Áo người mặc sao vừa?

PHƯƠNG QUYÊN| 05/12/2009 08:19

Lượng người xem cao ngất ngưởng của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc thực sự là mê lực đối với các nhà làm phim VN. Thế nhưng, khi bắt tay vào cuộc "Việt hóa phim Hàn" lại là một câu chuyện khác của làng giải trí...

Áo người mặc sao vừa?

Lượng người xem cao ngất ngưởng của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc thực sự là mê lực đối với các nhà làm phim VN. Thế nhưng, khi bắt tay vào cuộc "Việt hóa phim Hàn" lại là một câu chuyện khác của làng giải trí...

Cũ người nhưng mới ta

Đi cùng công nghệ thu tiếng trực tiếp (Sitcom), kịch bản phim Hàn bắt đầu xâm nhập vào phim truyền hình VN vài năm trở lại đây. Đi hết ba phần của Mùi ngò gai với những đánh giá không tốt cho phần kết, những tưởng kịch bản phim Hàn đã hoàn thành vai trò của nó ở VN. Không ngờ, sau Mùi ngò gai, những kịch bản phim Hàn như Lẵng hoa tình yêu, Hoa dã quỳ, Vườn ảo thuật và mới đây nhất là Có lẽ nào ta yêu nhau, Dù gió có thổi... lần lượt được các nhà sản xuất phim Việt bắt tay vào thực hiện.

Cảnh phim Dù gió có thổi

Có lẽ, cố gắng để có được những gương mặt đẹp như diễn viên Hàn Quốc nên người mẫu, hoa hậu... là đối tượng được nhắm đến để giao vai trong các phim này như các “siêu mẫu”: Bình Minh, Ngọc Diệp, Bằng Lăng, Anh Thư và Tường Vy... Tiêu chí chọn diễn viên như vậy nên với những người mẫu không đủ sức đảm đương những vai lớn, họ cũng được chọn vào dù rằng thiếu khả năng lẫn kinh nghiệm. Người mẫu Ngọc Quyên trong Có lẽ nào ta yêu nhau là một ví dụ.

Mạnh dạn hơn trong việc Việt hóa phim Hàn, mới đây, kịch bản nổi tiếng từng gây “sốt” tại các nước Đông Nam Á trong đó có VN là Ngôi nhà hạnh phúc cũng được mua và chuyển thể để các diễn viên Việt trổ tài. Giải thích lý do mình làm lại phim Hàn đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết: “Ngôi nhà hạnh phúc là một kịch bản hay, đã thu hút rất nhiều khán giả theo dõi. Phim có thể gây thích thú cho người xem một lần nữa”. Điều này cho thấy lượng khán giả phim ở chính quốc và tại VN chính là bảo chứng để các nhà làm phim Việt hăng hái nhảy vào mảng đề tài này khai thác.

Bỗng dưng thấy chán

Hào hứng Việt hóa phim Hàn nhưng đáng tiếc số phận của những bộ phim ấy sau khi được Việt hóa lại không có màu hồng mong ước. Hầu hết, phim này đều mang “bệnh” chung là vô lý. Khán giả vô cùng ngạc nhiên với hình ảnh anh chàng Hoài Tậu của Dù gió có thổi (Bình Minh thể hiện) keo kiệt một cách khó tin cũng như chẳng hiểu sao cô gái nghèo Mai Nam trong Có lẽ nào ta yêu nhau lại ăn diện sang trọng như người mẫu đến như vậy.

Không gian đời sống gia tộc của các phim Việt hóa cũng hoàn toàn xa cách với người Việt. Ứng xử, nói năng... đều theo phong cách hết sức lạ lẫm. “Nếu xem phim Hàn, tôi chấp nhận vì nghĩ rằng văn hóa xứ người nó thế. Còn đây là phim Việt mà hành xử như Hàn, khán giả không thể nào đồng cảm” - nick Hoaniem thành viên của diễn đàn dienanh.net nhận xét.

Chưa đi hết một phần ba hành trình nhưng nhận xét chung của khán giả dành cho Ngôi nhà hạnh phúc là nhạt. Cách đối đáp cường điệu hóa của các diễn viên không làm hài lòng người xem, dù rằng đội ngũ diễn viên tham gia bộ phim này diễn xuất khá tốt. Nhan nhản trong những câu chuyện của các nhân vật, những tên tác phẩm do Vũ Ngọc Đãng dàn dựng như Đẹp từng centimet, Tuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc... được nhắc đi nhắc lại. Ban đầu, khán giả còn có thể chấp nhận nó như một yếu tố gây cười nhưng tần suất nhắc đến nhiều như hiện nay, dễ tính thế nào thì người xem cũng không tránh được tình trạng “bỗng dưng thấy chán”.

Tiết lộ về quá trình chuyển thể và dựng phim, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tiết lộ, đoàn làm phim chưa mất 100 ngày để hoàn thành Ngôi nhà hạnh phúc “made in VN”. Theo anh, kịch bản phim đã tương đối hoàn chỉnh nên việc xây dựng lại tác phẩm cũng không gặp khó khăn gì nhiều. Quy trình làm hơn 30 tập phim thần tốc đến như vậy nên những sạn trong phim có tồn tại cũng là điều dễ hiểu.

Hàn hóa Việt hay Việt hóa Hàn?

Dù thất bại nhưng các nhà làm phim vẫn chưa nguôi ý định Việt hóa phim Hàn. Anh em nhà bác sĩ, Người mẫu... những bộ phim từng lấy nước mắt của người hâm mộ đã được mua về và viết lại kịch bản. Rút kinh nghiệm từ người đi trước, đầu tư cho những kịch bản ấy đã được chú trọng hơn. Điển hình như nhà sản xuất Anh em nhà bác sĩ mời hẳn tiến sĩ, bác sĩ Lê Minh Khôi làm tư vấn chuyên môn cho kịch bản. Điều này khiến người xem có thể hy vọng chất lượng các phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài sẽ cao hơn bây giờ.

Việc mua và dựng lại kịch bản phim không phải hiếm trên thế giới. Kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood cũng từng làm điều này với các kịch bản phim Trung Quốc và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn phải thấy rằng, từ cốt truyện mua về, đội ngũ biên kịch đã đầu tư rất công phu để cho ra một tác phẩm hoàn toàn mới.

Chưa có khả năng làm được điều này, lại khác bối cảnh sống, văn hóa... liệu công nghiệp làm phim truyền hình có cần thiết mua kịch bản phim Hàn rồi tốn thời gian, tiền bạc và công sức để chỉnh sửa thành phim Việt? Câu trả lời có lẽ dễ dàng tìm thấy ở trào lưu Việt hóa phim Thái đã từng thất bại cay đắng trước đây.

“Hiện người viết kịch bản giỏi không thiếu nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Đội ngũ viết trẻ lại thường xuyên bị chèn ép nên việc sang tác kịch bản mới vô cùng hạn chế” - nhà biên kịch Đỗ Tài khẳng định. Như vậy, nếu lấy kinh phí Việt hóa phim Hàn để đầu cho các sáng tác mới, có phải, truyền hình VN sẽ có cơ hội đưa đến khán giả những bộ phim hấp dẫn nhưng vẫn gần gũi với đời sống hơn là mua và gồng mình làm cho giống "người khác" như hiện nay?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áo người mặc sao vừa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO