Khi nghệ sĩ vạ miệng với mạng xã hội

MINH ĐỨC| 08/06/2016 06:32

Không phải người nổi tiếng nào cũng sáng suốt và đủ quyền lực để thống trị mạng xã hội, khiến nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra.

Khi nghệ sĩ vạ miệng với mạng xã hội

Từ khi ra đời, mạng xã hội trở thành công cụ đo đếm tầm ảnh hưởng của nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng sáng suốt và đủ quyền lực để thống trị mạng xã hội, khiến nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra.

Đọc E-paper

Tự do ngôn luận?

Ở Mỹ, tự do ngôn luận rất được ưu tiên nhưng trong nhiều trường hợp, nói thẳng nói thật trên mạng xã hội không chỉ khiến người nói bị hạ "hạnh kiểm" mà còn bị xem là thiếu trách nhiệm.

Kanye West từng mượn trang Twitter (một kênh thông tin theo kiểu nhật ký) cá nhân để "vạch áo cho người xem lưng" cô bạn gái cũ Rihanna. Anh viết: "Nàng tốt bụng nhưng hãy mua đồ lót mới đi chứ... Nàng là chúa cẩu thả, kể cả trong chuyện mặc nội y". Sau lần vạ miệng này, Rihanna và Kanye không thèm nhìn mặt nhau, bản thân chàng ca sĩ da màu bị người hâm mộ chỉ trích dù đã xóa dòng chia sẻ.

Cũng vài năm trước, trong một nhà hàng sushi ở Los Angeles, ngôi sao RnB Beyonce chửi đổng tên Rihanna vì tình nghi ca sĩ đàn em này (đồng thời là đối thủ trên thị trường nhạc RnB) có "quan hệ” với chồng mình là Jay Z. Ngay sau đó, Rihanna viết trên Twitter đại ý rằng cô đã ngủ với chồng Beyonce và "chị em ta đang chia ngọt sẻ bùi". Suốt một thời gian dài, showbiz râm ran tin Beyonce và Jay Z ly dị, còn Rihanna thì im lặng trước hàng loạt câu hỏi của truyền thông.

Cách đây không lâu, người hâm mộ còn chưa quên tuyên bố giật gân của diễn viên trẻ Amanda Byne trên Twitter. Cô tiết lộ hồi bé từng bị cha lạm dụng tình dục, rồi 3 tiếng sau xóa hẳn dòng trạng thái đó để tránh phiền hà. Câu chuyện của Amanda không được mấy ai kiểm chứng vì đó là giai đoạn Byne được xác nhận mắc chứng rối loạn nhân cách. Có lúc Byne còn kêu gọi Tổng thống Obama sa thải những cảnh sát đã bắt cô vào tù vì tội uống rượu...

Quyền lực của mạng xã hội

Ra đời với mục đích phục vụ người dùng, song mạng xã hội vẫn có những luật chơi riêng và không hề khoan nhượng. Tháng 5/2014, trang Instagram (kênh chia sẻ hình ảnh, đoạn video ngắn) của ca sĩ Rihanna chính thức bị đóng cửa vì... đăng ảnh nóng. Ứng dụng này nghiêm cấm đăng nội dung bạo lực và khỏa thân, nhưng cô ca sĩ ngông cuồng có gần 13 triệu (nay đã lên gần 40 triệu) người theo dõi lại xem nhẹ lời cảnh báo. Sau nhiều tranh cãi, ngày 2/11 năm đó, Rihanna mới được tái sử dụng tài khoản Instagram và tất nhiên, cô nàng tỏ ra ngoan ngoãn hơn trước.

Sự kiện Instagram "cấm cửa" Rihanna trong nửa năm từng thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ từ vô danh cho đến nổi tiếng bày tỏ quan điểm riêng. Con gái Demi Moore và diễn viên phim hành động Bruce Willis tham gia chiến dịch #FreetheNipple (một hình thức hạn chế hoặc loại bỏ áo nịt ngực cho phụ nữ hiện đại) và đăng ảnh ngực trần trên trang Twitter để bênh vực Rihanna cũng bị trang này xóa ảnh.

Tương tự, Grace Coddington - cựu siêu mẫu và từng là Giám đốc Sáng tạo cho Tạp chí Vogue - đăng lên Instagram bức vẽ kỹ thuật số cảnh bà khỏa thân ngồi trên ghế, đeo kính đen, thái độ ung dung. Ngay lập tức tài khoản của Grace biến mất dù bức hình có hơn 7.000 lượt thích và hơn 400 bình luận.

Tháng 10 cùng năm, diễn viên hài Chelsea Handler ghép đôi ảnh cởi trần của cô với một người đàn ông, đăng lên Twitter và chỉ trụ được vài tiếng trước khi biến mất. Handler cay cú thốt lên sau đó: "Một người đàn ông đăng ảnh cởi trần thì không sao, còn đàn bà thì ngược lại... Chúng ta đang sống ở năm 1825?".

Bên cạnh việc quyết liệt xóa tài khoản vi phạm nội quy đăng hình ảnh của Twitter, Instagram còn mạnh tay rà soát những "fake account" (người dùng ảo) khiến nhóm nhạc One Direction, MC Oprah Winfrey, các ca sĩ như Katy Perry, Miley Cyrus, Taylor Swift, Justin Bieber... mất đi hàng triệu người theo dõi (có thể hiểu là người hâm mộ) chỉ trong vài ngày. Chính động thái của Instagram đã vô tình vạch trần chiêu trò mà nhiều ngôi sao (hoặc quản lý) sử dụng tiền để mua lượt người theo dõi nhằm kinh doanh.

Bất kể bạn có là nghệ sĩ hay không, việc trở thành "ngôi sao mạng xã hội" có hàng trăm ngàn hay hàng triệu người theo dõi sẽ mang lại lợi nhuận cho bạn. Một số nhãn hàng sẵn sàng chi 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) cho một nội dung mang tính quảng cáo trên trang Instagram có lượt người hâm mộ cao ngất. Trên Twitter, Kim Kardashian thu về 13.000 USD (giá năm 2013) cho mỗi đoạn chia sẻ "theo yêu cầu" của thương hiệu...

Không chỉ Instagram hay Twitter, Facebook cũng tràn lan hiện tượng dùng phần mềm (giá bán 50 - 200 USD) để tạo người dùng ảo nhằm phục vụ mục đích kiếm tiền của các "sao" và "hot blogger"...

Thế nên, các trang bán lượt người theo dõi (bằng cách đánh cắp tài khoản có hoạt động hoặc không hoạt động) vẫn hoạt động sôi nổi. Chỉ tốn 44,99 USD/tuần bạn đã có 10.000 người theo dõi trên trang Instagram, 171 USD/tuần để có 10.000 người hâm mộ trên Facebook. Twitter rẻ hơn với 1.000 người chỉ mất 5 USD!

Tuy nhiên, "gậy ông đập lưng ông", khi mạng xã hội ra tay thì bất kỳ ngôi sao nào cũng bị "sờ gáy".

>Manny Pacquiao: "Vỡ mộng" chính trị vì vạ miệng

>Donald Trump: Khi tỷ phú "vạ miệng"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi nghệ sĩ vạ miệng với mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO