Đầu tư rạp chiếu phim: Giàu tiềm năng nhưng không dễ thắng

XUÂN HƯƠNG| 21/12/2018 06:40

Cùng với mức tăng trung bình từ 20 - 25% của ngành điện ảnh, đầu tư xây dựng rạp chiếu phim nhằm thu hút khán giả, tăng doanh thu để tái đầu tư được xem là hướng đi khả thi góp phần đưa Việt Nam thành một trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu vào năm 2025.

Đầu tư rạp chiếu phim: Giàu tiềm năng nhưng không dễ thắng

Sảnh của một cụm rạp chiếu phim CGV

Thị trường đang phát triển

Dữ liệu thống kê cho thấy ở Việt Nam trung bình có 7 rạp chiếu phim/1 triệu dân, trong khi ở Mỹ là 126 rạp, Trung Quốc 23 rạp và Nhật Bản 26 rạp. Vài năm gần đây, cùng với việc sản xuất phim Việt và nhập khẩu phim ngoại tăng mạnh, tốc độ phát triển của hệ thống rạp cũng tăng nhanh, với khoảng 20 cụm rạp mới/năm, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn tiến tới phủ khắp các tỉnh - thành hay vùng xa trung tâm.

Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) vừa khai trương cụm rạp CGV Satra Củ Chi. Đây là cụm rạp thứ 22 của CGV tại TP.HCM (phân bố tại 12/24 quận, huyện) và cụm rạp thứ 66 tại 23 tỉnh - thành trên cả nước. Đồng thời, CGV sắp khai trương 10 cụm rạp mới nữa ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Tây Ninh, Quảng Ngãi...

Đại diện CGV cho biết trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, CGV sẽ đầu tư xây dựng từ 12 - 15 rạp/năm, trong đó 5 - 7 rạp ở khu vực tỉnh - thành xa.

Link bài viết

Công ty Lotte Cinema hiện quản lý 40 cụm rạp và sắp khai trương thêm 5 cụm rạp mới. Ngoài Hà Nội, TP.HCM, các cụm rạp của Lotte Cinema đã hiện diện ở hơn 20 tỉnh - thành ở 3 miền Bắc, Trung, Nam...

Bên cạnh 2 công ty lớn của Hàn Quốc này, các đơn vị kinh doanh rạp nội địa như Galaxy, BHD, Beta, Cinestar... cũng có sự tăng nhẹ về số lượng rạp. Galaxy Cinéma hiện có 14 cụm rạp ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cà Mau, Bến Tre, Nghệ An, Hải Phòng và sắp khai trương cụm thứ 15 ở Bình Dương. Công ty BHD đang sở hữu 9 cụm rạp BHD Star Cineplex ở Hà Nội, TP.HCM, Huế và có kế hoạch mở cụm rạp mới tại các tỉnh khác.

Beta Cineplex hiện có 9 cụm rạp ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, An Giang, Hà Nội, TP.HCM.

Ra đời chưa lâu như Beta, Cinestar đang hoạt động với 3 cụm rạp ở TP.HCM và Lâm Đồng, sắp khai trương cụm rạp ở Huế, TP.HCM. Ngoài ra còn có Platinum với 2 cụm rạp ở Hà Nội và Nha Trang; Mega GS, Cinebox, Đống Đa với 1 - 2 cụm rạp...

Kinh doanh rạp chiếu phim được đánh giá vẫn đang là ngành hấp dẫn, có thể mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư. Việc mở rộng đầu tư rạp chiếu phim tầm trung về các tỉnh - thành xa rất giàu tiềm năng, bởi hoàn toàn không có mô hình nào phục vụ được nhu cầu giải trí của số đông người dân ở đó. Trong năm 2019, ngoài CGV, Lotte Cinema..., một số công ty cũng đã có kế hoạch mở rạp chiếu phim mới.

Đường dài còn lắm gian nan

Hiện chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi cụm rạp giá vé rẻ Beta Cinema là khoảng 30 tỷ đồng (gần 1,5 triệu USD). Còn mỗi cụm rạp của CGV có mức đầu tư từ 3 - 5 triệu USD. Các cụm rạp khác của Galaxy, BHD, Mega GS... cũng tương tự, tùy vào từng quy mô, vị trí, cách thiết kế và số lượng phòng chiếu, trang thiết bị, máy móc, ghế ngồi, màn hình...

Ưu tiên chọn vị trí đặt cụm rạp hiện đại thường là trong trung tâm thương mại để trở thành một hệ thống giải trí - mua sắm tích hợp, thu hút được số đông khách hàng. Với phương thức "vệt dầu loang", Lotte Cinema có lợi thế nhờ có hệ thống trung tâm thương mại Lotte Mart. Nghĩa là ở đâu có Lotte Mart thì ở đó có rạp chiếu phim. Lotte Cinema còn thuê mặt bằng của một số siêu thị lớn.

Không có hệ thống bán lẻ riêng, nhưng CGV cũng xuất hiện tại các trung tâm thương mại của Aeon, Vincom, Parkson, Co.opmart... và còn mở cụm rạp ở các khách sạn, cao ốc văn phòng cho thuê, Landmark 81...

Ngoài các trung tâm thương mại, Galaxy, BHD, Cinestar... còn khai thác mặt bằng của rạp hát, nhà thi đấu, nhà văn hóa... 

3 nguồn thu chính của rạp chiếu phim gồm bán vé xem phim (phổ biến chia 50/50 tổng doanh thu bán vé/phim), thực phẩm (nước uống, bắp rang, thức ăn nhanh) và quảng cáo - tiếp thị cho các nhãn hàng, thương hiệu...

Bên trong một phòng chiếu phim ở Việt Nam

Bên trong một phòng chiếu phim ở Việt Nam

Nhìn chung, các cụm rạp chiếu phim hiện nay như một tổ hợp văn hóa - nơi khán giả không chỉ đến xem phim mà còn trải nghiệm dịch vụ mua sắm, ẩm thực hay các loại hình vui chơi..., rất thích hợp với những khu vực còn hạn chế về hạ tầng vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư rạp là "yên tâm" kinh doanh thuận lợi, thu hút được lượng khán giả ổn định và tăng dần mỗi năm như lý thuyết. Nếu như Platinum Cineplex phải đóng cửa 3/5 cụm rạp vào năm ngoái do mâu thuẫn với đối tác cung cấp mặt bằng, thì những năm qua, năm nay và sắp tới sẽ có những cụm rạp phải đóng cửa do vắng khán giả và nhà đầu tư không còn đủ kiên nhẫn để gồng gánh "chờ thời".

Trên thực tế, mỗi cụm rạp phải mất từ 3 - 5 năm hoạt động, thậm chí lâu hơn mới thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Các chủ rạp phải có ngân sách bù đắp chi phí về thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, điện chạy máy lạnh và máy chiếu... trong thời gian chưa có lãi.

Một chủ rạp kể có những cụm rạp ở tỉnh trong mấy tháng đầu mới khai trương thì có lượng khán giả rất đông, nhưng rồi cứ giảm dần khi những chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá vé, tặng quà kết thúc.

Mức giá 40 - 50 ngàn đồng/vé vẫn còn tương đối cao so với thu nhập chung của người lao động, giới học sinh, sinh viên ở các tỉnh - thành. Còn ở các thành phố lớn, khi rạp chiếu phim mọc lên nhiều hơn, khán giả sẽ chọn vị trí phù hợp với sự di chuyển và nhu cầu giải trí riêng.

Việc đặt cụm rạp trong trung tâm thương mại, khách sạn và tòa cao ốc cao cấp, hoặc khu vực đường sá thường xuyên kẹt xe, xa khu dân cư đông đúc sẽ gặp bất lợi. Gây dựng được số lượng khán giả "ruột" và tiềm năng luôn là bài toán phải tính kỹ để có thể "bám trụ" đường dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư rạp chiếu phim: Giàu tiềm năng nhưng không dễ thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO