Là một trong những kênh quảng cáo trực tuyến đang thu hút nhiều doanh nghiệp và có doanh thu khổng lồ nhưng YouTube cũng như Google hay Facebook đang khó thu thuế tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Doanh thu khổng lồ từ quảng cáo
Kể từ khi Google thâu tóm YouTube tới nay đã có rất nhiều thay đổi trong thị trường công nghệ. Các cơ sở hạ tầng công nghệ như băng thông đã được mở rộng, smartphone trở thành vật dụng không thể thiếu và video đã nổi lên thành một ngành kinh doanh lớn.
YouTube tự hào rằng trang web của họ đạt nhiều người xem trong độ tuổi từ 18 đến 34 tuổi hơn bất kỳ mạng truyền hình cáp nào. Số lượng khán giả của YouTube đã vượt 1 tỷ người, với 80% người xem ở bên ngoài Mỹ.
Alphabet, công ty mẹ của Google, mới đây đã công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ của mảng quảng cáo di động và video. Công ty mẹ của Google, Alphabet Inc., không tiết lộ YouTube kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng nhà phân tích Mark Mahaney của RBC Capital ước tính doanh thu hàng năm của YouTube hiện đã đạt 10 tỷ USD và đang tăng trưởng hơn 40% một năm.
Theo đó, hình thức quảng cáo TrueView (đoạn quảng cáo chiếu trước khi xem nội dung chính của video trên YouTube) đã có sự tăng trưởng. YouTube có tốc độ tăng trưởng khoảng 16% và thời gian xem video trên di động tăng gấp hơn 2 lần.
Với sự gia tăng của lượng người sử dụng smartphone và smartTV, Youtube đang ngày càng được hưởng lợi. Theo dự đoán của Statista, năm 2017, quảng cáo trực tuyến sẽ tiếp tục "nóng" với sức tăng trưởng đầy ấn tượng, có thể đạt tới ngưỡng doanh thu trên 229 tỷ USD, vượt xa mức 195 tỷ USD của năm 2016. Tới năm 2020, con số này được cho là sẽ chạm mốc 335 tỷ USD.
Tại Việt Nam, số liệu tổng hợp cho thấy các doanh nghiệp đang chi tiền quảng cáo rất lớn, lên đến cả tỷ đô la. Mặc dù doanh thu từ quảng cáo trực tuyến từ 2016 đến nay cũng tăng trưởng nhanh chóng, nhưng tiền dành cho quảng cáo online chỉ chiếm số ít và hầu hết chảy về túi các doanh nghiệp nước ngoài.
>>Trả 9,99 USD/tháng để không phải xem quảng cáo trên Youtube
Khó thu thuế
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã từng bàn tới việc thu thuế Google, công ty đại diện của YouTube, nhưng bất thành.
Trên trang Google ghi rõ, thuế hoặc Thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể được áp dụng cho doanh nghiệp của bạn, tùy thuộc vào vị trí của doanh nghiệp. Vì hợp đồng kinh doanh AdWords được đăng ký với Google Asia Pacific Pte. Ltd. nên thuế địa phương không được áp dụng cho hoạt động AdWords của bạn.
Những thuế này sẽ không được hiển thị trên hóa đơn. Tương tự, Facebook cũng có điều khoản thanh toán. Nếu địa chỉ lập hóa đơn của doanh nghiệp nằm ngoài EU sẽ không bị tính thuế VAT.
Tại quốc gia tại châu Âu, Google đều khước từ việc đóng góp cho các cơ quan thuế địa phương. Duy nhất tại nước Anh, Google phải nộp 169 triệu USD cho cơ quan thuế nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với con số công ty này kiếm được.
Theo Reuters, các nhà chức trách Indonesia vừa ra quyết định truy thu một số tiền cực lớn của Google. Cụ thể, Google phải trả cho nước này 418 triệu USD, tính từ năm 2011 đến nay.
Lý do là bởi phần lớn doanh thu của Google tại Indonesia đều được chuyển sang trụ sở của Google đặt tại Singapore, nhằm trốn trách nhiệm nộp thuế. Tới tháng 6 vừa qua, Google Indonesia vẫn từ chối kiểm toán, buộc cơ quan thuế nước này phải vào cuộc.
Theo ước tính, tổng doanh thu quảng cáo trên Internet tại Indonesia rơi vào khoảng 820 triệu USD/năm. Trong khi đó, Google chiếm khoảng 70%, nhưng không có bất kì đóng góp nào cho quốc gia sở tại.
Chiến thuật mà Google sử dụng dựa trên cái gọi là "chuyển giá" (Transfer Pricing), là những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con, nhằm chuyển giao số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, còn chi phí được chuyển sang các nước đánh thuế cao.
Luật sư Trần Vi Thoại - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Vega, cho biết, pháp luật Việt Nam có quy định rõ về việc áp dụng thuế nhà thầu đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Do đó, trong trường hợp Youtube (hay cụ thể là Google) tại Hoa Kỳ có phát sinh thu nhập tại Việt Nam thì sẽ phải chịu thuế nhà thầu nếu thuộc trường hợp phải chịu thuế nhà thầu.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ quảng cáo quảng cáo, tiếp thị trên Internet cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài thì thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu.
Ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức ở Singapore để thực hiện dịch vụ quảng cáo sản phẩm tại thị trường Singapore thì dịch vụ quảng cáo này của tổ chức Singapore không thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu. Nhưng, nếu thực hiện quảng cáo để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam trên Internet thì thu nhập từ dịch vụ quảng cáo này thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu.
Trong trường hợp này, tổ chức đăng ký hoạt động tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, nếu có trả phí cho Youtube trên cơ sở hợp đồng thì tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh này phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế cho Youtube tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để xác định được hợp đồng dịch vụ quảng cáo và giá trị giao dịch này giữa người dùng và YouTube là một điều không đơn giản nên việc thu thuế từ hoạt động quảng cáo này cũng là điều hết sức khó khăn.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch công ty luật Basico, cho rằng, những phương tiện quảng cáo của doanh nghiệp Việt Nam hoặc hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nếu là trang web hoàn toàn của nước ngoài thì pháp luật Việt Nam không thể can thiệp trực tiếp. Khi đó, chúng ta chỉ có thể đề nghị họ phối hợp xử lý theo các nguyên tắc, quan điểm, gía trị chung.
Đại diện một doanh nghiệp kiến nghị, khi Google hoạt động tại Việt nam, họ phải thuê server, đăng ký tên miền và có các đối tác viễn thông trong nước. Từ mối quan hệ này, ngành thuế có thể tạo áp lực và buộc họ phải kê khai nộp thuế.
Còn theo đánh giá của luật sư Đức, cần phối hợp, đàm phán hợp tác để các bên cùng có lợi, chứ không thể ngăn cấm hoặc áp đặt như với những đối tượng nằm trong tay mình. Google được lợi rất lớn, nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi rất nhiều từ chính điều đó và gián tiếp đóng góp cho ngân sách.