Bay hồn phố cổ

CHẾ QUANG THỌ| 23/07/2010 04:47

Theo những bước thăng trầm của lịch sử, kiến trúc Sài Gòn có thể được nhận dạng qua ba mảng chính: kiến trúc bản địa, kiến trúc thuộc địa Đông Dương và kiến trúc hiện đại.

Bay hồn phố cổ

Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, từ Gia Định thành, rồi Hòn ngọc Viễn Đông thời Pháp thuộc đến thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, thì việc chỉ còn lại một khu phố cổ (đoạn đường Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục) đáng để chúng ta suy nghĩ về việc bảo tồn, gìn giữ di sản cho thế hệ mai sau.

Chưa nhận chứng nhận di tích, đã nhận đền bù giải tỏa

Theo những bước thăng trầm của lịch sử, kiến trúc Sài Gòn có thể được nhận dạng qua ba mảng chính: kiến trúc bản địa, kiến trúc thuộc địa Đông Dương và kiến trúc hiện đại. Trong khi các kiến trúc sư đang loay hoay tìm một sắc thái riêng cho nền kiến trúc nước nhà, thì buồn thay, các công trình kiến trúc cổ, mang bề dày văn hóa, lịch sử của Sài Gòn, lại đang có nguy cơ biến mất!

Đó là trường hợp của một trong những căn nhà cổ ở khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 của ông Nguyễn Minh Chính. Ngôi nhà được xây vào khoảng năm 1883, thời vua Tự Đức, diện tích khoảng 400m2 với đặc trưng hệ vì kèo, hoành phi câu đối, bao lam, bộ tràng kỷ mang đậm phong cách trang trí Nam bộ.

Ông Chính cho biết: “Căn nhà đang nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, mấy tháng nay, tôi phải đi khắp nơi để tìm cách cứu nó mà vẫn chưa được. Đây là một trong hai căn nhà đủ điều kiện được xếp hạng di tích, nhưng do nằm trong diện giải tỏa nên vẫn chưa được xếp hạng”. Thế mới thấy, tìm được nhà cổ đã khó, để được công nhận là di tích và có kế hoạch bảo tồn còn khó gấp trăm lần!

Không quá khó để nhận diện những căn nhà cổ nằm lẫn trong những ngôi nhà mới xây dựng ở khu vực này. Đó là những căn nhà với mặt tiền được trang trí theo phong cách kiến trúc Roman, Gothic, Barocco. Dù đã may mắn được các cấp chính quyền phục dựng lại cách đây 3 - 4 năm, nhưng chúng cũng không còn giữ được nguyên vẹn “chất cổ”.

Nguyên nhân là do người dân sống trong những căn nhà này đã tự ý sửa chữa kiến trúc sẵn có. “Để thuận tiện trong việc thi công, họ cho thợ dùng vữa trét kín các gờ chỉ ở cột và bịt kín các vòm cửa thành ngang phẳng cho tiện sử dụng”, anh Hưng, một trong những chủ hộ của căn nhà số 45, chia sẻ. Đó là mới nói về phần “mặt tiền”, tệ hơn, không gian bên trong những căn nhà này đã bị băm nát, chia năm xẻ bảy.

Trong mỗi căn nhà một trệt, một lửng (do người dân cơi nới thêm), hai lầu có từ ba đến bảy hộ chung sống, với khoảng 15 - 30 nhân khẩu. Vì đa số dân cư thuộc thành phần lao động phổ thông, nên việc quan tâm duy trì, bảo tồn công trình kiến trúc mà họ đang sở hữu quả thực là rất khó thực hiện.

“Trong nhà chẳng còn gì là cổ ngoài chiếc cầu thang còn tương đối nguyên vẹn. Mọi thứ đều được tân trang nếu không do bị mối mọt ăn, thì cũng do người ta muốn thay mới để tiện dùng”, anh Hưng nhận xét. Anh tự hào khi đưa chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về chiếc cầu thang cổ duy nhất còn lại trong dãy nhà. Có lẽ không phải người dân ở đây không nhận thức được giá trị văn hóa của kiến trúc căn nhà mình đang sở hữu, mà do lực bất tòng tâm.

Hướng đi nào cho công trình kiến trúc cổ

Một công trình kiến trúc ra đời dựa trên nhiều yếu tố: văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, môi trường... Cũng tương tự vậy, để bảo tồn được các công trình kiến trúc cổ cần sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân.

Nhiều nhà khảo cổ học đã hoang mang không biết làm sao tìm được các hiện vật lịch sử trong đống xà bần của tòa nhà 33 tầng, hay mới nhất là tòa nhà Vincom (vùng đất quận 1, quận 3 trước đây là thành Gia Định, rồi thành Phượng Hoàng của triều Nguyễn), nhưng chưa có cơ quan nào chú ý đến vấn đề này.

Phát biểu tại hội nghị báo cáo kết quả Đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa giai đoạn 2006-2020 và góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010-2020, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, khẳng định: “Dù 100m, 200m hay 1.000m phố mà có chứa không gian đô thị, dấu ấn lịch sử, văn hóa của TP.HCM thì chúng ta cũng phải giữ”.

Tiếng nói của bà Thanh cũng như nhiều đại biểu trong ngành cho thấy ý thức và định hướng bảo tồn phố cổ của lãnh đạo thành phố. Thế nhưng, cần có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn trong việc bảo tồn. Không những phục dựng lại nguyên bản các công trình kiến trúc, mà còn phải làm sao cho chúng trở thành những thực thể sống và có thể tự sống được. Chỉ có vậy mới “phục sinh được một cách toàn diện”.

Đơn cử như khi thiết kế cảnh quan trục đại lộ Đông - Tây cần lắm việc phục dựng lại không khí tấp nập, nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền, đó cũng chính là một trong những điều làm nên cái hồn của một đô thị cảng. Và chắc hẳn du khách ngoại quốc rất thích được ở trong những ngôi nhà cổ ở phố Hải Thượng Lãn Ông, hay những ngôi nhà ba gian hai chái đặc trưng Nam bộ, cùng với người dân bản địa thưởng thức bữa cơm Việt Nam, nghe trong gió thoảng buổi sớm mùi hương thuốc Bắc thay vì ở trong những khách sạn nhiều sao mà nước họ không thiếu.

TP.HCM sẽ không phải là đô thị văn minh nếu những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử cứ dần biến mất. Phải biết trân trọng và gìn giữ những giá trị của quá khứ thì thành phố mới có thể phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bay hồn phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO