Đưa múa Việt Nam đến sân khấu thế giới

Ý Nhi| 07/03/2020 06:00

Đưa diễn viên múa Việt Nam đến sân khấu thế giới và mang các nghệ sĩ lớn của khu vực đến trình diễn và giao lưu với khán giả Việt là sứ mệnh mà Đỗ Hải Anh - Giám đốc Sáng tạo Công ty Saigon Contemporary and Ballet Dance Company (SCBC) và sáng lập Trung tâm Đào tạo Năng khiếu Múa ballet Unicorn Dance - đang tâm huyết thực hiện.

Đưa múa Việt Nam đến sân khấu thế giới

* Lọt vào danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật của Forbes Việt Nam (30 Under 30) năm 2020, những thành tích đáng nhớ mà Hải Anh đã đạt được trong suốt gần 30 năm theo đuổi nghề?

- Theo đuổi nghệ thuật múa từ năm 3 tuổi, may mắn của tôi là được gia đình định hướng theo nghề ngay từ nhỏ nên suốt nhiều năm miệt mài tập luyện, tôi luôn được sự động viên của gia đình, nhất là sự theo sát và động viên của mẹ. Tốt nghiệp loại giỏi khoa Múa cổ điển châu Âu của trường múa, năm 2012 tôi đạt giải Bạc múa đương đại quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc và sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào Arabesque Dance - một trong những công ty múa tài năng và chuyên nghiệp của Việt Nam. 

Năm 22 tuổi, tôi được chọn biểu diễn "Trio" cùng với đại sứ văn hóa Nhật Bản Kaiji Moriyama và đạo diễn Nguyễn Tấn Lộc trong dự án Kyousie tại Nhật Bản. Năm 2014 được tham gia dự án biên đạo trẻ Sea Choreolab tại cộng đồng nghệ thuật Rimbun Dahan (Malaysia), tham gia tour lưu diễn ở 6 tiểu bang ở Mỹ cùng với Arabesque Dance. Đặc biệt, khi đạt giải Quán quân chương trình Thử thách cùng bước nhảy, tôi được trao danh xưng “Cô gái vàng ballet”. Chính những thành tích đó đã cho tôi động lực và tự tin hơn để tiếp tục theo đuổi nghề múa mà tôi và gia đình đã chọn.

* Từng đảm nhận vai trò biên đạo kiêm nghệ sĩ biểu diễn cho nhiều vở diễn quốc tế gây tiếng vang, Hải Anh đã gửi gắm gì trong những điệu múa mình biên đạo và biểu diễn?

- Mấy năm trở lại đây, diễn viên múa Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, không thua kém diễn viên nước ngoài. Trong nhiều chương trình hợp tác với các đoàn nghệ thuật nước ngoài, diễn viên múa Việt Nam luôn được biên đạo, chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về kỹ thuật cũng như khả năng sử dụng ngôn ngữ múa trong biểu diễn. 

Để truyền tải hết ngôn ngữ múa, nhiệm vụ của người nghệ sĩ và nhà biên đạo múa rất lớn. Khi vũ đạo kết hợp với sự điêu luyện của diễn viên múa, ngôn ngữ múa được truyền tải ở mức cao nhất, chạm đến trái tim và cảm xúc của khán giả một cách chân thật nhất. Đó chính là cầu nối đưa tâm hồn Việt, đưa nghệ thuật múa của Việt Nam ra thế giới. Bản thân tôi là người thích sự mới mẻ, luôn khao khát tìm kiếm những ý tưởng và khái niệm mới từ các nghệ sĩ khác, kết hợp với họ và sau đó tìm kiếm một sân chơi, nơi mà tất cả có thể có trải nghiệm cùng nhau. Kết hợp với nó là những thông điệp mình muốn truyền tải sẽ tạo nên một tác phẩm mà ở đấy người xem có thể tìm được cho mình niềm cảm hứng trong cuộc sống. 

Nhiều lần tham gia lễ hội múa đương đại được tổ chức ở các nước, mục tiêu tôi hướng đến không chỉ nâng cao chuyên môn về kỹ năng múa cá nhân mà muốn mang nghệ thuật múa của Việt Nam phát triển ra khu vực Đông Nam Á. Sự phối hợp rất nhiều ngôn ngữ trong điệu múa chính là sự giao thoa trong nền văn hóa Á Đông với nghệ thuật thế giới.

* Những năm gần đây, múa đương đại Việt Nam đang phát triển và đến gần hơn với công chúng, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều cần làm để nghệ thuật múa Việt Nam vươn xa hơn?

- Múa dân gian dân tộc, múa đương đại là những môn nghệ thuật đang cần phát triển và cần được Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn nữa. Tôi xin dẫn lời một NSND, biên đạo múa đương đại từng chia sẻ mà tôi rất tâm đắc, anh nói, việc quảng bá, nâng cao nhận thức của nhân dân về múa, trong đó có múa đương đại là rất cần thiết. Việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các chương trình về múa đương đại cũng cần tiếp tục được triển khai vì thực tế hiện nay, việc tìm kiếm nhà tài trợ cho các chương trình rất khó khăn và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các tác phẩm múa.

Theo tôi, trẻ em biết hát trước khi biết nói, biết vẽ trước khi biết viết và có thể cử động, nhún nhảy theo nhịp nhạc mà không cần được ai dạy nên tôi luôn tin rằng, nghệ thuật sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta dù ở bất cứ xã hội nào, bất cứ đất nước nào. Những năm trở lại đây, mọi người đã có nhiều quan tâm đến nghệ thuật nhảy múa. Nhiều vở diễn ở nhà hát, những workshop chia sẻ và các chương trình truyền hình thực tế, game show về nhảy múa, giới thiệu các vũ công, cùng với việc Trường Cao đẳng Múa Việt Nam được trở thành Học viện Múa Việt Nam và có hệ đào tạo đại học. Từ năm 2020, giáo dục nghệ thuật cũng được đưa vào thành bộ môn bắt buộc tại trường cấp 1, cấp 2 là một minh chứng cho việc quan tâm của xã hội dành cho lĩnh vực này. Vì vậy, tôi tin sự phát triển rực rỡ vào con đường mình đang chọn và điều cần làm nhất bây giờ là tiếp tục cố gắng củng cố chuyên môn cũng như uy tín của bản thân, có định hướng đào tạo tích cực hơn cho thế hệ kế thừa.

* Có ý kiến rằng, nghề múa rất gian khổ nhưng thu nhập lại không cao như ca sĩ hoặc giới showbiz, chị truyền cảm hứng thế nào cho các thế hệ sau để tiếp tục theo nghề?

- Rất nhiều bạn bè của tôi ở nước ngoài sáng phải đi làm, đi phục vụ nhà hàng để theo đuổi đam mê của mình ở sàn tập. Chưa kể, muốn được đi diễn trong nhà hát để có kinh nghiệm sân khấu, các bạn phải trả thêm tiền, mua phục trang... Ở Việt Nam, nghề múa còn rất nhiều cơ hội để có thể kiếm sống như múa minh họa cho ca sĩ và nhiều chương trình khác. 

Theo tôi, làm nghệ thuật là phải đam mê. Không đam mê, không nên làm nghệ thuật và đam mê sẽ thay đổi tất cả. Bí quyết của thành công là dám bắt đầu. Hãy dũng cảm thực hiện bước đi đầu tiên, dám chấp nhận thất bại và cố gắng từng ngày vượt qua những thử thách ấy, kiên trì bước tiếp, chiến thắng được bản thân mình để chạm đến thành công.

* Sáng lập Trung trâm Đào tạo Năng khiếu Múa ballet cho thiếu nhi, chị tâm huyết điều gì và khó khăn sẽ phải đối mặt?

- Tôi muốn lan truyền tình yêu nghệ thuật đến các bé từ 4-11 tuổi. Không chỉ trực tiếp đứng lớp, tôi còn mời các vũ công ballet và đương đại chuyên nghiệp, từng đăng quang nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế tham gia hỗ trợ.

Đôi lần đi trên phố, nhìn thấy trẻ em lang thang, nhất là những đứa trẻ diễn xiếc kiếm tiền đang phun lửa, nuốt rắn ngoài phố Tây Bùi Viện, tôi thấy nhói lòng. Câu hỏi tại sao những cậu bé ấy không thể trở thành những anh chàng Bboy đầy mạnh mẽ hay những diễn viên xiếc tài năng được đào tạo để kiếm sống bằng chính môn nghệ thuật của chính mình? Tại sao không dạy cho các bé ý thức rằng, ơ đời sẽ không có phép màu cổ tích nào hiện ra mà chỉ có sự cố gắng không ngừng nghỉ? Và tôi mong có cơ hội để dạy các em những điều như thế.

Để biến ước mơ thành hiện thực luôn là con đường khó khăn, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Và tôi đang trên hành trình thực hiện hóa điều mình mơ ước. Không chỉ phát triển đa diện trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật trình diễn sân khấu, giáo dục nghệ thuật và phát triển cộng đồng yêu nghệ thuật là điều tôi hướng đến. Để thế hệ mầm non là những người tốt cho mai sau thì các em phải được uốn nắn và dạy dỗ tốt ngay từ nhỏ. Giáo dục tốt sẽ giúp các em thay đổi cuộc sống.

* Theo chị, một nghệ sĩ múa thành công cần những yếu tố nào? 

- Một nghệ sĩ múa được xem là thành công được đánh giá đầu tiên bằng nguồn năng lượng kiên trì bền bỉ của họ trong việc rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Sau đó chính là sự sáng tạo của họ trong từng chuyển động, thông điệp muốn truyền tải đến khán giả qua từng hơi thở của nghệ thuật múa. Cuối cùng là sự công nhận của từng nhóm đối tượng khán giả mà người nghệ sĩ muốn hướng đến.

* Chị chia sẻ: “Hiện nay, múa không còn là nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu mà đã đi vào cuộc sống”, điều này đã được thể hiện thế nào, thưa chị? 

- Hướng dẫn an toàn bay vốn là yêu cầu bắt buộc trong quy trình phục vụ của một chuyến bay nhằm đảm bảo sự an toàn cho hành khách. Thế nhưng, không ít hành khách bỏ qua bản hướng dẫn in, thờ ơ với tiếp viên hướng dẫn trực tiếp, hay những thước phim ngắn cũng dễ bị bỏ qua. Không chỉ với những hành khách lần đầu đi máy bay, việc thu hút nhóm khách đã đi máy bay nhiều lần vẫn theo dõi hướng dẫn an toàn bay là chuyện không đơn giản. Vì lẽ đó, mới đây phiên bản hướng dẫn an toàn bay 2020 đã sử dụng ngôn ngữ được cho là mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển và cũng dễ tạo sự thu hút khách đi máy bay, đó là nghệ thuật múa.

Điểm đặc sắc nhất ở đây là sự kết hợp sinh động giữa múa nằm - một kỹ thuật mang tính bác học và thủ ngữ - ngôn ngữ của cộng đồng người khiếm thính. Hai loại hình ngôn ngữ cũng là hai thông điệp truyền thông tưởng không liên quan đến nhau, nhưng khi cùng đặt trong một thước phim về an toàn bay lại trở nên vô cùng hòa hợp, gắn kết. Những biểu đạt của thủ ngữ về hướng dẫn cất vali, thắt dây an toàn, đeo mặt nạ dưỡng khí... trở thành những động tác múa sinh động qua cách biểu diễn hài hòa, ăn ý của các nghệ sĩ. Cũng từ đây, người xem thấy được đẳng cấp nghệ thuật cao của diễn viên múa và sự kỳ công trong dàn dựng của đạo diễn cũng như ê kíp sáng tạo. 

Với sự kết hợp của thủ ngữ và múa đương đại, chắc chắn thước phim ngắn này sẽ là một sản phẩm đủ sức chinh phục những hành khách khác nhau, dù mới hay cũ, trẻ con hay người lớn, giới trẻ hay cao niên, người bình thường hay khuyết tật. 

* Một vài dự định chị đang muốn làm sắp tới?

- Tôi muốn xây dựng nên những chương trình biểu diễn nhảy múa, âm nhạc, nhạc kịch... thường xuyên, định kỳ, với nhiều quy mô và hướng tới nhiều đối tượng khán giả khác nhau, như khán giả trẻ, khán giả gia đình trẻ và đặc biệt là thiếu nhi. Đặc biệt là tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với quốc tế, mang các diễn viên múa tài năng của Việt Nam đến sân khấu thế giới và mang các nghệ sĩ lớn của khu vực đến trình diễn và giao lưu với khán giả Việt...

Tôi cũng mong có nhiều trung tâm nghệ thuật, các tổ chức đào tạo nghệ thuật sẽ được mở ra,  truyền cho các bé niềm đam mê dành cho nghệ thuật trên con đường hoàn thiện bản thân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa múa Việt Nam đến sân khấu thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO