Một cơ sở trên hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tại Lubmin, Đức ngày 8/3. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 6/7/2022, các thành viên EU nhất trí rằng một số hoạt động sử dụng khí đốt và điện hạt nhân vẫn được xếp trong danh mục nguồn năng lượng xanh bền vững. Danh mục này xác định "các hoạt động kinh tế bền vững với môi trường", định hướng cho các nhà đầu tư, hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong tài trợ cho các dự án, trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu.
Theo Hiệp hội Thông tin Năng lượng Mỹ, khí đốt tự nhiên phát thải carbon dioxide tương đương 58,5% so với than. Năng lượng hạt nhân không gây ô nhiễm, nhưng gặp phải nhiều chỉ trích liên quan đến việc lưu trữ chất thải phóng xạ. Dù vậy, cần biết rằng EU chỉ coi khí đốt và điện hạt nhân là "năng lượng xanh" trong một số trường hợp cụ thể.
Ví dụ, sử dụng khí đốt để sản xuất điện, sưởi ấm hoặc làm mát nhiều ngôi nhà cùng lúc sẽ được coi là bền vững, trong khi các mục đích sử dụng khác có thể bị loại khỏi danh mục. Các hoạt động sử dụng khí đốt này sẽ phải nằm dưới ngưỡng phát thải nhất định và chỉ được cho phép tới năm 2030 hoặc 2035, tùy tình huống cụ thể. Các nhà máy điện hạt nhân mới, sử dụng công nghệ tối tân và các nhà máy cũ được cải tạo để kéo dài tuổi thọ có thể được coi là nguồn "năng lượng xanh" cho đến năm 2040 hoặc 2045.
Theo Luật Khí hậu châu Âu, EU vẫn yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% đến năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050. Song, cuộc bỏ phiếu cho thấy EU đồng thời muốn khuyến khích đầu tư tư nhân vào khí đốt và điện hạt nhân, trong bối cảnh khu vực đang tìm cách chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch, nhất là than, sang năng lượng sạch.
Sau cuộc bỏ phiếu nói trên, quyết định coi khí đốt là năng lượng xanh của EU đã vấp phải nhiều tranh cãi. Theo một số nhà quan sát, việc khối này tiếp tục sử dụng khí đốt đồng nghĩa tiếp tục phụ thuộc năng lượng Nga, cũng như ảnh hưởng tới các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
"EU đã bỏ lỡ cơ hội thiết lập tiêu chuẩn vàng cho tài chính bền vững. Thay vào đó, họ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Chính trị và các lợi ích liên quan đã chiến thắng khoa học", Laurence Tubiana - CEO của tổ chức bảo vệ môi trường European Climate Foundation, nói.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng trong bối cảnh châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng do căng thẳng với Nga, nỗ lực sử dụng khí đốt để hướng đến mục tiêu cuối cùng là loại bỏ than đá là "quyết định chính đáng". "Ưu tiên chính và cấp bách nhất của chúng tôi lúc này là loại bỏ than đá sớm nhất có thể ở châu Âu", Pascal Canfin - Chủ tịch ủy ban môi trường thuộc Nghị viện châu Âu nói, nhấn mạnh rằng để thực hiện mục tiêu này, châu Âu cần phát huy vai trò của khí đốt để thay thế than đá.