Ăn đong thời khó khăn

LÊ PHƯƠNG| 02/10/2009 07:26

Do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, nhiều chương trình giải trí trên truyền hình đang bị cắt giảm kinh phí đáng kể, kéo theo chất lượng ngày càng giảm sút.

Ăn đong thời khó khăn

Do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, nhiều chương trình giải trí trên truyền hình đang bị cắt giảm kinh phí đáng kể, kéo theo chất lượng ngày càng giảm sút.

Giật gấu vá vai

Các chương trình giải trí trên truyền hình sống phần lớn bằng tài trợ, nhưng do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế nên không ít DN bắt đầu chùn tay với các khoản kinh phí cho quảng bá thương hiệu. Điều này dẫn đến nhiều chương trình đang chuyển sang hoạt động cầm chừng.

Có thể thấy rõ nhất ở các chương trình giải trí mang tính thời sự như Kính đa tròng, Nhật ký không độ, Chuyện không của riêng ai... vốn có lượng khán giả cao, thế nhưng đang có dấu hiệu chững lại về chất lượng. Nếu như trước đây, khán giả được thấy diễn viên quần chúng, tình tiết dẫn dụ liên tục, thì hiện nay, bố cục chung của các chương trình này chỉ đơn giản là hai hay ba nhân vật trò chuyện với nhau để đưa ra nội dung kèm các pha gây cười.

Việc cắt giảm kinh phí của nhà tài trợ chính là nguyên nhân khiến chất lượng của các chương trình truyền hình sa sút. Theo nhà biên kịch Tâm Bảo, cây bút thường xuyên xây dựng kịch bản cho Chuyện cổ tích bây giờ, các nhà sản xuất đang có xu hướng chuyển các chương trình truyền hình từ hành động sang đối thoại. Anh kể, trước đây, một chương trình được dàn dựng khá nhiều cảnh, thậm chí còn kéo cả diễn viên ra khỏi trường quay, tìm ngoại cảnh để có những khung hình đúng với bối cảnh câu chuyện, vậy mà hiện nay, nhà sản xuất đề nghị người viết kịch bản chỉ xây dựng 1 - 2 cảnh quay, số lượng nhân vật cũng chỉ 2 - 3 người để hạn chế chi phí. Điều này vừa làm khó người biên kịch, vừa ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chương trình.

Không chỉ kém hay, nhiều chương trình còn bị khai tử vì thiếu kinh phí, cụ thể như VTV đã công bố ngưng phát sóng Điện ảnh chiều thứ bảy hay Văn nghệ chủ nhật sau 8 năm hoạt động, trong khi hai chương trình này có số lượng khán giả khá cao. Một trong những chương trình bị ngưng phát sóng mà khán giả tiếc nhất có lẽ là Con đường âm nhạc. Công ty Vietba Media, nơi sản xuất chương trình, vẫn đang trong hành trình tìm nhà tài trợ để chương trình có thể tiếp tục lên sóng.

Các chương trình ca nhạc dành cho giới trẻ như Âm nhạc của tôi, Thế giới V-pop, Alô@ngôi sao, hay những game show từng ăn khách Hội ngộ bất ngờ, Chúc mừng sinh nhật cũng sắp kết thúc vì thiếu nhà tài trợ. Chưa hết, không ít khán giả ấm ức vì chuyện Ban tổ chức game show Thử thách thời gian ứng xử không đẹp: Ban tổ chức đã mời vài khán giả tham gia game show với lời hứa “Khi nào chương trình phát sóng, người chơi sẽ được lãnh thưởng”. Thế nhưng, đã nửa năm trôi qua mà chương trình vẫn bặt vô âm tín trên sóng truyền hình.

Đỏ mắt tìm tài trợ

“Tìm kinh phí hiện nay rất khó. Mặc dù có rất nhiều chương trình hay, nhưng tìm được nhà tài trợ là chuyện không tưởng”, anh Minh Phong, chủ một DN chuyên làm game show than thở. Chị Ánh Tuyết, nhân viên marketing một công ty quảng cáo cho biết thêm: “Bản tin thị trường mà tôi đang phụ trách phát sóng trên 30 đài, sau Bản tin thời sự, đến bây giờ đang phải ráo riết tìm nhà tài trợ, dù rằng trước đây, việc tìm nguồn thu cho các chương trình này khá đơn giản”.

Tình trạng rút lui giữa chừng của các nhà tài trợ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cảnh “chợ chiều” của chương trình truyền hình. Ông H.H., Giám đốc một DN sản xuất chương trình truyền hình lớn, cho biết, khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ thì thời nào cũng có, nhưng với tình trạng khó khăn hiện tại, các nhà tài trợ càng phải cân nhắc kỹ hơn khi quyết định đầu tư vào một chương trình nào đó.

Ông Matthew J. Siegel, Giám đốc hình ảnh Hollywood, trong lần đến VN với tư cách giảng viên khóa học Varicam Master Class, cho biết, việc cắt giảm tiểu tiết các chương trình truyền hình trong bối cảnh kinh tế suy giảm hiện nay là tình hình chung của tất cả các nhà sản xuất trên thế giới. Thế nhưng, việc cắt tiểu tiết đòi hỏi đội ngũ làm chương trình phải có nghề. “Cắt giảm nhưng phải đảm bảo chất lượng của chương trình, phải đảm bảo không làm khán giả bị hẫng”, ông nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ăn đong thời khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO