Doanh nhân yêu nước: Vinh dự lớn, trách nhiệm lớn

HỒNG NGA - HẢI ÂU thực hiện - Ảnh: QUÝ HÒA| 10/12/2015 06:35

Trong hai ngày 6 và 7/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"...

Doanh nhân yêu nước: Vinh dự lớn, trách nhiệm lớn

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX (diễn ra ngày 6-7/12/2015) có đại diện khối doanh nghiệp (DN) và doanh nhân TP.HCM. Về điển hình cá nhân, TP.HCM có 5 doanh nhân tham gia Đại hội.

Đọc E-paper

Đó là: Ông Phạm Xuân Hồng - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3; ông Nguyễn Xuân Hàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco); ông Kao Siêu Lực - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á Châu; ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan) và bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên Thái Bình Dương.

Doanh Nhân Sài Gòn đã gặp ba gương mặt tiêu biểu trong số ấy.

Ông Phạm Xuân Hồng - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, Tổng công ty Dệt may Gia Định: Đứng một mình rất khó tồn tại

* Cùng May Sài Gòn 3 trải qua nhiều giai đoạn, từ những ngày đầu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cho đến khi Việt Nam gia nhập WTO, sắp tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN và có thể là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông, sự hội nhập lần này có ý nghĩa như thế nào với DN?

- Theo tôi, sự hội nhập lần này mang tính toàn diện hơn vì nước ta ký kết với nhiều quốc gia, nhiều hiệp định, chẳng hạn như FTA Việt Nam - EU, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, hay TPP mà Việt Nam là một trong 12 thành viên tham gia đàm phán.

Trong các hiệp định đó, điều kiện tương đối cụ thể , thực tiễn hơn, khắt khe hơn so với WTO (WTO chủ yếu là những nguyên tắc chung), cho nên, thách thức với DN sẽ dữ dội hơn nhiều. Chính vì thế, DN hiện nay rất quan tâm, chuẩn bị kỹ hơn, tích cực hơn để đáp ứng yêu cầu hội nhập, như trong quản lý phải làm sao để mang tính hiệu quả, tạo ra năng suất mới,...

Sau quá trình công tác tại Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương), năm 1990, ông Phạm Xuân Hồng được phân công về làm Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 (khi đó là Xí nghiệp May Sài Gòn 3 trực thuộc Liên hiệp Xí nghiệp may TP.HCM (nay là Tổng công ty Dệt may Gia Định), một xí nghiệp đang gặp nhiều khó khăn cả về sản xuất, tài chính, lực lượng lao động. Cùng với HĐQT, Ban giám đốc Công ty, ông đã từng bước đổi mới Công ty, cải tiến công nghệ, phát triển thị trường và khôi phục thị trường xuất khẩu. Cho đến nay, sau 7 năm cổ phần hóa, vốn Nhà nước tại May Sài Gòn 3 vẫn giữ nguyên 10% và trên 80% là của cán bộ, nhân viên. Năm 2013, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ngay như trong ngành dệt may, gần đây, khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã "đổ bộ” vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội khi TPP thực thi. Sự xuất hiện của họ, ở mặt nào đó sẽ giúp DN trong nước tự nâng cao năng lực để cạnh tranh nhưng cũng đối diện với không ít thách thức, thậm chí là dễ bị sa lầy nếu không chuẩn bị tốt.

* Theo ông, phía DN cần có động thái gì để tích lũy nội lực cho hội nhập, điển hình như DN ngành dệt may, vốn được nhìn nhận là hưởng lợi không nhỏ khi TPP được thực thi?

- Bản thân DN trước hết phải đi vào cải tiến công nghệ và quản lý chung. Dù thực tế đã có DN triển khai điều này nhưng con số không nhiều lắm. DN có thể đổi mới quản lý theo phương thức tinh gọn (LEAN), DN nào thực hiện tốt thì sẽ tạo ưu thế về năng suất lao động, giảm thiểu chi phí.

Điều quan trọng hơn nữa là DN phải tập trung vào xây dựng nguồn nhân lực, đây là ưu thế cạnh tranh mang tính dài hạn, vấn đề là DN có dám bỏ tiền và thời gian để làm điều này hay không. Trong những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, nếu nhân công cứ biến động liên tục thì rất khó để ổn định sản xuất.

Do vậy, muốn có đội ngũ nhân lực tốt từ quản lý đến những người trực tiếp sản xuất, DN phải cải thiện môi trường lao động, chính sách lương, thưởng hợp lý, tuyển dụng, thu nạp người giỏi... Vấn đề nữa là DN phải đổi mới phương thức kinh doanh, chẳng hạn, với ngành dệt may, DN phải thực hiện các đơn hàng FOB và nâng cấp FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) thì mới tạo ra giá trị sản xuất cao.

DN phải liên kết với nhau thông qua các hiệp hội, tổ chức để nắm thông tin, đồng thời bản thân DN nguyên phụ liệu và DN sản xuất thành phẩm cũng cần "bắt tay" vì trong thời điểm hội nhập sâu rộng như hiện nay, đứng một mình rất khó để tồn tại.

* DN cần hỗ trợ gì từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hội nhập, thưa ông?

- Hiện nay, Nhà nước ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong đó có CNHT cho ngành dệt may, nhưng để mang tính thực tiễn cao cần phải quyết liệt và mạnh tay hơn nữa, cụ thể là hỗ trợ về vốn, chính sách, ưu đãi thuế... Đối với các DN sản xuất nguyên phụ liệu, phải được hỗ trợ trong một vài năm để họ có cơ hội phát triển.

Khi đó sẽ góp phần tạo điều kiện cho DN dệt may xuất khẩu phát triển. Để có được nguồn nhân lực tay nghề cao, yếu tố tạo nên năng suất lao động và ưu thế cạnh tranh, Nhà nước phải mạnh tay đầu tư hoặc hỗ trợ khối DN tư nhân tham gia mở thêm các trường đào tạo nghề và công nghệ may để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

* Gắn bó nhiều năm với May Sài Gòn 3, đại diện cho TP.HCM tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX có ý nghĩa như thế nào với ông?

- Quan điểm của tôi là thành tích của một cá nhân lãnh đạo không thể tách rời khỏi người lao động. Những điều mà bản thân tôi đạt được khi còn điều hành May Sài Gòn 3 là công sức của cả một tập thể và đội ngũ lãnh đạo công ty, tôi rất biết ơn vì sự chung sức của họ. Trong cuộc đời tôi, đây là điều rất trân quý.

Ngành dệt may đã gắn bó với cả đời tôi, dù không còn làm trong môi trường DN nhưng tôi vẫn mong muốn làm điều gì đó cho các DN dệt may trong nước qua công tác hội. Tôi tin rằng, với sự liên kết chặt chẽ giữa các DN, cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, DN Việt sẽ tận dụng thành công những cơ hội từ lần hội nhập sâu rộng này.

>>Đã thôi mơ và chọn dấn thân

Ông Nguyễn Xuân Hàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco): Chuẩn bị năng lực mới

* Được biết, Maseco hiện kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất, các thiết bị điện tử, xuất khẩu nông sản, kinh doanh nhà hàng - khách sạn và bất động sản. Vậy, ông có thể cho biết đâu là lĩnh vực đầu tư dài hạn, mang về lợi nhuận ổn định cho Maseco?

- Maseco là DN cổ phần từ năm 2001, những lĩnh vực đang kinh doanh hiện nay hầu hết kế thừa từ DNNN. Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, Maseco đã tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ, tạo thành thế liên hoàn cho cả 3 lĩnh vực: xuất khẩu nông sản, sản xuất, phân phối sản phẩm điện tử, và dịch vụ.

Mỗi lĩnh vực có một đặc điểm riêng khó tách bạch đâu là thế mạnh chủ lực. Ví dụ lĩnh vực dịch vụ tuy doanh số không lớn nhưng lợi nhuận ổn định, xuất khẩu nông sản doanh số lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng tạo ra được kim ngạch để Công ty nhập vật tư, linh kiện sản xuất hàng hóa cho thị trường trong nước.

Maseco vẫn chủ động được nguồn ngoại tệ nhập khẩu. Còn với sản phẩm điện tử thương hiệu Arirang đã có được uy tín trên thị trường, là tài sản lớn mà Công ty phải tập trung giữ vững thị phần. Nói một cách nôm na thì việc duy trì ba lĩnh vực kinh doanh tựa như thế đứng của "kiềng ba chân" giúp Công ty phát triển ổn định.

* Maseco có thương hiệu Ariang đã tồn tại và giữ vững vị thế 18 năm qua. Maseco cũng đang chung sức xây dựng thương hiệu "Hồ tiêu Chư-sê”. Quan niệm của ông về vấn đề xây dựng thương hiệu đối với DN như thế nào? Và ông đã trải qua những giai đoạn khó khăn ra sao để làm nên tên tuổi "Arirang"?

Về doanh thu: Năm 2009, tổng doanh thu của Maseco đạt 700 tỷ đồng và 3 năm gần đây (2013, 2014 và ước thực hiện năm 2015) đạt lần lượt: 1.400 tỷ đồng, 1.600 tỷ và 1.500 tỷ đồng (bình quân 1.500 tỷ đồng/năm).

Về kim ngạch xuất khẩu: Năm 2009 là 12 triệu USD và đến năm 2014 đạt trên 50 triệu USD, tăng 292%.

Nộp ngân sách nhà nước: Năm 2009 là 42 tỷ đồng và năm 2014 trên 105 tỷ đồng. Công ty chia cổ tức bình quân hàng năm cho cổ đông là 30%.

Về chính sách với người lao động và trách nhiệm với cộng đồng: Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên Công ty Maseco được đảm bảo, từ 5 triệu đồng/tháng (năm 2009) đến nay đã tăng lên trên 9,5 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Công ty đã hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn thủ tục cho 12 cán bộ, nhân viên lập hồ sơ mua nhà cho người có thu nhập thấp. Trong 3 năm qua, Công ty đã xây dựng và trao tặng trên 30 căn nhà tình thương, 20 căn nhà tình nghĩa. Tổng số tiền tham gia công tác xã hội từ thiện trong 6 năm trên 12 tỷ đồng.

Công ty đã tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Thành viên VCCI…
Về thành tích cá nhân: Nhiều năm liền đạt danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu; năm 2013 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Thành phố, năm 2008 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và năm 2010 là Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

- Kinh tế thị trường với những quy luật cạnh tranh rất nghiệt ngã buộc DN muốn tồn tại thì phải luôn nỗ lực vươn lên bằng chính sức mạnh nội tại, trong đó yếu tố quan trọng nhất là uy tín của DN và sản phẩm. Nói một cách khác, xây dựng thương hiệu chính là việc tích tụ tạo nên giá trị riêng biệt cho sản phẩm của DN.

Gần 20 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm điện tử thương hiệu Arirang đã có được thị phần lớn, được người tiêu dùng tín nhiệm sử dụng rộng rãi là do công nghệ, kỹ thuật luôn được đổi mới, chất lượng sản phẩm vượt trội.

Tương tự, trong xuất khẩu nông sản, Maseco cũng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, trong đó ngoài việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Chư Sê” thì Maseco còn đầu tư sản xuất hồ tiêu chất lượng cao để xây dựng thành công thương hiệu riêng là "Hồ tiêu Maseco". Và hai nhãn hiệu "Arirang" "Hồ tiêu Maseco" đã được công nhận là "Thương hiệu quốc gia".

Để có được thành quả đó, Maseco đã phải kiên trì nỗ lực cao độ trong sản xuất, phân phối, đồng thời luôn phải đối phó với tình trạng buôn lậu, hàng gian, hàng giả.

* Việt Nam gia nhập WTO được xem là bước tiến quan trọng nhưng những điều khoản ràng buộc trong WTO tương đối dễ dàng với DN so với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông nhận thấy có những cơ hội và thách thức nào cho DN Việt Nam trong thời gian tới?

- Tham gia vào "sân chơi" lớn hơn tất yếu đòi hỏi DN phải chuẩn bị năng lực mới, đủ sức cạnh tranh ngay tại sân nhà và trên sân khách. Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết các DN trong nước còn ít thông tin về các hiệp định mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia nên rất lúng túng chuẩn bị hội nhập.

Vấn đề quan trọng là phải chủ động lựa chọn hướng đi, cách làm để tồn tại, cạnh tranh trong điều kiện hàng rào thuế quan ngày càng thu hẹp và tìm hiểu kỹ lưỡng các tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa để giảm thiểu tối đa những rủi ro do chủ quan hoặc thiếu kiến thức. Đó là thời cơ và thách thức với các DN Việt Nam.

* Để hạn chế tối đa những "tổn thương" khi hội nhập, theo ông, DN cần có những chuẩn bị gì? Ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ DN, đặc biệt là khối DN tư nhân khi bước vào "sân chơi" lớn?

- Kiến thức, năng lực, trình độ và tiềm lực tài chánh chính là những thách thức mà từng DN, từng ngành nghề cụ thể phải chuẩn bị thật tốt, thật đầy đủ thì mới có cơ hội phát triển, ngược lại sẽ gặp khó khăn để tồn tại. Hiện nay, Maseco đang ráo riết chỉnh đốn lại mọi mặt từ định hướng hoạt động, mô hình tổ chức, giải pháp công nghệ, tài chính, nhân lực... để sẵn sàng đi vào thử thách mới.

Điều chúng tôi quan tâm, mong muốn hiện nay là Nhà nước đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, giảm thiểu thấp nhất những quy định chồng chéo bất hợp lý, thiếu ổn định, thiếu rõ ràng để DN dành thời gian cho hội nhập. Một vấn đề khác cần phải được giải quyết triệt để đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan ngày càng nhiều đang "gặm nhấm" sức khỏe của các DN làm ăn chân chính.

* Trong thành công của kinh tế TP.HCM những năm qua, chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của những DN như Maseco. Việc được chọn là đại diện tiêu biểu cho khối DN - doanh nhân tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân ông và với Maseco?

- Maseco nhiều năm liền được vinh danh là Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tiêu biểu và mới đây được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là những ghi nhận cụ thể những đóng góp thiết thực của Maseco cho sự phát triển của Thành phố và đất nước, là vinh dự, niềm tự hào đối với tập thể Công ty.

Được đề cử đại diện DN, doanh nhân tiêu biểu của Thành phố tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này chúng tôi càng thấy sâu sắc hơn thành quả và trách nhiệm của DN trong thời gian sắp tới.

>>Người liều thận trọng

Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan): Hội nhập sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài

 Năm nay, Công ty kinh doanh có đạt mục tiêu đề ra? Với kết quả đó, ông dự báo thế nào cho năm tới?

- Doanh số năm 2015 của Công ty đạt 100% kế hoạch, tương tương với 5.000 tỷ đồng. Tuy doanh số chỉ tăng 4% nhưng lợi nhuận tăng hơn 10% so với kế hoạch. Cuối năm 2015, Công ty hoàn tất công việc cổ phần hoá, chuyển sang giai đoạn mới 2015 - 2020 là phát triển DN ngang tầm với khu vực, đồng thời thực hiện tốt vai trò bình ổn thị trường mà UBND TP.HCM tin tưởng giao cho.

Năm 2016, sức mua sẽ tăng, thu hút vốn FDI cũng dồi dào hơn. Với tín hiệu khởi sắc của thị trường, dự báo doanh số năm 2016 của Vissan tăng trên 5%. Từ nay đến năm 2020, Công ty sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng sản xuất, mở rộng đầu tư và phát triển các sản phẩm mới, chuỗi cửa hàng thực phẩm, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ vùng sản xuất nguyên liệu đến chế biến.

* TPP vừa ký kết và sắp tới là AEC hình thành sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam. Là một trong những DN trải qua nhiều năm thực thi WTO, điều ông hy vọng nhất và lo lắng nhất cho các cơ hội này là gì?

- TPP và AEC mở ra nhiều cơ hội cho DN nhưng đi kèm là không ít thách thức. Điều lo lắng nhất của tôi là ngành nông nghiệp mà cụ thể là chăn nuôi sẽ bị "tổn thương". Do quy mô còn nhỏ lẻ nên giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước còn khá cao so với mặt bằng chung. Đơn cử như giá thịt heo của Việt Nam cao hơn các nước đến 25%.

Với những đầu tư, đổi mới công nghệ, năm 2015, doanh thu của Vissan đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 183% so với năm 2005, lợi nhuận đạt 150 tỷ đồng, tăng 380%. Cùng với đó, sản lượng thịt gia súc đạt đến 23.600 tấn, tăng 30%; thực phẩm chế biến các loại là 20.000 tấn, tăng 90%. Công ty đã nộp ngân sách 250 tỷ đồng, tăng 390%; thu nhập bình quân cán bộ, công nhân viên đạt 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 122%. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành tập đoàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả hàng đầu khu vực.

Liên tiếp nhiều năm liền, Vissan luôn đạt các danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Tập thể lao động xuất sắc, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba…

Khi mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận hàng hóa từ nước ngoài vào. Hiện nay, sản xuất công nghiệp chưa được kiểm soát đúng mức, sản xuất nông nghiệp thì manh mún, vì vậy, sức cạnh tranh của hàng trong nước còn hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội mới để DN định vị được những điểm yếu, khắc phục, tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi, con giống, thức ăn gia súc...

Lộ trình 8-10 năm mới mở cửa hoàn toàn thị trường tạo cơ hội cho các DN đủ thời gian để chuẩn bị. Rút kinh nghiệm WTO, không nên để đến thời gian cuối để triển khai, như vậy sẽ mất cơ hội để phát triển. Các DN cần vào cuộc ngay từ bây giờ và như vậy, tôi tin là DN Việt có đủ sức để cạnh tranh với DN nước ngoài.

* Có những báo cáo cho thấy năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam còn thấp hơn cả các nước như Lào, Campuchia. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ so sánh như vậy là khập khiễng vì Lào, Campuchia là hai nước có quy mô tiêu thụ nhỏ, kinh tế mới phát triển nên tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, còn Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển ban đầu.

Việt Nam cần tìm ra thế mạnh để tập trung phát triển. Chẳng hạn, tạo môi trường kinh doanh tốt, cải cách thể chế hành chính, thuế để hỗ trợ cho DN phát triển, đầu tư cho quản trị mới, cho công nghệ sản xuất...

* Nhiều ý kiến cho rằng, dư địa của đổi mới của kinh tế Việt Nam đang hạn hẹp dần, với các điểm nghẽn là thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Từ trải nghiệm của DN ông đang quản lý, điều gì khiến ông quan tâm nhất và có đề xuất nào để thay đổi?

- Trong chiến lược đổi mới tất cả các ngành năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu cải cách đổi mới hành chánh, đầu tư cho cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực. Chúng ta phải làm thế nào để cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường kinh doanh và nguồn vốn cho DN phát triển.

* Trong thành công chung của kinh tế TP.HCM 2015, chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của DN mà ông đang điều hành. Đại diện cho khối DN tham gia Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

- Vissan rất tự hào đại diện cho khối DN TP.HCM tham dự sự kiện này. Đây không chỉ đại diện cho cá nhân mà đại diện cho sự đổi mới cho các DN Thành phố. Vì vậy, đây cũng là trách nhiệm lớn mà chúng tôi phải thể hiện tốt hơn nữa.

Thông qua việc tái cấu trúc giá trị cốt lõi, chúng tôi tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực kế thừa, tinh gọn lại tổ chức bộ máy quản lý, phân bổ lại nguồn nhân lực... nâng cao sức cạnh tranh, cùng các DN Việt Nam hội nhập sòng phẳng hơn với DN nước ngoài.

>>Gia nhập TPP-cơ hội để doanh nghiệp "làm mới mình"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân yêu nước: Vinh dự lớn, trách nhiệm lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO