Khi Việt kiều tham gia thị trường phim

ĐINH HƯƠNG| 10/05/2012 00:25

Ba năm trở lại đây, không chỉ đóng góp nhiều tác phẩm điện ảnh, các đạo diễn và nhà sản xuất phim Việt kiều còn mang đến sự cạnh tranh mới cho thị trường điện ảnh Việt Nam.

Khi Việt kiều tham gia thị trường phim

Ba năm trở lại đây, không chỉ đóng góp nhiều tác phẩm điện ảnh, các đạo diễn và nhà sản xuất phim Việt kiều còn mang đến sự cạnh tranh mới cho thị trường điện ảnh Việt Nam.

Đọc E-paper

Nội lực

Cảnh trong phim Cưới ngay kẻo lỡ

Kể từ khi các đạo diễn Việt kiều đầu tiên về nước làm phim như Trần Anh Hùng, Lưu Huỳnh, Hồ Quang Minh, đến nay đội ngũ đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt kiều đã tăng lên khá đông, trở thành lực lượng không nhỏ tham gia thị trường điện ảnh Việt Nam.

Trong vòng ba năm nay, những hãng phim đã và đang có dự án phim mới thuộc hàng “bom tấn”, phim tạo ra sự “đột phá” cho điện ảnh Việt, đều có sự tham gia của các đạo diễn, nhà sản xuất Việt kiều, như Chánh Phương (của đạo diễn Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm...), Early Risers Media Group (của Dustin Nguyễn, Vincent Ngô), Wonder Boy Entertainment (của diễn viên Trần Bảo Sơn), Saiga Films (của Victor Vũ và một êkíp Việt kiều), Coco Paris LLC (của đạo diễn Lê Văn Kiệt và nhà sản xuất Trần Dần); We Entertainment (của đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa)...

Hầu hết các đạo diễn, nhà sản xuất Việt kiều đều là những người trở về từ nền điện ảnh chuyên nghiệp. Ví như: Victo Vũ tốt nghiệp Đại học Loyola Marymount (Califonia), Charlie Nguyễn và Lê Văn Kiệt tốt nghiệp Khoa Điện ảnh - Truyền hình Đại học UCLA, Nguyễn Trọng Khoa tốt nghiệp thạc sĩ Khoa Điện ảnh và Truyền hình tại USC, Jimmy Nghiêm Phạm tốt nghiệp Điện ảnh Trường Đại học Nam California, Cường Ngô tốt nghiệp ngành đạo diễn tại Trường Đại học York (Canada)...

Trước khi về Việt Nam làm phim, họ đều có phim ngắn, phim đầu tay gây được sự chú ý trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, hoặc ở các liên hoan phim quốc tế dành cho phim độc lập. Được đào tạo bài bản, có thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, có ê-kip chuyên nghiệp và có kinh phí đầu tư, tiếp thị và quảng cáo, nên hầu hết phim của Việt kiều đều gây được ấn tượng khá tốt với khán giả.

Cảnh trong phim Cô dâu đại chiến

Thời gian gần đây, một số đạo diễn Việt kiều có tác phẩm ít nhiều gặt hái được thành công về nghệ thuật, về doanh thu hay giải thưởng, mang lại những “cú hích” hay sự thể nghiệm mới mẻ cho điện ảnh Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến Charlie Nguyễn - người được mệnh danh là “Đạo diễn triệu đô”.

Năm 2007, Charlie Nguyễn và ê kíp làm phim của Hãng Chánh Phương đã tạo được một “cú hích” cho phim Việt với Dòng máu anh hùng - tác phẩm đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam của họ. Vào mùa Hè 2010, Charlie Nguyễn lại được chú ý với phim Để Mai tính.

Năm ngoái, phim Long Ruồi thể loại hài hước - tình cảm có pha trinh thám, hành động của Charlie Nguyễn đã thu hơn 2 triệu USD tiền vé. Và tháng 4 này, Charlie Nguyễn đang được chờ đón với bộ phim Cưới ngay kẻo lỡ.

Sinh năm 1975, Victor Vũ gây chú ý với bộ phim đầu tay Chuyện tình xa xứ (2009) được thực hiện tại Việt Nam, bởi cách làm phim lạ từ cấu trúc nội dung kịch bản cho đến hình ảnh, cách diễn xuất của diễn viên.

Tuy vướng scandal “đạo phim”, song không thể phủ nhận Giao lộ định mệnh (2010) của Victor Vũ được thực hiện trau chuốt và tỉ mỉ. Bộ phim hài hước - lãng mạn Cô dâu đại chiến đạt doanh thu 37 tỷ đồng, đã “gỡ” lại uy tín cho Victor Vũ, để rồi anh được các nhà đầu tư mạnh dạn giao cho dự án phim võ hiệp kỳ tình Thiên mệnh anh hùng (2011) kinh phí thực hiện gần 30 tỉ đồng.

Ngôi nhà trong hẻm của đạo diễn Lê Văn Kiệt trở thành sự kiện thu hút được sự quan tâm của một số trang mạng về điện ảnh ở Hollywood, bởi lần đầu tiên có một bộ phim kinh dị “Made in Vietnam” chọn thời điểm 14/2 để phát hành.

Kinh phí không nhiều, nhưng thành công về kỹ xảo, góc quay, diễn xuất của diễn viên Ngôi nhà trong hẻm đã “vượt mặt” Long Ruồi, Để Mai tính, trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam vào ngày đầu công chiếu, với 2,4 tỉ đồng. Sắp tới, bộ phim điện ảnh Bẫy cấp 3 của Kiệt sẽ ra mắt khán giả.

Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng

Vừa gia nhập thị trường phim Việt, bộ phim đầu tay Ngọc Viễn Đông của đạo diễn Cường Ngô là phim Việt đầu tiên được thực hiện bởi một chuỗi phim ngắn được xâu thành một phim dài liền mạch theo một chủ đề chính; bối cảnh của phim trải dài từ Sa Pa, Phan Thiết, Đà Lạt..., đã đạt các giải thưởng: Quay phim và Âm nhạc xuất sắc tại Liên hoan phim độc lập California (Mỹ), Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất dành cho thể loại phim truyện tại Liên hoan phim Geneva (tháng 3/2012).

Tuy nhiên, không phải tất cả phim của đạo diễn Việt kiều thực hiện đều thành công. Cách đây 5-7 năm, khán giả từng chứng kiến sự thất bại của các đạo diễn như Ringgo Lê với bộ phim Sài Gòn tình ca; Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn với bộ phim 1735 km, hay Othello Khanh với bộ phim Sài Gòn nhật thực.

Còn thời gian gần đây, một số phim của Việt kiều được xếp vào hàng “thảm họa phim Việt” như Em hiền như ma sơ - phim hài nhảm của đạo diễn Hoàng Thiên Trụ; Lệnh xoá sổ - phim võ thuật của Hãng phim Hoàng Trần của võ sư Việt kiều Trần Kim Hoàng, Cảm hứng hoàn hảo của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng.

Các phim này đều “trầy trật” mới được công chiếu, song lại nhanh chóng “cuốn gói” ra khỏi rạp. Có thể với đạo diễn - nhà sản xuất các phim kể trên, chuyện bán vé để thu lại vốn đầu tư làm phim không thật quan trọng, song họ khó có thể lấy lại được uy tín để làm tiếp phim thứ hai, thứ ba ở Việt Nam.

Và kỳ vọng


Cảnh trong phim Long ruồi

Trong ba năm trở lại đây, Nhà nước đã xóa bỏ hoàn toàn việc bao cấp sản xuất phim cho các hãng phim. Theo đó, số lượng đầu phim Nhà nước đầu tư toàn phần hay tài trợ 50% kinh phí chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ví dụ: Năm ngoái chỉ có hai bộ phim điện ảnh có tiền đầu tư của Nhà nước là Mùi cỏ cháyTâm hồn mẹ, trong khi tư nhân sản xuất được gần 20 bộ phim điện ảnh, mà những phim “bom tấn” hay phim đạt doanh thu cao, phim có kinh phí lớn phần nhiều là do Việt kiều đầu tư.

Tuy có phim thành công, có phim thất bại, có đạo diễn - nhà sản xuất Việt kiều thực sự tài năng, có người amateur (nghiệp dư), song không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực về nghề, về doanh thu mà phim Việt kiều mang lại cho điện ảnh Việt Nam.

Đấy là lý do các giải thưởng trong nước như Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng gần đây đã không còn phân biệt phim của đạo diễn Việt kiều hay đạo diễn trong nước.

Bởi vậy, thu hút các đạo diễn - nhà sản xuất Việt kiều về nước làm phim giống như với các dự án kinh tế, môi trường đầu tư càng thông thoáng bao nhiêu thì càng có nhiều dự án bấy nhiêu.

Cảnh trong phim Ngôi nhà trong hẻm

Từ đầu năm 2012 đến nay, có khá nhiều dự án phim được thực hiện, đầu tư bởi các Việt kiều. Đạo diễn Lưu Huỳnh (từng thành công với các phim Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử) đang quay bộ phim Lấy chồng người ta, đề tài tâm lý - tình cảm.

Một nhóm Việt kiều ở TP.HCM đang hợp tác với Hãng phim Hồng Ngát làm phim Bước khẽ tới hạnh phúc (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) khai thác đề tài về những Việt kiều trẻ trở về sống và làm việc ở Việt Nam.

Dự án phim hành động - lịch sử có Lửa Phật do Charlie Nguyễn đạo diễn, Dustin Nguyễn chỉ đạo võ thuật kiêm diễn viên chính trong phim đang được chuẩn bị với Công ty BHD sản xuất và phát hành. Anh em đạo diễn Charlie Nguyễn và Hãng phim Chánh Phương đang thực hiện dự án phim hành động Chuộc tội và phim hài Avata... Avatay.

Cuối năm 2012, Charlie Nguyễn sẽ chuyển thể từ vở kịch “ăn khách” Quả tim máu của Thái Hòa thành phim truyện. Các phim Lửa Phật, Chuộc tội, Quả tim máu... đều có kinh phí trên 10 tỉ đồng do các Việt kiều hùn vốn hoặc kêu gọi tài trợ, được làm hậu kỳ ở nước ngoài.

Cảnh trong phim Ngọc Viễn Đông

Từng góp mặt với vai trò đồng sản xuất một số phim điện ảnh trước đây, Hãng phim Thần Đồng của Trần Bảo Sơn và Trương Ngọc Ánh “ra riêng” với dự án phim Con đường vô tận được đánh giá là “khủng” nhất ở thời điểm này, với kinh phí 25 tỷ đồng và quay nhiều bối cảnh ở Mỹ.

Những thành quả ban đầu từ Ngọc Viễn Đông đã là động lực để Cường Ngô tiếp tục giới thiệu một phim ngắn làm chung với Ngô Thanh Vân, nhằm quyên góp tiền cho dự án cứu 100 trẻ em bị bệnh tim. Cường Ngô cũng đang phát triển một số dự án phim với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, Bùi Anh Tấn.

Đạo diễn “ăn khách” Victor Vũ nắm trong tay vài dự án phim “bom tấn”, như một phim võ hiệp mang tính cổ tích, kỳ ảo và áp dụng công nghệ 3D, một phim hài hước về giới showbiz Việt.

Chắc chắn năm 2012 còn nhiều dự án phim mới nữa của Việt kiều đầu tư, tạo nên sự áp đảo về số lượng, đa dạng về đề tài, thể loại. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh về kỹ thuật, kinh phí đầu tư, và cả sự kỳ vọng về tay nghề đạo diễn trong giới làm phim, cả nội và “bán nội” (Việt kiều).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi Việt kiều tham gia thị trường phim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO