Doanh nhân viết sách: Cho đi là để nhận về

TS. Lý Quí Trung| 05/02/2022 00:00

Có người nói rằng, doanh nhân viết sách là để lan tỏa giá trị cho nhiều người khác. Điều đó cũng đúng, nhưng đối với tôi động lực đó chưa bao giờ là nhu cầu thực sự để mình đặt bút xuống viết. Nói khác đi, sự lan tỏa của một cuốn sách nếu có chỉ là kết quả của một hành trình bên trong của mình. Doanh nhân chẳng qua chỉ là một trong những chiếc áo mà tôi khoác trên người lúc viết.

Doanh nhân viết sách: Cho đi là để nhận về

Dĩ nhiên, doanh nhân viết sách có khác với các tác giả khác viết sách, nhưng hành trình diễn ra bên trong thì ít khi biết phân biệt mà mỗi người mỗi trải nghiệm khác nhau. Đối với tôi, mỗi một hành trình đều đem lại cho mình nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ sự hưng phấn cao độ đến nỗi thất vọng, bế tắc. Mới ngày hôm trước cảm xúc còn tuôn trào, chữ nghĩa cứ chen nhau xuất hiện, vậy mà đến ngày hôm sau thì một chữ viết cũng không ra. Để đến khi hoàn thành cuốn sách, gập bản thảo lại, hưởng thụ một niềm vui to lớn và sự thỏa mãn tràn đầy khó có thể nào bắt gặp trong cuộc sống thường ngày.

Còn nhớ, khi viết cuốn tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh ngay sau khi vừa kết thúc một chương sự nghiệp của mình với đầy cảm xúc còn mới nguyên, mỗi hàng chữ, mỗi con chữ được viết ra mà thấy thật “đã”, như được trải lòng mình ra. Đến nỗi nhiều lúc đang viết mà tự buộc miệng cười theo, thậm chí chảy nước mắt. Đó là viết sách, là được sống thật sâu trong những trải nghiệm và suy nghĩ của mình về một đề tài hay một sự kiện nào đó, để mình hiểu mình hơn. Mà chính ra hiểu mình mới khó, vì chỉ có hiểu mình thì mới có thể tiến bộ trong hành xử và tư duy.

Viết sách còn cho tôi cơ hội nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi đến tận gốc rễ của những vấn đề, sự kiện mà mình muốn trình bày trong cuốn sách. Nói cách khác, nó làm mình trưởng thành hơn về mặt kiến thức, từ đó cảm thấy mạnh mẽ hơn trong công việc và cuộc sống.

Như lần viết cuốn nhượng quyền thương mại dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam ngay trong thời gian đang xây dựng và triển khai mô hình kinh doanh của Phở 24, vừa viết mà vừa học, vừa săm soi rút kinh nghiệm. Và phần thưởng dành cho tác giả cuốn sách này là sự tự tin vào con đường mình đang đi, chưa kể khách hàng, đối tác cũng có thêm sự tin tưởng đối với thương hiệu. Ai lại không thích ủng hộ hay hợp tác với người có trình độ, chuyên môn cao!

Cho nên, tính ra viết sách đã cho tôi quá nhiều thứ, trong đó không thể không kể đến việc nó giúp tôi giảm stress đáng kể! Có người sẽ hỏi viết là thêm việc, thêm trách nhiệm, thêm áp lực, vậy tại sao gọi là giảm stress được. Trường hợp của tôi, nó cho tôi sự thăng bằng, giải tỏa những căng thẳng trong công việc hằng ngày. Hơn thế nữa, nó còn cho tôi sự tự do, bay bổng trong suy nghĩ, tư tưởng.

Bằng chứng là khi tôi vừa chuyển nhượng xong công ty, cùng gia đình qua Úc định cư, tưởng rằng mình sẽ hưởng thụ một thời gian chậm rãi, êm đềm để tha hồ mà viết sách sau bao năm chinh chiến trên thương trường, nhưng thực tế lại khác hẳn. Tôi không viết được một cuốn nào trong thời gian này. Cho đến khi mở hai nhà hàng tại đây, bận rộn từ sáng đến tối mà nhu cầu được viết lại cuồn cuộn nổi lên.

Cuốn Chỉ có niềm đam mê ra đời trong bối cảnh như vậy. Tác giả của nó hằng ngày ngồi tại bàn số 1 trong góc của tiệm ăn Bon Bistro trên đường Broadway của phố Ultimo, Sydney. Vậy mà vui. Vậy mà thích viết. Tiệm này tôi đã sang nhượng lại sau hai năm đổ mồ hôi với nó chỉ để mua một tấm vé bước chân vào cuộc sống kinh doanh của người địa phương đúng nghĩa. Cũng như bao nhiêu tiệm ăn, tiệm bánh, quán cà phê mà tôi từng sống với nó với bao cảm xúc, Bon Bistro nay cũng không còn, nhưng những trải nghiệm và ký ức với nó vẫn sẽ còn lưu giữ mãi trong cuốn sách.

Những trải nghiệm và ký ức này nếu có duyên sẽ trở thành những kiến thức và kỹ năng giúp các bạn trẻ yêu thích ngành kinh doanh nhà hàng rút ngắn con đường đi đến thành công.

(*) Đại học Western, Sydney (Úc)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân viết sách: Cho đi là để nhận về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO