấp của người Sa Huỳnh cổ, qua những bộ sưu tập gốm nổi tiếng, như cổ vật dưới đáy sông Hương của cụ Hồ Tấn Phan, với hàng nghìn hiện vật tiêu biểu của Sa Huỳnh, Chămpa, Chu Đậu.

Các hiện vật gốm tiền Sa Huỳnh của ông Phan có niên đại từ 2.400 đến 3.000 năm, đặt trên những tảng san hô hóa thạch, như một chứng nhận của thời gian. Bên cạnh đó là gốm Đông Sơn và hàng nghìn tiêu bản gốm Chămpa - chứng nhân của một thời vương quốc miền Bắc Indrapura cực thịnh. Rồi gốm Đại Việt làm sống dậy hình ảnh những thế hệ lưu dân Việt từ thời Lý - Trần - Lê bao lần Nam tiến tìm miền đất hứa.

Ông Hồ Tấn Phan có cả một khu vườn để trưng bày gốm, và du khách có thể thoải mái dạo chơi, ngắm từng tiêu bản với sự giải thích cặn kẽ của chủ nhân. Tuy nhiên ông không bao giờ bán đi bất cứ hiện vật nào.

"Biệt thự gốm" trên đồi Thiên An

Nếu muốn sưu tầm đồ gốm, du khách nên tìm đến hai địa điểm. Điểm thứ nhất là chợ đồ cổ nằm trên đường Trần Hưng Đạo dọc sông Hương. Ở đó có rất nhiều đồ gốm được mò vớt dưới đáy sông Hương, cả những thứ giá trị cao như gốm Chu Đậu, gốm đời nhà Lê, Nguyễn, gốm sứ đời Minh, Thanh (Trung Quốc).

Du khách có thể thỏa đam mê với những chén, dĩa, độc bình trưng bày nơi đây. Điểm đến thứ hai là ngôi làng cổ 500 năm tuổi mang tên làng gốm Phước Tích, nằm ở huyện Phong Điền, nơi giữ gần như nguyên vẹn nề nếp ngôi làng xứ Huế. Con sông Ô Lâu xanh mướt ôm trọn những cây đa, những miếu mạo và vườn Huế. Hàng chục ngôi nhà cổ nằm im lìm trong những vườn cũ. Cuối làng, những lò gốm cổ vừa được phục chế ngày đêm nhả khói để làm ra những sản phẩm gốm mỹ thuật phục vụ du lịch.

Cảm xúc sẽ trọn vẹn hơn khi du khách đến các tòa biệt phủ xây dựng trên đồi Thiên An, nơi một số họa sĩ đưa gốm vào trình diễn trong kiến trúc trang trí. Trong biệt phủ trên một ngọn đồi ở khu vực này, gốm ở khắp nơi, trên mặt tường, nóc nhà, dưới thửa ruộng nhỏ, giếng nước, kể cả ngôi mộ tổ tiên cũng có những phù điêu gốm trang trí. Vô số mặt nạ gốm, tranh gốm sứ, đèn gốm đem lại những vẻ đẹp nhỏ, cái này không lấn át cái kia.

Tất cả những chi tiết ấy tạo thành một ngôi biệt thự gốm tuyệt đẹp, ấm cúng và hiếu khách. Chủ nhân của biệt phủ là họa sĩ Huy Đức cho biết, phần lớn những tác phẩm này được làm bởi bàn tay nghệ nhân gốm làng Phước Tích. Khu vườn ấy, ngôi nhà ấy và cả vùng đồi thấp này đầy những ý tưởng nghệ thuật được hấp thụ những tinh hoa của nghệ thuật gốm hàng trăm năm, từ bốn phương tụ hội về chốn kinh đô...

FESTIVAL HUẾ 2010: Đại tiệc lễ hội và nghệ thuật dân tộc

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 sẽ khai mạc vào ngày thứ Bảy 5/6, kéo dài trong 9 ngày, bế mạc vào Chủ nhật 13/6. Đây sẽ là một đại tiệc nghệ thuật chưa từng có tại khu vực Đông Nam Á, với những đêm biểu diễn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục, là nơi gặp gỡ của các thành phố vốn là cố đô, các thành phố có di sản thế giới.
Tham dự Festival có 40 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật của 31 quốc gia, với nhiều thể loại gồm: Ca múa nhạc, xiếc, sân khấu, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, rối, điện ảnh, triển lãm...

Festival Huế 2010 tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống, gồm: Lễ khai mạc, Lễ bế mạc, Lễ hội Áo dài, chương trình “Đêm Phương Đông”, chương trình Vẻ đẹp Việt II với tên gọi “Đồng Vọng Sông Ngân”, Lễ Tế Nam Giao, Đêm Hoàng cung, Huyền thoại sông Hương. Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ, sẽ có các lễ hội mới: Sân khấu hóa “Hành trình mở cõi”, tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thủy binh thời Nguyễn”.

Ngoài ra còn có các chương trình festival dành cho thiếu nhi, festival Thơ Huế, các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật có tính cộng đồng; các cuộc triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh; các hoạt động thể dục thể thao... Đặc biệt, ngày hội ẩm thực “món chay xứ Huế” cũng sẽ diễn ra trong suốt thời gian 9 ngày của lễ hội.

Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất cố đô, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai...


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh đô Gốm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO