Đốt cháy bản thân với cuộc đời

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN - Du học sinh Nhật Bản| 25/12/2015 00:12

Ít nhất trong ba lần đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai, có một đoạn văn tôi đọc đi đọc lại đoạn văn trên chục bận. Truyền thuyết của người Úc không quen thuộc với người Việt, nhưng hình ảnh ấn tượng ấy đã trở thành kim chỉ nam cho tôi trong cuộc sống này.

Đốt cháy bản thân với cuộc đời

Ít nhất trong ba lần đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai, có một đoạn văn tôi đọc đi đọc lại đoạn văn trên chục bận. Truyền thuyết của người Úc không quen thuộc với người Việt, nhưng hình ảnh ấn tượng ấy đã trở thành kim chỉ nam cho tôi trong cuộc sống này.

Đọc E-paper

"Có truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng hót hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tỵ. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được, nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại..."

Tôi đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai từ những ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông. Ngày đó, mua sách, với tôi, không dễ dàng. Nhà nghèo, sách thời đó cũng khá hiếm nên ít khi tôi có thể sở hữu một quyển sách. Rất may là trước đầu ngõ nhà tôi có một thư viện tư nhân. Cô thủ thư là giáo viên về hưu, sách sưu tập được cô đem ra cho bọn trẻ chúng tôi đọc nhưng phải trả phí.

Tôi nhớ, ngày đó, mỗi lần đến đọc, tôi phải đóng 500 đồng, số tiền tương đương với ly sirô đá bào mát ngọt, nhưng không ngày nào tôi không có mặt trong thư viện mini ấy. Và, vì thấy cô giáo già cứ đọc đi, đọc lại Tiếng chim hót trong bụi mận gai nên tôi đã tò mò đọc thử.

Tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai xuất bản vào mùa Xuân năm 1977 cùng một lúc ở New York, San Francisco, London, Sydney. Ít lâu sau đã được dịch ra 7 thứ tiếng, được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh và giới phê bình đánh giá cao. Suốt mấy năm đầu, nó là tác phẩm ăn khách nhất ở phương Tây. Nhiều nhà phê bình đánh giá đây là truyền thuyết về tình yêu đẹp nhất. Meggie, nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết, dám chiếm đoạt tình yêu vĩ đại từ tay Chúa, bởi người nàng yêu là một đức Hồng y. Cốt truyện đầy cảm động, đau đớn, chứa đựng một tình yêu, sự hy sinh đẹp đến nao lòng.

Kết thúc truyện còn đau đớn hơn với tiếng lòng của Meggie: "Của César thì trả về cho César, của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa". Kết thúc buồn nhưng thử hỏi, có ai dám chê trách tình yêu của Meggie không? Chắc hẳn là không, bởi ai cũng ngưỡng mộ tình yêu và thái độ thách thức số phận, dám chấp nhận, dám đánh đổi của cô. Thái độ sống của Meggie nhắc nhớ tôi rất nhiều về những bước ngoặt của cuộc đời.

Ngày tôi nộp hồ sơ thi đại học, cả gia đình tôi tá hỏa khi biết nơi tôi nộp là Trường Cao đẳng Văn hóa Du lịch chứ không phải Đại học Ngoại thương theo định hướng từ đầu của ba mẹ tôi. Tính đến thời điểm đó thì đó là mâu thuẫn lớn nhất tôi gây ra cho cả gia đình. Biết không xoay chuyển được tôi, ba mẹ gần như từ tôi, không thèm ngó ngàng đến tôi suốt một thời gian dài, nhưng tôi vẫn kiên định với con đường mình đã chọn.

Điều duy nhất tôi có thể làm được là sống hết mình với sự lựa chọn của mình. Hai năm trôi qua, ngoài học bổng, tôi có được giải thưởng đầu tiên với một dự án phát triển kinh doanh du lịch ở một sân chơi khởi nghiệp. Khoe niềm vui với gia đình, lúc đó tôi mới có được cái nhìn thiện cảm của ba mẹ dành cho nghề tôi đã chọn.

Giờ đã là một nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, chuyên ngành của tôi vẫn là du lịch. Tôi cũng đã nghĩ đến việc thành lập một doanh nghiệp riêng nhưng rồi nhận ra mình vẫn chưa đủ sức chịu đựng thất bại cũng như trả giá nên đang tiếp tục tích lũy kiến thức lẫn tài lực để ngày trở về quê hương sẽ làm được điều mình ấp ủ. 

Colleen McCulough không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước đó hầu như không ai biết đến bà. Khi tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai đem lại vinh dự cho tác giả thì McCulough vẫn chỉ là một nhân viên y tế bình thường. Năm 1974, bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, không có tiếng vang gì.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai được thai nghén trong ngót 4 năm, đến đầu mùa Hè 1975, bà bắt tay vào viết liền một mạch trong 10 tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn bận túi bụi ở bệnh viện, chỉ viết vào ban đêm và ngày Chủ nhật. Vậy thì cớ gì tôi lại phải nóng vội, nhưng không vì thế mà tôi sống nhạt. Hạnh phúc nằm ở hành trình, tôi vẫn sẽ "cháy" từ trong dự án, trong từng đoạn đường mình đi qua, bởi chỉ có "đốt cháy" bản thân, tôi mới có cơ hội làm được những điều tốt đẹp nhất.

>Doanh nhân Trần Văn Sen: Lửa khát khao vẫn cháy

>Hãy cháy cùng đam mê!

>Làm thuê hay làm chủ đều cần đam mê

>Biến đam mê thành sự nghiệp kinh doanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đốt cháy bản thân với cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO