Cảm ơn UNESCO

HỒNG BÍCH| 28/03/2014 08:49

Có biết bao người vì kế sinh nhai phải bon chen về chốn đô thị, bỗng một ngày ngây ngất với tiếng đàn cò, đàn nhị, với giọng ca cất lên đâu đó ở phố thị.

Cảm ơn UNESCO

Có biết bao người vì kế sinh nhai phải bon chen về chốn đô thị, bỗng một ngày ngây ngất với tiếng đàn cò, đàn nhị, với giọng ca cất lên đâu đó ở phố thị. Bỗng nhớ quay quắt cánh đồng trải rộng đến tận chân trời, nhớ phiên chợ nổi giữa lòng sông vạm vỡ. Các nhà nghiên cứu đã định hình được nguồn gốc, giá trị của đờn ca tài tử (tức là không chuyên nghiệp) là sự lai tạo của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào của dân ca miền Trung, miền Nam, nó là sự kết hợp của tiếng đàn, điệu ca, điệu diễn đặc trưng của cuộc sống ở miền sông nước Nam bộ.

Đọc E-paper

>Đờn ca tài tử - Chuyện dài sau lễ vinh danh
>Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại
>
Đờn ca tài tử Nam bộ - Đặc sắc đất phương Nam

Nghệ thuật đờn ca tài tử có vai trò đặc biệt trong đời sống người dân ở những vùng quê dọc sông Tiền, sông Hậu. Đến bây giờ, du khách đi thuyền dọc các nhánh sông lớn vẫn còn vẳng nghe trên bờ tiếng hò, tiếng đàn ca vào những giờ nông nhàn, những lúc rạt rào con nước nổi. Trong những đám cưới, đám ma, đờn ca tài tử đều có mặt, giúp người Nam bộ biểu hiện niềm vui hay nỗi buồn thật sâu sắc.

Và bây giờ, mới ra Giêng, làng quê dựng rạp, đàn sáo vang lừng giữa thành phố phồn hoa đô hội dịp nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cũng chính dịp này, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được đưa vào Chương trình Hành động Quốc gia nhằm phục hồi, bảo vệ và nghiên cứu trong đời sống hiện thực. Và cũng chính nhìn vào chương trình ấy mới biết sức sống của đờn ca tài tử bây giờ đìu hiu, lay lắt biết bao.

Cái nôi văn hóa của đờn ca tài tử quá nhiều mảnh vỡ do sự đổi thay, phát triển. Xóm làng thưa vắng, nhiều người đi khỏi làng, lên thành phố, ra nước ngoài lập thân, lập gia đình, kiếm sống, bỏ lại tiếng hát côi cút mà thỉnh thoảng thấy vẳng theo con thuyền của du khách.

Đờn ca tài tử không thể sống trên sân khấu, nó lạc loài, cô đơn lắm. Ngay trong một tour du lịch thường gọi là tour Mê Kông đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, du khách cũng chỉ được xem biểu diễn đờn ca tài tử khoảng một tiếng đồng hồ.

Kênh rạch còn đó, vườn tược còn dày, nhưng ca nhạc dân gian xứ này mà đem ra biểu diễn thấy không ổn. Bởi nó thiếu sự chất chứa niềm vui được mùa, nỗi lo âu sông lở mất đất, lo cô gái cuối ấp đi lấy chồng bỏ lại cha mẹ già.

Những chương trình dành cho du khách, chúng điêu luyện, vậy thôi! Khách nghe rồi khách đi, ai dám bảo những dòng khách du lịch đi tour Mê Kông sẽ làm sống dậy những làn điệu nhớ nhung quê cha đất tổ thời khẩn hoang lập ấp, thời giặc giã.

Dân Nam bộ chắc không quan tâm việc Nhà nước làm Chương trình Hành động Quốc gia để đưa đờn ca tài tử đi biểu diễn, giới thiệu ở nước ngoài, ưu đãi các nghệ nhân, đưa vào giảng dạy trong nhà trường, hay tuyên truyền nhận thức bảo vệ văn hóa cho giới trẻ (các mục tiêu hành động).

Trong 7 hạng mục của chương trình ấy, chỉ thấy đúng một điều vô cùng thực tiễn: "Khôi phục các lễ hội văn hóa dân gian, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trong cuộc sống đương đại".

Phải nhìn nhận tính thực tiễn của các ý tưởng giúp cho đờn ca tài tử sống dậy chính là các lễ hội dân gian, tín ngưỡng, lễ hội văn hóa xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp. Các lễ hội với sự tiếp sức của nhu cầu vui chơi giải trí, tâm linh, phát triển du lịch sẽ trở thành cái nôi ổn định cho đờn ca tài tử gượng dậy sau những năm phôi pha.

Cuối tháng 4 năm nay, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Bạc Liêu. Ban tổ chức đã đi một bước hợp lý, dời đờn ca tài tử ra khỏi các sân khấu lớn, đưa về mặt hồ của Khu du lịch Hồ Nam (Bạc Liêu), với sân khấu biểu diễn là những chiếc xuồng lênh đênh trên sông nước.

Chương trình cũng có hội thảo khoa học về bảo tồn các vốn văn hóa cổ của đờn ca tài tử, cùng lúc tôn vinh soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang, khánh thành khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Cảm ơn UNESCO đã giúp đờn ca tài tử và những ai yêu nghệ thuật dân gian này một dịp thức tỉnh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cảm ơn UNESCO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO