Cannes 2015: Những gương mặt đến từ châu Á

TUYÊN ĐỖ| 25/04/2015 08:28

Liên hoan Phim (LHP) Cannes 2015 vừa đưa ra danh sách 16 phim tranh giải chính thức, trong đó phim nói tiếng Anh chiếm phần lớn. Năm nay, với danh sách ban đầu, chỉ có ba phim châu Á được chọn và không mấy ngạc nhiên khi cả ba đạo diễn của ba phim này đều là "gương mặt thân quen" của một trong những LHP lớn trên thế giới này.

Cannes 2015: Những gương mặt đến từ châu Á

Liên hoan Phim (LHP) Cannes 2015 vừa đưa ra danh sách 16 phim tranh giải chính thức, trong đó phim nói tiếng Anh chiếm phần lớn. Năm nay, với danh sách ban đầu, chỉ có ba phim châu Á được chọn và không mấy ngạc nhiên khi cả ba đạo diễn của ba phim này đều là "gương mặt thân quen" của một trong những LHP lớn trên thế giới này.

Đọc E-paper

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền có công ty chuyên sản xuất phim riêng là một điểm cộng, vì các tác phẩm từ Hãng phim HHH Films của ông đều mang về doanh thu rất tốt. Do đó, họ Hầu chỉ chuyên tâm làm phim nghệ thuật dù biết chắc không thể thu hồi vốn. Suốt 10 năm qua, dù không ra mắt bất kỳ tác phẩm nào, ông vẫn sống khỏe với công việc sản xuất phim.

The Assassin, bộ phim võ hiệp đầu tiên trong sự nghiệp của Hầu Hiếu Hiền ngốn gần 10 triệu USD kinh phí (một nửa là của ông bỏ vốn) và phải gián đoạn nhiều lần để xin thêm tài trợ mới có thể hoàn thành. The Assassin tham dự Cannes là chuyện đương nhiên vì trong quá khứ, ông luôn được chào đón nhiệt liệt.

Tuy nhiên, khán giả toàn cầu đã bắt đầu chán kiểu phim "múa may quay cuồng". The Assassin của Hầu Hiếu Hiền có chăng là thể nghiệm mới mẻ đến từ bậc thầy dòng phim trữ tình, nhưng nếu may mắn có một cách kể chuyện khác (điều rất khó xảy ra) thì chắc chắn Hầu Hiếu Hiền sẽ mang về những thành tích mới cho bề dày đáng nể của mình.

Hai bộ phim còn lại của châu Á tham gia Cannes cũng thuộc tác phẩm... không để bán vé! Kamakura Diary là đại diện sáng giá của Nhật Bản qua bàn tay Hirokazu Koreeda, đạo diễn "chuyên trị” những thước phim tình cảm gia đình đầy xúc động. Ở quê nhà, Hirokazu không phải là tên tuổi cựu trào, phim của ông cũng khá ăn khách và bán ra được các nước trong khu vực.

Hai năm trước, Like father like son (đoạt giải Ban giám khảo của Cannes) kiếm về hơn 30 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với kinh phí thực hiện. Người hâm mộ hy vọng Kamakura Diary sẽ tiếp tục là hành trình thi vị của Hirokazu.

Lần này, anh trở về thị trấn Kamakura để kể câu chuyện liên quan đến bản ngã và tương quan sống của những phụ nữ trẻ. Nhìn chung, ngôn ngữ điện ảnh giản dị và giàu tình cảm của Hirokazu Koreeda dễ xem, dễ chạm đến sự đồng cảm của khán giả toàn cầu nên ông không khó kiếm được tiền từ việc bán vé.

Tác phẩm còn lại thuộc về nhà làm phim quen thuộc của dòng phim arthouse - Giả Chương Kha. Ông là thế hệ đạo diễn thứ 5 lẫy lừng của điện ảnh Trung Hoa, từng được ví như là Trương Nghệ Mưu tân thời vì soi từng ngõ ngách đô thị đến đời sống văn hóa của đất nước mình, dù bằng thủ pháp nghệ thuật mới mẻ, khác biệt hơn.

Mountains May Depart của Giả Chương Kha là kiểu phim có cấu trúc truyền thống ba phần với ba câu chuyện ngắn đan cài từ năm 1990, 2015 và 2025 ở ba thành phố, ba đất nước khác nhau. Về mặt tổng thể, đây không phải cách làm mới mẻ nhưng qua bàn tay họ Giả, chắc chắn nó sẽ có một màu sắc khác.

MK2 của Pháp tiếp tục là đơn vị phát hành tại thị trường Âu châu của Mountains May Depart, dù điều này không nói lên được khả năng thành công của tác phẩm tại các phòng vé.

Còn nhớ cũng hai năm trước, The Touch of Sin dù rất được báo chí quốc tế tán tụng và chu du qua nhiều quốc gia lớn nhỏ nhưng doanh thu cũng chỉ vào khoảng 100.000USD. Hầu hết các tác phẩm của Giả Chương Kha cùng chung số phận thất thu nhưng có lẽ với mỗi dự án và số tiền tài trợ đem về, họ Giả cũng chẳng phải lo nghĩ nhiều đến chuyện nợ nần hay... hết vốn.

Không đến được với số đông nhưng phim của ông luôn có khán giả và các suất chiếu đặc biệt trong khuôn khổ những tiệc phim hoặc những buổi chiếu phim nghệ thuật. Có lẽ đấy là lý do chính khiến các nhà làm phim độc lập vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của các tín đồ yêu phim ảnh.

Nhìn lại ba gương mặt đại diện cho điện ảnh châu Á, dễ thấy như mọi năm, phim nghệ thuật đến từ các nước châu Á tham gia Cannes không phải các tác phẩm dễ mua, dễ bán trên thị trường phim ảnh. Liệu rằng điều này có sẽ trở thành một thông lệ của Cannes?

>Hai liên hoan phim, một mục đích
>Liên hoan phim châu Âu: Tính cá nhân được coi trọng
>Thương hiệu Liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cannes 2015: Những gương mặt đến từ châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO