Bollywood đang tiến tới bình đẳng giới?

PHÚC NHƯ THỦY| 22/07/2018 06:28

Dù ở thập niên trước, nụ hôn đồng tính nữ đầu tiên trong một bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của điện ảnh Ấn Độ đã được ghi nhận, nhưng trong lịch sử 105 năm của màn ảnh Bollywood, chưa người phụ nữ nào từng được tôn vinh.

Bollywood đang tiến tới bình đẳng giới?

Cảnh trong phim Veere Di Wedding

Nhưng ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ cuối cùng cũng bắt đầu hướng đến những vấn đề đương đại và kể những câu chuyện của phụ nữ.

Chạm vào đề tài "nhạy cảm"

Mùa hè này đã đánh dấu sự kiện Bollywood bắt đầu khai thác những khía cạnh mới. Trong các phim "bom tấn" Veere Di Wedding Lust Stories do Netflix phân phối mới đây, đã có hơn 3 người phụ nữ được đặt ở vị trí trung tâm.

Swara Bhaskar - một trong những nữ diễn viên chính của Veere Di Wedding (bộ phim hài kể về 4 phụ nữ cùng chuẩn bị cho đám cưới của một người trong nhóm) chia sẻ: "Đây là thời điểm tuyệt vời cho Bollywood. Tôi nghĩ ngành công nghiệp này đang trải qua những thay đổi nhanh chóng và thú vị".

Link bài viết

Những ngôi sao nổi tiếng như Akshay Kumar - được biết đến với những vai hành động võ thuật, nay cũng đang mạnh dạn khai thác sâu những vấn đề xã hội mà không sợ mất khán giả. Đầu năm nay, Akshay Kumar đã sản xuất và đóng vai chính trong phim Padman có nội dung dựa trên câu chuyện có thật về một nhà hoạt động xã hội tiên phong trong việc sản xuất băng vệ sinh giá rẻ nhằm cải thiện sức khỏe của những phụ nữ nghèo.

Akshay cho biết: "Tôi nhận được nhiều lời khen trên mạng xã hội, nhưng một vài người nói rằng không thể tin được tôi có thể công khai làm phim về những điều như vậy. Nhưng đó là hiện thực xã hội hiện nay mà chúng ta có trách nhiệm góp phần phản ánh để cuộc sống của phụ nữ được tốt đẹp hơn".

Vào thời hoàng kim (những năm 1950 và 1960), Bollywood có vẻ tồn tại tách biệt với hiện thực xã hội xung quanh. Sanjoy Mukhopadhyay - chuyên gia nghiên cứu phim ảnh tại Đại học Jadavpur (Ấn Độ) cho biết: "Thời đó, những bộ phim luôn kể về các chàng trai giàu có gặp những cô gái nghèo khổ hoặc ngược lại, nhưng có kèm theo những yếu tố đặc trưng của Ấn Độ như các bài hát hoặc điệu nhảy ấn tượng".

Những năm trước và sau 1975, khi các chính trị gia khó tính của Ấn Độ đề ra chính sách quản lý đất nước bằng sắc lệnh, áp đặt luật kiểm duyệt... thì những bộ phim tiếng tăm nhất thời đó của Bollywood như Deewaar và Sholay... tập trung chủ yếu vào những người cố gắng sống sót trong tình hình xã hội hỗn loạn.

Cuộc cải cách và tự do hóa kinh tế năm 1991 đã đưa Ấn Độ ra với thế giới. Thu nhập của người dân tăng lên, các bộ phim và chương trình truyền hình nước ngoài bắt đầu du nhập vào thị trường trong nước. Điều này đã làm bùng nổ làn sóng phim mới như Hero No 1 được quay ở châu Âu và có dàn nhân vật chính sử dụng luân phiên tiếng Ấn Độ và tiếng Anh, phản ánh một thế hệ với ngày càng nhiều người Ấn Độ tầng lớp trung lưu "trở thành công dân toàn cầu".

Vẫn khó qua cửa kiểm duyệt

Theo nhà phê bình phim Anna MM Vetticad, sự gia tăng những bộ phim lấy phụ nữ làm trung tâm gần đây là do ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ đang dần nhận ra thị trường rộng lớn chưa từng khai phá thuộc về những phụ nữ có tiền mua vé và khao khát muốn xem những bộ phim có liên quan đến họ.

Tuy vậy, như Alankrita Shrivastava - đạo diễn làm việc tại Mumbai, nhận định thì Ban kiểm duyệt phim quốc gia vẫn xem bản thân họ là "những người giám hộ đạo đức". Năm ngoái, cô đã "chiến đấu" với Ban kiểm duyệt để được phép ra mắt bộ phim Lipstick Under My Burkha kể về những trải nghiệm của 4 phụ nữ ở một thị trấn nhỏ tại Ấn Độ.

Ban kiểm duyệt ban đầu cấm bộ phim vì "quá hướng đến giới nữ" và có "những cảnh nhạy cảm", nhưng quyết định này đã thay đổi sau khi Alankrita kháng nghị. Alankrita chia sẻ thêm: "Góc nhìn của phái nữ vẫn không được hoan nghênh lắm trong văn hóa đại chúng hiện nay. Trường hợp bộ phim của tôi còn có vấn đề tầng lớp. Phim đem đến cho khán giả góc nhìn của những phụ nữ không giàu có và điều này vẫn được xem là vi phạm quy tắc kiểm duyệt".

Cảnh trong phim Lust Stories

Cảnh trong phim Lust Stories

Chủ nghĩa sùng bái tôn giáo và đẳng cấp ngày càng lớn mạnh ở Ấn Độ cũng đang gây sức ép cho các nhà làm phim. Padmaavat - bộ phim về Hoàng hậu huyền thoại của Vương quốc Mewar (nay thuộc Ấn Độ) do Deepika Padukone - một trong 2 nữ diễn viên được trả cát-xê cao nhất Ấn Độ và là nữ nghệ sĩ duy nhất của Ấn Độ được vinh danh trong Top 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018 của Tạp chí Time (Mỹ) - đóng vai chính đã từng bị hoãn chiếu vì tin đồn phim có cảnh tình cảm giữa Hoàng hậu và một vị vua Hồi giáo.

Những thành viên bảo thủ của tổ chức có liên quan đến hoàng tộc Rajput (từng trị vì Mewar) đã gây ra các cuộc phản đối và đe dọa sẽ làm hại Deepika nếu phim được công chiếu. Cuối cùng bộ phim cũng được ra mắt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành phim có doanh thu cao nhất năm 2018 tính đến thời điểm này. 

Nhưng vụ việc vẫn khiến những ngôi sao như Akshay Kumar thận trọng: "Khi nói về lịch sử, nhiều người thường tỏ ra rất nhạy cảm. Tốt hơn hết là nên tránh những thứ đó".

Bollywood vốn là ngành thương mại được ưa chuộng ở Ấn Độ và cũng là ngành sợ rủi ro nhất. Thành công trong doanh thu phòng vé của PadmanVeere Di Wedding cho thấy khán giả "không quá khó tính" như các nhà làm phim vẫn nghĩ. Swara Bhaskar cho rằng, tiếp theo Bollywood nên có cái nhìn trực diện vào vấn đề giai cấp trong xã hội: "Cho đến nay, chúng ta mới chỉ tán dương giai cấp theo những cách rất thiển cận và thiếu suy nghĩ".

Còn Sanjoy nói thêm, các nhà làm phim nên đem máy quay ra khỏi các thành phố và kể những câu chuyện về các cộng đồng nông thôn nghèo khổ chiếm phần lớn trong xã hội Ấn Độ: "Vẫn còn quá ít phim về những người lái tàu điện hay những người làm việc ở chợ cá".

 (Nguồn: The Guardian)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bollywood đang tiến tới bình đẳng giới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO